Vỉa hè, lòng đường thành sân nhà

Vỉa hè, lòng đường là công trình công cộng, nhưng tại TPHCM hiện nay có nhiều đoạn vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi dựng xe, bày bàn ghế để bán hàng ăn uống; còn lòng đường cũng bị nhiều người có nhà mặt tiền xem như của riêng, không cho ai dừng đậu xe vì e ảnh hưởng đến việc buôn bán của họ.
Vỉa hè, lòng đường thành sân nhà

Vỉa hè, lòng đường là công trình công cộng, nhưng tại TPHCM hiện nay có nhiều đoạn vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi dựng xe, bày bàn ghế để bán hàng ăn uống; còn lòng đường cũng bị nhiều người có nhà mặt tiền xem như của riêng, không cho ai dừng đậu xe vì e ảnh hưởng đến việc buôn bán của họ.

Bạn đọc Hồ Hoài Nhơn gọi đến đường dây nóng Báo SGGP phản ánh: “Tôi vừa dừng xe máy trên vỉa hè phía trước tòa nhà International Plaza (đường Phạm Ngũ Lão, quận 1) chưa kịp tắt máy đã bị nhân viên bảo vệ ra đuổi. Tôi thắc mắc: “Đây là vỉa hè, là công trình công cộng, có phải của anh đâu mà đuổi?”. Nhân viên bảo vệ liền chỉ vào tấm bảng “Yêu cầu không được đậu xe trước tòa nhà” và cãi rằng nơi đây chỉ xe của khách vào ngân hàng giao dịch mới được dừng đậu”. Nhiều bạn đọc khác cũng đã phản ánh gặp tình cảnh bị đuổi như vậy vì các chủ cửa hàng giao dịch - kinh doanh mặc nhiên xem vỉa hè và lòng đường phía trước là sân nhà của mình. Bạn đọc Lê Đình Nhân kể: “Tôi chở giám đốc lên TPHCM liên hệ công tác. Dọc đường Phạm Hồng Thái - nơi được phép đậu xe - nhưng tôi không sao đậu xe được, vì cửa hàng nào cũng đặt biển ngay dưới lòng đường không cho đậu xe. Vừa tấp xe vào lề là ngay lập tức có nhân viên bảo vệ ra đuổi, cho rằng che khuất mặt tiền kinh doanh. Tương tự, dọc đường Cao Thắng nối dài (quận 10), 3 Tháng 2, Thành Thái… cũng đều bị người của các cửa hàng kinh doanh ra đuổi, không cho xe dừng đậu”.

Không chỉ không cho dừng đậu xe phía trước nhà mình, nhiều người ở mặt tiền còn chiếm dụng hết vỉa hè phía trước để buôn bán, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Đường Lý Thái Tổ có mật độ giao thông rất lớn, nhưng có nhiều garage vẫn ngang nhiên chiếm dụng hết vỉa hè để bày vỏ xe và thiết bị sửa chữa và chiếm dụng luôn cả lòng đường phía trước làm nơi sửa ô tô. Các garage chiếm dụng lòng lề đường này hoạt động từ sáng đến chiều, gây mất an toàn cho người đi bộ và cản trở giao thông nhưng vẫn không bị nhắc nhở, xử lý. Giờ tan học, nhiều học sinh qua đây phải đi bộ dưới làn đường ô tô rất nguy hiểm.

Đường An Dương Vương (quận 5) cũng bị chiếm dụng lòng lề đường làm garage sửa ô tô. Chị Nguyễn Thị Thu Cúc (cư ngụ tại đây) than: “Suốt dọc tuyến đường ô tô đậu kín dưới lòng đường để sửa chữa; còn vỉa hè bị chiếm dụng thành nơi đậu xe máy, máy móc, hàng trưng bày. Người đi bộ đành phải đi dưới lòng đường”. Thật vậy, ở đây đã thành sân của các garage, xe không vào sửa chữa thì chẳng được dừng đậu, xe vừa tấp vào mà không phải để sửa chữa là bị người của garage sừng sộ đuổi ngay.

Nhiều con đường khác như Cách Mạng Tháng Tám (đoạn qua trước công viên Lê Thị Riêng), Đồng Đen, Trường Chinh, Nguyễn Tất Thành… luôn bị các xe đẩy, hàng rong chiếm đậu dưới lòng đường buôn bán, gây ùn tắc giao thông. Trong các cuộc họp giao ban về tình hình an toàn giao thông TPHCM, UBND TPHCM luôn quan tâm chỉ đạo xử lý chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng lòng đường để làm nơi sửa chữa ô tô, kinh doanh ăn uống. Nếu vi phạm lần đầu thì lập biên bản xử phạt hành chính; lần thứ hai phải đình chỉ kinh doanh; tiếp tục sai phạm thì sẽ đề nghị rút giấy phép kinh doanh. Thế nhưng chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa nghiêm túc thực hiện, khiến tình trạng lấn chiếm lòng lề đường vẫn diễn ra, chưa có chiều hướng giảm.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục