Có được phép giăng hàng rào điện?

Đã có không ít người giăng hàng rào điện nhằm mục đích chống trộm, gây ra rất nhiều tai nạn, hậu quả chết người. Vậy việc sử dụng điện để bảo vệ tài sản có được pháp luật chấp nhận hay không?

Đã có không ít người giăng hàng rào điện nhằm mục đích chống trộm, gây ra rất nhiều tai nạn, hậu quả chết người. Vậy việc sử dụng điện để bảo vệ tài sản có được pháp luật chấp nhận hay không?

Pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất chặt chẽ về vấn đề này. Theo quy định của Luật Điện lực được Quốc hội thông qua và ban hành ngày 3-12-2004, pháp luật cho phép người dân được sử dụng điện để làm phương tiện bảo vệ tài sản. Theo khoản 1 Điều 59 Luật Điện lực, “Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết”. Tuy nhiên việc sử dụng điện trên phải tuân theo những điều kiện nhất định. Cụ thể, sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc; có biển báo nguy hiểm; không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện; không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện.

Ngoài việc sử dụng điện để làm phương tiện bảo vệ trực tiếp với các điều kiện nêu trên, tất cả các hành vi sử dụng điện để bảo vệ tài sản khác đều là hành vi bị cấm trong hoạt động sử dụng điện (khoản 7 Điều 7 Luật Điện lực).

Pháp luật Việt Nam cũng quy định rất rõ các chế tài cho việc sử dụng điện để bảo vệ tài sản trái với quy định pháp luật. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với chế tài về hành chính, theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 68/2010/NĐ-CP ngày 15-6-2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, đối với một trong các hành vi “Sử dụng điện để đánh bắt thủy sản, bẫy chuột, chống trộm, bảo vệ tài sản, hoa màu; sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp (hàng rào điện) không được cơ quan có thẩm quyền cho phép” thì bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng.

Đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Điều 12 Mục I Công văn của Tòa án Nhân dân tối cao số 81/2002/TANDTC ngày 10-6-2002, nếu hành vi sử dụng điện trái phép gây ra tai nạn chết người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo nguyên tắc chung sau: Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau: Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người. Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.

Như vậy, pháp luật Việt Nam không cấm người dân tìm những biện pháp tốt nhất để bảo vệ tài sản của mình. Tuy nhiên đối với những biện pháp nguy hiểm và có khả năng gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và lợi ích của người xung quanh thì phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định mà pháp luật đưa ra. Nguồn điện, hệ thống tải điện được pháp luật Việt Nam xác định là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ (Điều 623 Bộ luật Dân sự), do vậy người quản lý và sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ này phải có trách nhiệm quản lý thật tốt cũng như phải chịu trách nhiệm với các thiệt hại gây ra.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục