Phương tiện chữa cháy cơ động

Sau khi tận mắt chứng kiến một đám cháy ở gần nhà, ông Lý Nhơn Thành (Đội trưởng Đội bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM) băn khoăn nghĩ ngợi: Có cách nào để lực lượng chữa cháy tại chỗ có thể khống chế ngọn lửa thật nhanh, cơ động, hiệu quả?
Phương tiện chữa cháy cơ động

Sau khi tận mắt chứng kiến một đám cháy ở gần nhà, ông Lý Nhơn Thành (Đội trưởng Đội bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM) băn khoăn nghĩ ngợi: Có cách nào để lực lượng chữa cháy tại chỗ có thể khống chế ngọn lửa thật nhanh, cơ động, hiệu quả?

Ông Lý Nhơn Thành (bìa phải) giới thiệu chiếc mô tô chữa cháy.

Mày mò chế tạo

Cũng như các phường khác tại các quận nội thành TPHCM, tại phường Nguyễn Thái Bình, đằng sau những cao ốc khang trang ở mặt đường là những chung cư đã xuống cấp và xóm lao động nằm sâu trong những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo. Khi xảy ra sự cố, các lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận để khống chế ngọn lửa.

Mấy lần chật vật chữa cháy trong các khu dân cư như vậy, ông Thành nghĩ đến việc rất cần có thiết bị chữa cháy thật nhỏ gọn, cơ động. Thế là ông mày mò nghiên cứu. Dù là “tay ngang” nhưng rồi ông cũng đã chế tạo thành công thiết bị chữa cháy nhỏ gọn, cơ động, tuy chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu, nhưng các thiết bị này đã đem lại hiệu quả khá thiết thực. Vài năm gần đây, hầu hết các vụ cháy tại phường Nguyễn Thái Bình đều được lực lượng bảo vệ địa phương khống chế kịp thời nhờ thiết bị chữa cháy cơ động của ông Thành.

Ông Thành tâm sự: “Đội bảo vệ dân phố trực 7 ngày trong tuần, 24 giờ trong ngày, với đủ thứ việc đa đoan, tham gia khắc phục ùn tắc giao thông, giữ an ninh trật tự ở khu dân cư, và nỗi lo căng thẳng là phải kịp thời ứng phó với tình huống xảy ra cháy nổ. Để đáp ứng được yêu cầu đó, tôi tìm cách trang bị các thiết bị hỗ trợ cho đội bảo vệ dân phố có thể khống chế ngọn lửa một cách có hiệu quả. Cũng không phải là chế tạo máy móc gì ghê gớm đâu, các linh kiện đều dễ tìm, tự tạo, lắp ráp chúng lại với nhau thôi”.

Đó là chiếc máy bơm nước để rửa xe gọn nhẹ và vài chục mét dây ống. Cái khó là đầu vòi phải tiếp cận được các vòi nước đang sử dụng ở các hộ gia đình. Thiết bị đó phải chắc chắn bám vào vòi nước và đủ cứng cáp, ổn định khi máy bơm vận hành. Ông Thành tháo đầu vòi của máy giặt nhà mình để nghiên cứu, rồi đặt thợ làm các thiết bị ốp chặt ống vào vòi nước. Các thiết bị cần thiết được nằm gọn trong cái bao để cơ động mang, vác, xách được, ông Thành đặt cơ sở may bạt trên đường Ký Con làm một cái ba lô khá chắc chắn.

Mô tô chữa cháy

Chưa dừng lại ở đó, để cơ động hơn nhằm tăng hiệu quả chữa cháy, ông Thành lại mày mò lắp ráp thiết bị chữa cháy gắn lên mô tô để trở thành mô tô chữa cháy.

Dẫn chiếc mô tô đang dựng trong chốt bảo vệ ở ngã tư đường Phó Đức Chính - Nguyễn Thái Bình ra ngoài, anh Huỳnh Văn Anh Tài, đội viên Đội bảo vệ dân phố, cho biết: “Đây là xe 125 phân khối, chú Thành mua hóa giá, máy vẫn còn khá tốt. Chú Thành đặt hàn chặt một khung sắt vào sườn xe để chở máy bơm, 2 thùng nước (mỗi thùng 40 lít) và bộ vòi. Chiếc mô tô này rất cơ động khi chữa cháy. Việc đầu tiên khi đến chữa cháy là tìm nguồn nước bổ sung cho nước trong thùng. Cũng không khó vì vòi dẫn nước có thể kéo nối các vòi nước trong nhà người dân. Máy bơm sẽ hút thẳng nước trong vòi đó. Đầu vòi là đầu lăng chữa cháy, nước phun rất xa và mạnh. Nói chung là với phương tiện này có thể khống chế ngay từ đầu các vụ cháy trong khu dân cư”.

Thành phố vào mùa khô, sự cố chập điện liên tục xảy ra. Trong 8 vụ cháy xảy ra từ đầu năm 2014 đến nay trên địa bàn phường Nguyễn Thái Bình, có 4 vụ cháy do chập điện ở cột đèn hay bảng quảng cáo. Khó nhất là khi chữa cháy trên cao, nhiều lúc lực lượng chữa cháy tại chỗ phải bất lực, nhìn ngọn lửa hoành hành. Chú Thành lại nghĩ cách mua 1 bình chữa cháy loại 30kg cao hơn 1m, rồi chế thêm xe đẩy tay và cái vòi dài khoảng 3m. Từ đó khi có sự cố cháy trên cao, anh em bảo vệ dân phố chỉ cần đưa thang đến và kéo vòi khống chế ngọn lửa. Vòi chữa cháy trên cao đã phát huy hiệu quả.

Ông Thành vui vẻ cho biết: “UBND phường Nguyễn Thái Bình đã trích kinh phí đầu tư được 8 bình chữa cháy loại này. Điều bất tiện là khi mở khóa bình để chữa cháy thì phải sử dụng hết bình, chứ không khóa lại được. Mỗi lần như vậy, chúng tôi phải tốn kinh phí khoảng 400.000 đồng để nạp lại chất chữa cháy. Chịu khó tốn tiền một chút, nhưng lực lượng tại chỗ có thể khống chế đám cháy hiệu quả”.

Nghiên cứu và trang bị các thiết bị chữa cháy cơ động để dễ di chuyển và thao tác trong hẻm sâu, ngõ nhỏ là yêu cầu bức thiết trong điều kiện TPHCM có cả chục ngàn con hẻm.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục