Trái cây trôi nổi gắn mác đặc sản

Gần đây, không ít thương lái thiếu đạo đức trong kinh doanh đã đánh tráo, trộn trái cây trôi nổi, mạo danh trái cây đặc sản trong nước. Các cơ quan  chức năng chuyên trách ở các địa phương tuy biết nhưng cũng khó xử phạt...
Trái cây trôi nổi gắn mác đặc sản

Gần đây, không ít thương lái thiếu đạo đức trong kinh doanh đã đánh tráo, trộn trái cây trôi nổi, mạo danh trái cây đặc sản trong nước. Các cơ quan  chức năng chuyên trách ở các địa phương tuy biết nhưng cũng khó xử phạt...

Thận trọng trái cây vỉa hè

Hiện nay trên nhiều tuyến đường dẫn vào những khu đô thị, khu công nghiệp hay nơi đông dân cư, thường thấy có xe bày bán trái cây lưu động hoặc trải bạt trên vỉa hè với biển hiệu “Trái cây đặc sản” đủ loại đến từ các miền trên cả nước và thậm chí là nhập khẩu, như mít Tố Nữ miền Tây, vải Thanh Hà, nhãn Hưng Yên, dừa xiêm Bến Tre, ổi Hà Nội, nho Ninh Thuận, vú sữa Lò Rèn, dâu Đà Lạt, bòn bon Thái Lan… Giá bán “trái cây đặc sản” nhưng chỉ vài chục ngàn đồng một ký, bằng 1/2 hoặc 1/3 giá bán tại các sạp hoa quả ở chợ hay siêu thị.

Tuy nhiên, thực tế các loại trái cây này người bán thường lấy hàng từ các vùng khác hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên mới có giá rẻ bất ngờ như vậy. Những người bán trái cây ở vỉa hè, đường phố bao giờ cũng quảng cáo rằng trái cây của mình được hái từ vườn chở lên bán, không qua trung gian nên giá rẻ hơn.

Trên nhiều tuyến đường TPHCM, trái cây không rõ xuất xứ trên các xe bán hàng rong.

Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, chị Nguyễn Lan Anh (ngụ tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM) phản ánh: “Cách nay 5 ngày, tôi đi du lịch ngang qua tỉnh Ninh Thuận thấy nho bày bán dọc đường rất nhiều, quả mọng tươi nên tôi mua 4kg, giá 80.000 đồng. Thế nhưng, khi đem về nhà rửa sạch mới phát hiện quá nửa số nho bị dập, thâm đen. Đổ nho ra thau nước, chỉ lắc nhẹ tay, từng chùm nho rơi rụng, trơ những sợi thun cột ngụy trang. Một số chùm nho lớn có cột những viên đá nhỏ phía trong để ăn gian trọng lượng”.

Việc tráo nho kém phẩm chất, cột thêm đá bán cho người tiêu dùng tại Ninh Thuận không phải chuyện mới diễn ra, đã có không ít người tiêu dùng mua nhầm loại nho dỏm như vậy khi đi dọc đường qua vùng chuyên canh nho. Chưa kể họ thường xuyên cân thiếu.

Nhiều người tiêu dùng cũng mua nhầm trái cây Trung Quốc mạo danh trái cây đặc sản Việt Nam. Tại một số điểm bán trái cây dạo trên địa bàn TPHCM như tuyến đường Trường Chinh (quận 12), Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Nguyễn Duy Dương (quận 10) bày bán nhiều nho Ninh Thuận nhưng “made in China”.

Mạo danh để dễ bán

Theo một người bán trái cây dạo trên đường Thành Thái (quận 10), hiện nay trái cây Trung Quốc rất khó bán, người tiêu dùng không chuộng vì ngại có nhiều hóa chất và không ngon. Do vậy, người bán phải rao là trái cây đặc sản trong nước. Vì vậy, rất nhiều loại trái cây đặc sản của nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã bị mạo danh. Nhìn chung, trái cây đặc sản nào được ưa chuộng sẽ xuất hiện hàng nhái. Đáng chú ý, có nhiều trái cây mạo danh đặc sản Đà Lạt nhưng thực chất xuất xứ Trung Quốc như mứt mận, ô liu, hồng dẻo, đào…, là những thứ Đà Lạt không có, được mua về từ Hà Nội hoặc Trung Quốc.

Tết sắp đến, trái cây là sản phẩm được tiêu thụ mạnh để phục vụ việc thờ cúng, trang trí... nên cũng là thời điểm những trái cây đặc sản giả, nhái thương hiệu được tung ra thị trường nhiều nhất. Để hạn chế tối đa việc mua nhầm trái cây mạo danh đặc sản, người tiêu dùng cần cảnh giác khi chọn mua, không nên mua những trái cây bán ở vỉa hè vì dễ lầm với trái cây đặc sản.

Cơ quan quản lý thị trường cần quan tâm kiểm tra ngăn chặn việc buôn bán mạo danh trái cây đặc sản, cũng phải xử lý như dạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ đặc sản thương hiệu trái cây vùng miền đã được các cơ quan thẩm quyền cho đăng ký nhãn hiệu.

VĂN THY HOÀNG - THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục