Hạn chế trong chống tham nhũng

Thanh tra Chính phủ là một trong những cơ quan chủ yếu thực hiện việc phòng chống tham nhũng. Các cơ quan thanh tra từ cấp huyện đến cấp tỉnh (không kể thanh tra chuyên ngành của các bộ, sở) cũng có vị trí, chức năng phòng chống tham nhũng. Thế nhưng, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2014, cơ quan thanh tra đã phát hiện 93 vụ, 108 người có hành vi tham nhũng; 63 vụ, 77 người liên quan tham nhũng với số tiền 15,5 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 13,8 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 27 vụ, 25 người. Còn qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 30 vụ, 31 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ cũng phát hiện 41 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng; địa phương phát hiện 46 vụ tham nhũng, liên quan 74 người… Như vậy, số vụ tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng do cơ quan thanh tra phát hiện còn ít. Vì sao hàng chục ngàn tập thể và cá nhân bị đề nghị kỷ luật nhưng chỉ có vài trăm trường hợp có liên quan đến tham nhũng? Vậy sai phạm liên quan đến hàng chục ngàn tỷ đồng và hàng ngàn hécta đất, hầu hết chỉ đơn thuần là sai phạm hành chính? Trong số 14.000 đơn khiếu nại tố cáo do các cơ quan thanh tra tiếp nhận trong năm 2014, chỉ phát hiện hơn 30 trường hợp tham nhũng, có phải phần lớn các vụ việc còn lại không liên quan đến tham nhũng, hay qua thanh tra không phát hiện tham nhũng? Trình độ, năng lực của cán bộ thanh tra có thực sự bảo đảm, nhất là đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật, khách quan, trung thực? Đó là những điều dư luận đặt ra với ngành thanh tra, khi nạn tham nhũng vẫn nhức nhối nhưng việc phát hiện và xử lý của một trong những cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng chủ yếu lại chưa thực sự đạt kết quả cao.

Trên thực tế, với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện hoạt động hiện nay, cơ quan thanh tra rất khó có thể đóng vai trò chủ lực trong hoạt động phòng chống tham nhũng. Cần thiết có sự phối hợp trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan thì hoạt động này mới thực sự có hiệu quả. Chẳng hạn, trong công tác kê khai tài sản, cần có quy định chặt chẽ hơn, tính chất công khai rộng rãi hơn, chế tài nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp thiếu trung thực, đồng thời có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan thanh tra trong việc kê khai. Bên cạnh đó, cần thiết có sự gắn kết tốt hơn giữa các cơ quan báo chí với cơ quan thanh tra, bởi báo chí là một trong những kênh tiếp nhận thông tin tham nhũng khá nhiều và hiệu quả; những trường hợp có dấu hiệu rõ ràng cần chuyển ngay cơ quan điều tra, nhưng với những trường hợp khác, có thể tiến hành thanh tra. Cơ quan thanh tra cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm tra của các tổ chức Đảng; khi kiểm tra một đảng viên hoặc tổ chức Đảng của một cơ quan, đơn vị có dấu hiệu vi phạm (trừ các trường hợp liên quan đến điều lệ Đảng), nên tiến hành đồng thời cả hoạt động kiểm tra (về mặt Đảng) và hoạt động thanh tra (về mặt chuyên môn, chính quyền)…

Các cơ quan thanh tra phải luôn tự làm trong sạch đội ngũ của mình, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp sai phạm, kể cả có dấu hiệu sai phạm, từ thái độ, quy trình làm việc… cho đến thể hiện chính kiến đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm. Cán bộ công chức của các cơ quan thanh tra phải thực sự liêm, chính đồng thời cần khách quan, trong sáng.

VÂN TÂM

Tin cùng chuyên mục