Khó an cư vì nạn ô nhiễm

Trong thời điểm gần tết, tình trạng ô nhiễm ở nhiều khu dân cư tại TPHCM tăng mạnh, đường dây nóng của Báo SGGP liên tục tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về việc các cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường bởi mùi hóa chất, tiếng ồn, xả rác và nước thải chưa qua xử
Khó an cư vì nạn ô nhiễm

Trong thời điểm gần tết, tình trạng ô nhiễm ở nhiều khu dân cư tại TPHCM tăng mạnh, đường dây nóng của Báo SGGP liên tục tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về việc các cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường bởi mùi hóa chất, tiếng ồn, xả rác và nước thải chưa qua xử lý.

Khu đô thị mới cũng ô nhiễm

Khu đô thị mới T30 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) do Công ty CP Phát triển hạ tầng Sài Gòn làm chủ đầu tư. Vài tháng nay, tại lô số 2 đường số 8 - ngay giữa khu đô thị này - mọc lên một xưởng sửa chữa ô tô quy mô lớn.

Từ khi xưởng này đi vào hoạt động, cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn, bởi môi trường sống bị ô nhiễm. Cư dân địa phương kêu cứu vì các máy nổ, hàn, cắt, phun sơn… hoạt động liên tục suốt ngày, đến trưa cũng không nghỉ. Tiếng ồn quá lớn; mạt sắt, bụi sơn bay tứ tung. Các nhà chung quanh phải thường xuyên đóng kín cửa nhưng vẫn không chống được tiếng ồn. Trẻ con, người lớn ở trong nhà vẫn phải đeo khẩu trang che kín mặt mũi nhưng vẫn bị ho. Cư dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã.

Cơ sở sản xuất keo để túi ni lông, phế liệu bừa bãi.

Ngày 29-10-2014, UBND xã Bình Hưng có văn bản trả lời người dân: “Xã tiến hành kiểm tra, ghi nhận Chi nhánh Công ty TNHH TM Sửa chữa ô tô Anh Tú hoạt động có phát sinh chất thải nguy hại, phát sinh tiếng ồn. UBND xã đã lập biên bản yêu cầu doanh nghiệp phải có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn trong quá trình hoạt động; lưu chứa chất thải nguy hại và hợp đồng thu gom với đơn vị có chức năng thu gom; lập đề  án bảo vệ môi trường”.

Theo văn bản trả lời này, UBND xã Bình Hưng mặc nhiên cho phép cơ xưởng sửa chữa ô tô gây ô nhiễm môi trường tiếp tục tồn tại trong khu dân cư. Người dân ở đây thắc mắc, trước đó không lâu chính quyền đã đóng cửa cơ sở gia công đồ sắt cạnh cơ xưởng ô tô này vì lý do “không được sản xuất trong khu dân cư, gây ô nhiễm”. Vậy sao lại “ưu ái” cho cơ xưởng ô tô quy mô lớn lại được tồn tại?

Khốn khổ vì mùi khó thở

Cư dân trong hẻm 58 đường số 4 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) phải chịu đựng mùi khó thở từ cơ sở sản xuất cà phê và mùi độc hại từ cơ sở làm keo. Nhà nào cũng đều phải đóng cửa kín mít. Cơ sở làm keo thải mùi nhựa bị đốt cháy khi ngửi vào muốn buồn nôn. Các túi ni lông để bừa bãi chiếm hết phần đường và còn đặt dưới trụ điện hạ thế. Chỉ cần một đốm tàn thuốc là có thể biến thành ngọn lửa gây cháy khu dân cư. Ban đêm mọi người bị mất ngủ vì tiếng máy ầm ĩ.

Được biết, trong cuộc họp khu phố, nhiều người dân địa phương đã bức xúc lên tiếng, nhưng chỉ nhận được lời xin lỗi, mong thông cảm và hứa sẽ thu xếp dọn sớm từ cơ sở sản xuất cà phê; còn cơ sở làm keo thì không ai đi họp. Phòng TN-MT quận Bình Tân xác nhận cơ sở sản xuất cà phê hứa sẽ di dời sớm trong vòng 1- 2 tháng nữa, trong thời gian này sẽ sử dụng lưới lọc khí tốt để đỡ ảnh hưởng sức khỏe người dân. Riêng cơ sở làm keo thì hoạt động kinh doanh không phép đã từ nhiều năm, nhưng Phòng TN-MT không nắm được, do phường không báo lên.

Sau khi nhận được phản ánh của Báo SGGP, phòng đã kiểm tra, xử phạt, buộc cơ sở làm keo phải ngưng hoạt động kinh doanh. PV Báo SGGP đã gặp ông Dương Thanh Hậu, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) để tìm lời giải thích vì sao cơ sở làm keo đã hoạt động và gây ô nhiễm nhiều năm mà UBND phường không hay. Vì sao khu phố không báo lên cho UBND phường để xử lý? Ông Dương Thanh Hậu hứa sẽ kiểm tra làm rõ nguyên nhân, chắc chắn là có sự bao che từ khu phố, sẽ có hình thức kỷ luật xứng đáng và phải xin lỗi người dân.

Thế nhưng thực tế dù đã bị phạt, buộc ngưng hoạt động, nhưng cơ sở làm keo vẫn tiếp tục hoạt động và không chịu nộp phạt.

Còn cư dân ở tổ 1 (đường Cây Cám, ấp 2C, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) cũng đang khốn khổ vì khói đen xả ra từ các cơ sở sản xuất bay mù mịt. Theo phản ánh của các cư dân thì dân kêu cứu mãi nên chính quyền địa phương mới cử người xuống đo khí thải ra môi trường, rồi xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm, nhưng chỉ được vài ngày, nạn ô nhiệm tái diễn. Tương tự, cư dân tổ 70 (khu phố 4, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) cũng rất khổ sở vì mùi khí thải hôi như phân u-rê rất khó chịu từ Công ty TNHH MTV Ý Vinh.

Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng TNMT huyện Bình Chánh, cho biết những cơ sở sản xuất này tồn tại trước khi khu dân cư mọc lên. Địa phương thường xuyên kiểm tra, vận động hạn chế gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Tuy nhiên, cứ xử phạt nặng thì chủ cơ sở đổi tên, nên quyết định xử phạt cũ phải hủy bỏ.

NGUYỄN HIỀN - THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục