Cảnh lây lất của bệnh nhân ung thư

“Phải nằm viện là khổ, nhưng tận cùng của cái khổ thì phải nói đến bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM”, gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, một người nuôi mẹ đang điều trị tại bệnh viện này tâm tình với giọng buồn bã. PV Báo SGGP đã đến bệnh viện, gặp những người bệnh nan y đang phải gắng gượng chống chọi với bệnh tật, sống lây lất ở những dãy hành lang chẳng đủ che nắng che mưa, hay trong các căn phòng trọ ẩm thấp. 
Cảnh lây lất của bệnh nhân ung thư

“Phải nằm viện là khổ, nhưng tận cùng của cái khổ thì phải nói đến bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM”, gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, một người nuôi mẹ đang điều trị tại bệnh viện này tâm tình với giọng buồn bã. PV Báo SGGP đã đến bệnh viện, gặp những người bệnh nan y đang phải gắng gượng chống chọi với bệnh tật, sống lây lất ở những dãy hành lang chẳng đủ che nắng che mưa, hay trong các căn phòng trọ ẩm thấp. 

Từ hành lang bệnh viện...

Hành lang bệnh viện là nơi “tạm trú” của hàng trăm bệnh nhân suốt nhiều năm qua

Gặp chúng tôi ở dãy hành lang bệnh viện được trải kín bằng những manh chiếu, có chỗ nước nhỏ tong tong cả ngày đêm, làm chiếu ướt sũng, thâm đen, bốc lên mùi hôi ngai ngái, chị Ngô Thị Hương (36 tuổi, quê Châu Đốc, An Giang) kể: “Ở đây chỉ mong nhanh đến mùa nắng thôi cô ơi, tuy nóng nhưng còn ngủ được; chứ mùa mưa ai cũng phải thức trắng đêm luôn, nước tạt vào chỉ kịp che mấy thùng đồ, còn người thì... ướt, lạnh co ro. Sức khỏe đã yếu lại nằm đất, hứng sương và mưa gió nên người bệnh càng thêm suy kiệt, cảm cúm liên miên”.

Chiều xuống, khi khu khám bệnh của Bệnh viện Ung bướu TPHCM hết giờ làm việc, hàng trăm bệnh nhân tất tả ôm đồ đạc tới hành lang trải chiếu nghỉ ngơi sau một ngày vật vờ ở các gốc cây, ghế đá. Họ đều là những bệnh nhân ngoại trú nhưng vì nhà xa, không có điều kiện đi lại để điều trị nên chọn ở lại bệnh viện, ngày trú nắng, tối ngủ hành lang. Nơi đông đúc và tập trung nhiều người bệnh có “thâm niên” nằm bệnh tại bệnh viện này là phía hành lang bên hông dãy giường bệnh giáp với khu công viên. Hành lang chỉ dài chừng 30m nhưng có tới hàng trăm người chen chúc. Bà Nguyễn Ngọc Mai (68 tuổi, quê An Giang) đã có 10 năm trú ở dãy hành lang này để chống chọi với bệnh ung thư cổ tử cung, di căn sang ngực, phổi và vừa mới trải qua đợt mổ thứ 5. “10 năm nay tôi sống ở dãy hành lang này cùng với các bệnh nhân khác, xin cơm từ thiện ăn qua ngày. Ở đây cùng cảnh ngộ nên mọi người thương nhau như thân thích, nay còn nhìn thấy nhau, nhưng không biết ngày mai thế nào…”, bà Mai nén cơn đau thều thào kể.

Nằm kế bên bà Mai là bà Phạm Thị Điệp (60 tuổi, ngụ Đồng Tháp) bị ung thư vú, cũng ở đây đã hơn 6 năm. Chỉ năm nào may mắn con cái xoay được thêm tiền thì bà mới được về quê một lần vào dịp tết. Với những người bệnh sống hàng năm trong bệnh viện, ăn cơm từ thiện, ngủ hành lang, đôi khi họ lại mong muốn những thứ quá đỗi bình thường. Bà Điệp tâm tình: “Nói cô đừng cười, chứ chúng tôi vẫn còn phải thèm cơm thịt, cơm cá. Cơm từ thiện chủ yếu là cơm chay, rất ít khi có đồ ăn mặn, hôm nào sang thì có thịt gà mà chúng tôi chẳng ai dám ăn, ăn thịt gà vào thì đau nhức đến mấy ngày”.

…đến hành lang nhà trọ

Những người đến sau không còn chỗ ngoài hành lang để ngủ, nếu còn xoay xở được chút tiền thì tối đến ra thuê chỗ ngủ ở các nhà trọ xung quanh bệnh viện. Chỉ cần tản bộ vài con hẻm là thấy hàng trăm tấm biển với dòng chữ “nhà trọ bình dân”, “nhà trọ bệnh nhân” treo trước những quán cơm, quán nước hay quầy thuốc tây, nhưng chỉ khoảng 5 giờ chiều là đã kín chỗ.

Tại khu nhà trọ hẻm 5 đường Nơ Trang Long (phường 7, quận Bình Thạnh), ngay từ ngoài cửa đã thấy hàng chục người nằm, ngồi vật vạ dưới nền nhà hay trên ghế bố, giường gấp. Chủ phòng trọ T. giới thiệu với khách hỏi thuê các phòng trọ “hạng sang”, đó là dãy phòng được ngăn bằng gỗ ép rộng chừng 4m2 kê vừa đủ một chiếc giường sắt, trống phía trên. Phòng có quạt giá 100.000 đồng/đêm; phòng có máy lạnh giá từ 150.000 đến 170.000 đồng/đêm; phòng rộng hơn một chút và có nhà vệ sinh riêng giá 250.000 đồng/đêm. Tất cả những chỗ trống không ngăn được thành phòng và hành lang đều được tận dụng để xếp ghế bố, giường gấp cho thuê với giá 40.000 đến 60.000 đồng/đêm. Ngay cả gầm cầu thang, chủ nhà cũng tận dụng xếp được một chiếc giường gấp cho 2 người và một ghế bố, giá 160.000 đồng/đêm. Các nhà trọ khác đều tối tăm, chật chội, hôi hám và nhà vệ sinh dùng chung cho hàng chục người, mà giá thuê phòng cũng đều cao như vậy. Dì Dương Thị Hạnh (46 tuổi, quê Đắk Lắk) rầu rĩ nói: “Tối không có chỗ ngủ, nên chúng tôi đành chấp nhận thuê ở đây với giá đắt đỏ, nằm không được thoải mái lắm, nhưng cũng bớt gió sương. Mong sao bệnh viện có đủ chỗ cho chúng tôi, chứ ở lây lắt thế này khổ quá cô ạ!”.

Kể với chúng tôi về cuộc sống gian nan của những bệnh nhân ngoại trú, một cán bộ Phòng Hành chính của Bệnh viện Ung bướu liên tục thở dài, cho biết, tình trạng quá tải đã diễn ra bao năm nay, bệnh viện đành bất lực, không thể sắp xếp được hết chỗ ở cho người bệnh. Bệnh viện chỉ có thể tạo điều kiện cho những bệnh nhân ở tạm trong những dãy hành lang của bệnh viện. Hy vọng cơ sở 2 của bệnh viện tại quận 9 (TPHCM) nhanh được đưa vào sử dụng thì mới mong giảm bớt tình cảnh này.


THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục