Hết tết vẫn sa đà ...

Hết tết vẫn sa đà ...

LTS: Những ngày vui tết đã qua, nhưng nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và nhiều gia đình vẫn chưa trở lại với nhịp sống, làm việc bình thường. Các lễ hội đang diễn ra ở nhiều nơi, bên cạnh những hoạt động lành mạnh, cũng có nhiều chuyện không hay; nhiều người vẫn sa đà “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Báo SGGP trích đăng ý kiến của bạn đọc lên tiếng về những chuyện này.

Cần cụ thể hóa chỉ thị của Ban Bí thư về tổ chức lễ hội

Ngày 5-2-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 41-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó yêu cầu giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn; hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội.

Trên hè phố vẫn còn cảnh tụ tập đánh bài dù tết đã qua. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

Thực tế diễn biến trong những ngày qua cho thấy việc tổ chức các lễ hội vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉ thị này, đã xảy ra nhiều chuyện đáng phàn nàn. Bộ VH-TT-DL cần cụ thể hóa công tác tổ chức lễ hội để các ngành, các cấp thực hiện. Nên quy định thời gian và quy mô tổ chức lễ hội vào các năm chẵn như 10 năm, 15 năm, 20 năm, thay vì năm nào các ngành, các cấp cũng tổ chức lễ kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, địa phương.

Lãnh đạo ngành, địa phương tổ chức lễ hội phải có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho người tham dự. Nếu để xảy ra thương vong cho người tham dự lễ hội, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự. Nên cắt giảm tối đa các lễ khởi công, lễ thông xe, lễ khánh thành… các công trình do ngân sách nhà nước đầu tư, trong đó có các công trình xây dựng cầu đường, trường học, bệnh viện. Cơ quan tài chính các cấp nên xuất toán các khoản chi trái với quy định của Chính phủ trong việc chi tiêu cho lễ hội.

KIM CHI (quận 1, TPHCM)

Kém ý thức văn hóa nơi công cộng

Trong những ngày đầu năm mới, quan sát nhiều người du xuân, trẩy hội tại các di tích, danh lam thắng cảnh, tôi thấy có nhiều người còn thiếu ý thức văn hóa nơi công cộng, thể hiện trong việc trang phục không phù hợp nơi tôn nghiêm, xả rác bừa bãi, gây ồn ào mất trật tự.

Tại nhiều nơi thờ tự, vẫn thấy các cô gái với trang phục thiếu kín đáo. Ăn mặc như vậy ngoài đường phố đã là khó chấp nhận, huống chi ở đền, chùa, miếu, phủ. Tại chùa Trấn Quốc, cũng có nhiều thanh niên ăn mặc hở hang vào chùa cầu khấn, lễ bái, mặc dù nhà chùa đã nhắc nhở bằng tấm biển đề “Không mặc đồ ngắn vào chùa”. Hẳn những chàng trai, cô gái này có nhìn thấy tấm biển đó, nhưng họ cố lờ đi. Không cần phải đợi bị nhắc nhở, mỗi chúng ta đều phải biết trước khi đến những nơi chốn cần sự tôn nghiêm như vậy thì nên chọn bộ trang phục nào để mặc cho phù hợp.

Ngày xuân, cũng thật buồn khi thấy có nhiều người vẫn tùy tiện xả rác, bạ đâu xả đó. Đi dự lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), trên đường từ chùa Non lên tượng đài Thánh Gióng, tôi thấy hai bên đường dẫn các bậc thang lên núi tràn lan rác thải của những người đi lễ hội bỏ lại. Thói quen xả rác như vậy rất xấu, là việc xử sự với môi trường bằng ý thức rất kém. Ở chùa Hương, chùa Yên Tử, hay một số nơi công cộng trong thành phố mặc dù có rất nhiều thùng rác đặt dọc bên đường nhưng nhiều người thiếu ý thức cũng không bỏ rác vào thùng, mà tiện đâu quăng đó.

Hôm đi thuyền trên suối Yến vào chùa Hương, tôi thấy nhiều rác trôi nổi trên mặt nước do chính du khách ngồi trên thuyền xả xuống. Từ Thiên Trù lên Hương Tích cũng vô vàn rác ở hai bên đường núi. Thực trạng này cũng diễn ra ở Yên Tử, Bái Đính, Tràng An, cũng như nhiều địa điểm, danh thắng khác. Thiết nghĩ, không cần đợi phải cắm biển nhắc nhở về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, mà mọi người nên tự nâng cao ý thức của mình và thể hiện cách ứng xử văn hóa. Điều đơn giản sao thực hiện khó vậy?

NGUYỄN VIỆT HÀ
(Viện Văn hóa dân gian)

Vẫn viện lý do còn tết

Đến hôm nay, khi ngày tết đã qua, vẫn bắt gặp khá nhiều điểm cờ bạc sát phạt nhau công khai tại những nơi công cộng, trên đường làng, ngõ phố..., thu hút đông đúc người chơi. Nhiều phụ huynh vẫn để con cái còn nhỏ chơi cờ bạc mà không cấm đoán can ngăn. Có phụ huynh phân trần: “Cũng lo nguy cơ con sa đà cờ bạc, nhưng những ngày tết hầu như ai cũng chơi cờ bạc, tràn lan từ nhà ra ngõ, vì vậy có cấm đoán cũng khó lắm, nên đành cho bọn trẻ chơi hết tiền lì xì thì thôi”. Không chỉ các phụ huynh “phá lệ” cho con cái chơi cờ bạc thả cửa, mà dường như chính quyền các địa phương cũng làm lơ, chưa mạnh tay dẹp bỏ các sòng bạc trong dịp tết ở khu dân cư.

Thực trạng “thả lỏng” này không chỉ có ở các vùng nông thôn, mà tại nhiều khu vực trong thành phố chuyện dân tụ tập chơi cờ bạc sát phạt nhau công khai ngoài hè đường, lề phố, qua tết cũng chưa thấy dẹp. Cờ bạc với bất kỳ hình thức nào, ở đâu, vào thời điểm nào cũng đều là phạm pháp, không có lý do gì lại để tệ nạn này hoành hành.

Cũng vin vào lý do “Tết mà!”, đến hôm nay, nhiều bãi giữ xe máy vẫn tiếp tục lấy giá cao. Vẫn biết ngày tết giá các dịch vụ đều “phi nước đại”, nên giá giữ xe đắt gấp đôi, gấp ba so với ngày thường cũng đành chịu, thế nhưng khi đã hết tết rồi mà giá giữ xe vẫn chưa chịu giảm.

Tại khu vực Bia Bà (Hà Đông, Hà Nội), chủ bãi xe “chém” tới 30.000 đồng/xe máy!”. Chủ bãi giữ xe ở vỉa hè phía đường Kim Mã còn lấy mức giá giữ xe máy tới 50.000 đồng. Khách có phàn nàn, cãi vã thì cũng nắm chắc phần thua. Thực trạng này cũng diễn ra ở khu vực phủ Tây Hồ, vườn thú Hà Nội... Đã có nhiều cuộc cãi cọ, thậm chí là xô xát giữa khách gửi xe và chủ bãi xe vì mức giá giữ xe cao đến khó chấp nhận.

Tình trạng giá giữ xe máy cứ tết đến... phi nước đại đã là “căn bệnh mãn tính”, nhất là ở các bãi xe tự phát làm ăn thời vụ, cho thấy chính quyền các địa phương còn lơi lỏng trong việc quản lý, siết chặt mức giá theo quy định, cũng như chưa quan tâm tiếp thu khắc phục từ phản ánh của dư luận.

NGUYỄN HOÀNG ĐẠI
(Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tin cùng chuyên mục