Những nét đẹp văn hóa

Từ tết đến nay, các chùa, đình, đền… tại TPHCM đã đón nhiều người đến viếng. Có thể ghi nhận không khí lễ hội ở các nơi này đã diễn ra nền nếp, trật tự, thể hiện ý thức và ứng xử văn hóa của người dân.
Những nét đẹp văn hóa

Từ tết đến nay, các chùa, đình, đền… tại TPHCM đã đón nhiều người đến viếng. Có thể ghi nhận không khí lễ hội ở các nơi này đã diễn ra nền nếp, trật tự, thể hiện ý thức và ứng xử văn hóa của người dân.

Tại Lăng Ông Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), trước khi vào khu vực chính điện, khách vào viếng đều được nhận 3 nén nhang miễn phí. Chị Thanh, nhà ở quận 3 đến cúng tại đây, cho biết: “Mấy năm gần đây, nơi này đều phát 3 nén nhang miễn phí cho khách, tôi thấy như vậy vừa tiết kiệm, vừa đỡ ảnh hưởng môi trường và sức khỏe cho mọi người”.

Chiều 2-3, đến chùa Vĩnh Nghiêm, chúng tôi gặp nhiều nhóm khách du lịch từ các tỉnh phía Bắc vào viếng chùa. Chị Hương, quê ở Hà Tĩnh, chia sẻ: “Nhân đầu năm mới vào du lịch ở TPHCM, chúng tôi đến viếng chùa này vì nghe là ngôi chùa lớn ở đây. Ban đầu tôi định mua một bó nhang để thắp, nhưng được người bán nhang cho biết nơi đây mỗi người chỉ thắp 3 nén nhang thôi. Tôi nghĩ tạo được nền nếp như vậy thật tốt, đỡ cảnh khói nhang mù mịt, ngột ngạt. Điều chủ yếu là mình có lòng thành. Thay vì mua nhiều nhang đèn, tôi mua cây tài, cây lộc, giá 30.000 đồng/cây để mang về làm lộc”.

Khách viếng chùa Vĩnh Nghiêm mua nhang đèn, cây tài, cây lộc.

Một chị trạc 45 tuổi, ngồi bán nhang đèn trước chùa Minh Hương trên đường Hồng Bàng, kể: “Do mỗi người chỉ thắp 3 cây nhang thôi, nên bán ế lắm. Với lại trong chùa cũng có quầy bán nhang đèn, nên ngồi ngoài này chỉ bán cầm chừng”. Theo lời chị, mặt hàng bán được nhất là hài, mũ và giấy tiền cúng Ông, mỗi bộ giá 40.000 đồng, đa số khách mua là bà con gốc Hoa.

Việc đốt vàng mã đã giảm hẳn, nhờ vậy những năm gần đây rằm tháng giêng ở các đình chùa đã trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng với nhiều nét đẹp. Đến đình Bình Đông (phường 6 quận 8) chúng tôi thấy tấm biển mời khách thập phương ở lại dự buổi cơm chay do đình chiêu đãi.

Tại Lăng Ông Bà Chiểu, dòng người tuần tự xếp hàng để được nhận lộc miễn phí. Cô công nhân trẻ tên Quyên đến cúng tại chùa Vĩnh Nghiêm tâm sự: “Em và những người thân đi lễ ở đền chùa không phải vì ham thăng quan tiến chức, cầu danh lộc, mà chỉ cầu mong cho gia đình êm ấm, sức khỏe dồi dào là được”.

Anh bảo vệ ở Lăng Ông Bà Chiểu cho biết: “Từ tết đến nay ở đây không xảy ra vụ móc túi, cướp giật nào. Những người hành nghề bói toán phải dạt ra ngoài”. Được như vậy do công tác tổ chức, quản lý, giữ trật tự khá tốt. Đúng là phía trước lăng cũng còn thấy những “thầy bà” hành nghề bói toán. Sau một quầy bán nhang, chúng tôi thấy một “bà thầy” đang giải xăm cho một cô gái trẻ, chào mời cô xem tử vi và làm mâm quả cúng giải hạn với giá gần 400.000 đồng. Bà đưa cô một tờ giấy vàng, gấp làm 4, in hình bát quái, bảo cô ghi tên họ, lời khấn và dặn: “Tờ này linh lắm, đem về đốt trước cửa nhà”.

Khi qua sông Rạch Bà Tàng sang đình Bình Đông, chúng tôi cũng thấy những phụ nữ chào mời, chèo kéo mua những tờ giấy xem tuổi bày bán công khai. Song, nhìn chung tại các đình chùa ở TPHCM những năm gần đây, chuyện xin xăm, bói toán đã giảm hẳn.

Mùa lễ hội đầu năm là dịp kinh doanh của nhiều dịch vụ ăn theo, nổi bật là dịch vụ giữ xe. Các điểm giữ xe tại nhiều đình chùa ở TPHCM có cao hơn chút so với quy định, nhưng không “chặt chém”, giá giữ xe máy đều khoảng 5.000 đồng/chiếc. Giá tiền đò ngang 2 chiều sang cúng tại đình Bình Đông 7.000 đồng/người, thay vì 6.000 đồng theo quy định.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục