Vẽ bậy trên tường

Tại TPHCM, từ trong hẻm ra ngoài phố đang xuất hiện ngày càng nhiều những chữ viết, hình vẽ bằng sơn bôi bẩn các bức tường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Nhiều người còn viết vẽ bôi bẩn các kiến trúc văn hóa.
Vẽ bậy trên tường

Tại TPHCM, từ trong hẻm ra ngoài phố đang xuất hiện ngày càng nhiều những chữ viết, hình vẽ bằng sơn bôi bẩn các bức tường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Nhiều người còn viết vẽ bôi bẩn các kiến trúc văn hóa.

Graffiti là tên gọi tiếng Anh của loại hình tranh phun sơn, nôm na là “hình vẽ trên tường”. Đây là tên gọi chung những hình ảnh, chữ viết kiểu nguệch ngoạc trên các bức tường trong khu phố bằng bình phun sơn hay bất cứ vật liệu gì để viết, vẽ. Nhiều người cho rằng đó là nghệ thuật công cộng hay nghệ thuật đường phố. Ở các nước tiên tiến, tranh phun sơn thường xuất hiện trong đường xe điện ngầm. Tại hầu hết các nước, việc viết, vẽ lên tường không có sự đồng ý của chủ sở hữu bất động sản bị xem là hành vi hủy hoại và phá hoại, phải bị cấm và trừng phạt.

Các dòng chữ nguệch ngoạc bôi bẩn bức tường ở chân cầu Khánh Hội

Khi du nhập Việt Nam, sự học đòi “nửa mùa” càng khiến loại hình graffiti trở thành phức tạp. Cách thể hiện hình ảnh nhem nhuốc bởi đủ thứ các loại màu sơn, khiến các bức tường trở nên bẩn thỉu, xấu xí. Bà Nguyễn Cẩm Bình (ở phường 13, quận Bình Thạnh) bức xúc phản ánh qua đường dây nóng: “Khu dân cư nơi tôi ở xây dựng theo quy hoạch khang trang. Nhà nào cũng có tường rào, chăm chút sơn mặt tiền sạch đẹp. Vậy mà, nhiều lần sáng ngày ra lại phải tá hỏa vì bức tường đẹp  đã bị ai đó bôi bẩn bằng sơn phun vẽ lung tung. Thật tình tôi không hiểu người dùng sơn bôi bẩn muốn gửi gắm thông điệp gì với hình ảnh nhếch nhác này. Nếu để vậy thì vừa bẩn tường vừa thấy khó chịu. Chúng tôi phải tốn rất nhiều tiền quét sơn lại”.

Không chỉ viết, vẽ trên những bức tường trong khu dân cư, nhiều người còn bôi bẩn phố xá ở những con đường chính trong nội thành. Các trạm biến điện, tủ điện, trạm chờ xe buýt, bảng quảng cáo công cộng… trên đường phố đều bị các “họa sĩ” lén lút sơn vẽ. Chỉ lên một hình vẽ như đám rừng ở tường trạm biến thế bên hông Bệnh viện Từ Dũ, ông Lâm Thế Phong, nhà ở gần đó, nói: “Chắc chắn họ bôi bẩn vào ban đêm, vì ban ngày mọi người không để yên cho họ lộng hành như vậy. Nhưng, không hiểu sao họ lại leo được lên trên cao để vẽ những hình loằng ngoằng đó. Đây là một hành động rất nguy hiểm. Vì vừa phải leo cao, vừa có thể bị phóng điện”.

Không học đòi vẽ graffiti, nhiều bạn trẻ lại có thói quen ghi khắc tên mình ở các gốc cây, vách tường, thậm chí ngay trên hiện vật ở các di tích, danh thắng. Họ làm vậy vì muốn lưu lại kỷ niệm, đánh dấu rằng mình đã đến đây, nhưng không hiểu rằng việc ghi tên mình như vậy chỉ lưu lại cho hậu thế cái tên của những kẻ vô ý thức và kém văn hóa. Bởi hành vi này không thể chấp nhận được, vì làm tổn thương cây xanh, bôi bẩn chốn tôn nghiêm, làm điểm du lịch trở nên nhếch nhác. Nhà thờ Đức Bà ở TPHCM là biểu tượng văn hóa tôn giáo, nơi tôn nghiêm và cũng là di sản kiến trúc đẹp. Mặt tường bên ngoài của công trình này được xây bằng loại gạch của Pháp, không tô trát, dù đã trải qua 135 năm nhưng gạch không bám rêu, đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi. Vậy mà không ít bạn trẻ lại hồn nhiên ghi tên của mình lên tường gạch của nhà thờ này bằng bút xóa màu trắng hay sơn màu xám chi chít trên tường gạch bên hông nhà thờ. Dù nhà thờ phải gắn bảng thông báo nhắc nhở thống thiết: “Để bảo vệ di sản chung, xin đừng viết lên tường”, nhưng các dòng chữ bôi bẩn vẫn xuất hiện nhiều thêm như thách thức.

Để giữ mỹ quan đô thị, chính quyền cần kiểm soát, ngăn chặn và xử lý việc viết, vẽ bôi bẩn trên tường.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục