Người phụ nữ từ tâm

Người phụ nữ từ tâm

Chúng tôi tìm gặp dì Nguyễn Thị Trúc Hạnh (68 tuổi, ngụ tại khu phố 2, phường 24, quận Bình Thạnh, TPHCM) khi dì mới trở về sau chuyến đi khám bệnh từ thiện giúp người nghèo ở ĐBSCL. Người dân ở phường 24 vẫn trân trọng kể về dì như một bà tiên nhân hậu luôn tận tụy giúp đỡ những người nghèo khó.

Để bớt những cảnh đời cơ cực

Từ năm 1993, khi nghỉ việc ngành y, có thời gian rảnh, lại sẵn chuyên môn khám chữa bệnh, dì Hạnh quan tâm việc khám chữa bệnh từ thiện giúp người nghèo trong khu phố. Cứ nghe trong khu phố có người nghèo bị bệnh là dì tìm đến. Dì kể: “Ngay từ nhỏ, tôi đã được chứng kiến mẹ của mình là một y tá luôn tận tâm với từng bệnh nhân. Cả đời gắn bó với nghề y, bà rất thương các bệnh nhân nghèo. Thấy ai không có tiền chữa bệnh, bà sẵn sàng khám miễn phí, còn bỏ tiền ra mua thuốc cho họ. Thấy bà con xung quanh nghèo khổ, bà thường sang chơi, động viên rồi cho tiền, mặc dù bà luôn tiết kiệm từng đồng đối với bản thân. Cứ thế, những việc làm vì cộng đồng của mẹ đã ngấm vào suy nghĩ của tôi, để rồi tôi tự thấy mình cũng có trách nhiệm nối tiếp bà trong việc chăm lo giúp đỡ người nghèo”.

Dì Nguyễn Thị Trúc Hạnh khám bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Trước đây, khu phố 2 có nhiều đối tượng nghiện hút. Các gia đình này lại nghèo không có khả năng đưa con đi cai nghiện. Không đành lòng nhìn những phụ huynh héo hon vì có con nghiện ngập, lo ngại những thanh niên mới lớn trượt dốc dài rồi đánh mất tương lai, dì Hạnh chủ động tìm tới để giúp các cháu cai nghiện. Cũng có những đối tượng không muốn cai, dì vẫn kiên trì khuyên bảo, thế rồi cứ ngày ba lần, dì lại tới từng nhà cho các cháu uống thuốc cắt cơn, chích thuốc bổ để họ có sức chống chọi thoát cơn nghiện. Đã có hàng chục thanh niên nhờ dì mà đoạn tuyệt với ma túy. Giúp họ cai nghiện xong, dì lại áy náy không biết rồi đây họ sẽ sống ra sao khi không nghề nghiệp, không vốn liếng. Thế là dì bàn với chồng giúp vốn để họ làm ăn, tự nuôi bản thân và quan trọng để họ không mặc cảm mà quay lại với ma túy. Được chồng đồng ý, có bao nhiêu tiền dì mang cho những thanh niên mượn để mua xe chạy xe ôm hoặc sửa nhà làm lại cuộc đời. Rồi dì lại rảo khắp nơi xem ở đâu tuyển lao động để xin việc giúp họ. Dì tâm sự: “Nói là cho họ mượn tiền làm ăn để họ có trách nhiệm, chứ tôi hiểu tình cảnh kiếm sống khó khăn, cũng đâu nghĩ đến chuyện họ trả. Nếu vốn đó giúp họ làm ăn chân chính, lo được cho bản thân, giúp đỡ được gia đình họ, là đã trả đủ nợ cho tôi rồi”.

Anh V.T.T., người được dì kéo ra từ vũng lầy của ma túy, tâm sự: “Nếu không có sự hết lòng giúp đỡ của dì Hạnh, giờ này tôi không còn sống trên đời, chứ không mong có gia đình, công việc ổn định như hiện nay. Dì Hạnh như người đã đem lại cho tôi thêm một cơ hội sống và làm người”. Vừa lo cho người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, dì lại vừa lo cho các gia đình nghèo. Không có vốn nhiều, nhưng dì vẫn cho nhiều người nghèo mượn vốn buôn bán và hoàn trả trong ngày, không lấy lãi. Tờ mờ sáng mỗi ngày, hàng chục người nghèo tới nhà dì mượn tiền đi mua rau, thịt… về bán, tối lại đem vốn trả dì. Số tiền lời từ buôn bán họ trang trải chi tiêu và tích cóp để đủ vốn tự lo được, chừng đó dì lại dành giúp hộ khác. Nhờ vậy mà trong khu phố bớt đi những cảnh đời cơ cực.

Còn xoay xở được, còn làm việc thiện

Dì Hạnh chia sẻ: “Hồi đó gia đình tôi cũng khó khăn lắm, nhưng thấy người ta khổ, mình lại không đành lòng. Tôi tâm nguyện sẽ vẫn tiếp tục làm từ thiện nếu còn xoay xở được. Rất may là mọi việc tôi làm để giúp đỡ người nghèo, dù mất thời gian hay tiền bạc nhưng mọi người thân trong gia đình tôi đều ủng hộ hết lòng. Nhờ đó mà tôi mới có thể thực hiện được tâm nguyện của mình”. Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi hỏi về những chương trình từ thiện mà dì đã tham gia, nhưng dì không sao nhớ hết, bởi quá nhiều. Từ những chương trình ở khu phố, phường và các chương trình của các đoàn bác sĩ từ thiện TP, đến đoàn từ thiện mà dì đứng ra vận động bà con, bạn bè thực hiện định kỳ. Mỗi tháng hai đến ba lần, dì xách ba lô tới các vùng sâu, vùng xa cùng các đoàn từ thiện Hy Vọng, Thiện Nhân, Phước Điền… và các nhóm bác sĩ TPHCM… để khám bệnh, phát thuốc cho bà con nghèo, rồi tới thăm, tặng quà định kỳ cho người mù tỉnh Tiền Giang, người nghèo ở Tây Hòa (Phú Yên), hàng tháng ủng hộ tiền cho hội từ thiện nấu cơm tặng những người bệnh ung thư ở Biên Hòa. Riêng công tác từ thiện trong phường như tặng học bổng cho học sinh nghèo, tặng quà cho người già neo đơn, tặng quà cho các gia đình cận nghèo…, dì luôn là người đi đầu. Ít ai biết rằng dì đã có trên 10 năm chiến đấu, là thương binh hạng 2/4, dì cũng thường xuyên đau ốm, những lúc trở trời vết thương ở chân đau buốt thấu xương, nhưng điều đó không thể trói buộc đôi chân, ngăn dì đến với những người nghèo.

Dì Hạnh bảo: “Giờ đây, ngoài công tác trong Hội Người cao tuổi ở phường ra, tôi có làm gì đâu ngoài việc từ thiện. Nhìn đâu cũng thấy người cần giúp đỡ, không giúp về vật chất thì chăm sóc về sức khỏe. Thật vui khi có nhiều người ủng hộ, luôn sẵn sàng cùng chung tay với tôi”. Nói đến dì Hạnh, bác Đỗ Hoàng Vân, tổ trưởng tổ 18, nhận xét: “Với tôi, với bà con trong khu phố, bác sĩ Trúc Hạnh là người trên cả tuyệt vời, là bạn hiền của người nghèo”.

PHƯƠNG UYÊN

Tin cùng chuyên mục