Sức mạnh của dư luận

Vụ xe tải chở bia gặp nạn ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) mới đây được cảnh sát giao thông và người dân nhiệt tình giúp đỡ, đã được báo chí và cộng đồng mạng khen ngợi. Không có cảnh chen lấn để tranh nhau rinh bia, mà là mọi người cùng nhau bảo vệ hiện trường, thu dọn bia rơi đổ, giúp tài xế trong cơn ngặt nghèo. Hình ảnh đẹp đó chắc không tự nhiên mà có, nếu không phải nhờ một phần đáng kể từ phản ứng của dư luận sau vụ “hôi bia” ở Đồng Nai cuối năm 2013. Bởi từ sau sự phê phán mạnh mẽ của dư luận, sau đó trở thành công luận, nhiều trường hợp tương tự đã có biểu hiện ứng xử khác hẳn, thay vào hành vi tranh cướp tài sản của người khác khi gặp nạn giữa đường là hành vi giúp đỡ một cách nhiệt thành.

Cách đây không lâu, cũng qua sự lên tiếng quyết liệt của dư luận, sau đó có sự tác động tích cực của công luận mà vụ “trảm 6.700 cây xanh” ở Hà Nội đã được ngăn chặn kịp thời. Gần hơn, không ít trường hợp khác cũng có dư luận tích cực: vụ một người được coi là “người của công chúng” đã phản ứng lệch lạc với cơ quan chức năng đang thi hành nhiệm vụ; vụ leo rào để được vào bơi miễn phí ở một công viên nước khi công viên này đã đóng cửa vì quá tải; vụ lấn sông ở Đồng Nai; vụ triển lãm ảnh nhảm nhí với ý tưởng và cách thức thực hiện hết sức vô duyên…

Trong bối cảnh sự tác động, quan hệ giữa các cá nhân với nhau được thực hiện khá gắn kết trên internet, dư luận xã hội đồng thời xuất hiện ở cả trong đời thực và trên mạng ảo. Có không ít chuyện được truyền miệng, bàn tán với nhau sôi nổi thì cũng được bình luận, thảo luận, tranh luận, chia sẻ, dẫn nguồn với nhau một cách dày đặc trên mạng. Ví như vụ leo rào vào Công viên nước Hồ Tây vào tuần qua thì trên mạng đã có hàng loạt ảnh, bài viết, video clip, bài nhạc chế… phát tán với tốc độ chóng mặt. Điều đó cho thấy thái độ, mong muốn của một bộ phận người dân về vấn đề đó. Nhiều trường hợp báo chí bắt nhịp rất nhanh với dư luận để đẩy dư luận thành công luận, thành tiếng nói mang tính định hướng rõ nét và ít nhiều có tính chính thức để phê phán những hành vi kém văn hóa, từ đó càng dẫn dắt dư luận phản ứng tích cực hơn.

Vấn đề là, sau dư luận đó thì có phải mọi thứ sẽ được tác động theo hướng tích cực hơn không? Các vụ hôi của rõ ràng là có được ngăn chặn, bởi sự phản ứng và phê phán quyết liệt của dư luận và công luận. Nhưng nhiều trường hợp khác, dường như chưa “ép phê”. Như hiện tượng chen lấn, xô đẩy nhau ở các điểm phát quà miễn phí, hoặc chương trình giảm giá nào đó, việc tranh nhau đi lúc bị kẹt xe, kể cả tràn lên vỉa hè, hành xử bạo lực với nhau khi có bất đồng hoặc va quẹt xe trên đường… dù được dư luận lẫn công luận phê phán rất nặng và rất nhiều lần nhưng vẫn không thay đổi rõ nét. Xem xét kỹ, ta thấy sức mạnh của dư luận và công luận được cộng hưởng khi có biện pháp phù hợp của các cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng ở đây bao gồm cả các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan báo chí. Nếu các cơ quan chức năng sớm vào cuộc và có biện pháp tác động tích cực, phù hợp sẽ có tác dụng định hướng dư luận mạnh mẽ, từ đó góp phần chuyển biến tích cực cả nhận thức và hành vi; ngược lại, nếu cơ quan chức năng có quan điểm khác hoặc biểu hiện chưa quyết liệt, hoặc không có biện pháp tác động phù hợp thì sự chuyển biến đó có thể chưa rõ ràng, chưa cụ thể.

Chính vì vậy, công tác nắm bắt dư luận cần đúng và trúng. Đúng là nắm được “dòng chính” của dư luận; trúng là nắm được nguyện vọng thực sự của người dân. Bởi trong một số trường hợp, nếu nắm đúng được “dòng chính” nhưng đó chưa trúng được nguyện vọng thực (mà chỉ là nguyện vọng ảo) hoặc chỉ là nguyện vọng thực của số ít người thì sự tác động của các cơ quan chức năng sẽ có thể đi lệch hướng. Dĩ nhiên, có không ít trường hợp dư luận lên cao nhưng thực chất là tâm lý đám đông, chứ không phản ánh đúng bản chất của người dân, thì cơ quan chức năng cần có biện pháp định hướng phù hợp.

Trong xã hội đang có nhiều biểu hiện khá đan xen nhau về nguyện vọng, tình cảm, thái độ…, cần thiết có sự định hướng dư luận phù hợp. Song song đó, cần có những cách thức xử lý dư luận hợp lý để sức mạnh của dư luận trở thành sức mạnh tích cực, tham gia đấu tranh vào các hiện tượng tiêu cực trong xã hội đồng thời biểu dương cái tốt, cái đẹp một cách có hiệu quả.

VÂN TÂM

Tin cùng chuyên mục