Xây dựng nhà tập thể văn hóa: Chọn nơi phức tạp để chấn chỉnh

“Cha chung không ai khóc”
Xây dựng nhà tập thể văn hóa: Chọn nơi phức tạp để chấn chỉnh

Thường làm việc gì, người ta chọn việc dễ làm trước, vậy mà khi khắc phục tình trạng môi trường ô nhiễm và an ninh trật tự phức tạp thì phường 11 (quận 10, TPHCM) lại chọn làm ngay một việc rất khó. Đó là chọn nhà tập thể 614 Điện Biên Phủ làm điểm xây dựng nhà tập thể văn hóa. Việc này gặp phải không ít khó khăn, vì phải vận động được sự đồng thuận của tất cả các hộ dân đang lưu trú trong nhà tập thể này.

Tòa nhà 614 Điện Biên Phủ vừa là cơ quan, vừa là căn hộ tập thể

“Cha chung không ai khóc”

Từng đến rất nhiều nhà tập thể, chung cư…, nhưng chúng tôi vẫn thật bất ngờ khi đi vào nhà tập thể 614 Điện Biên Phủ. Nếu không có người trong nhà tập thể đưa đi, sẽ không sao định vị được mình đang đứng ở đâu trong nhà tập thể như mê cung này. Ông Đặng Bá Lộc cho biết: “Tôi trong số những cư dân ngụ lâu năm nhất trong nhà tập thể này. Do lịch sử để lại, nhà tập thể này được thay đổi công năng liên tục. Trước kia tòa nhà này là hãng dầu thơm, sau đó Tổng cục Bưu điện của chính quyền Sài Gòn cũ tiếp quản. Sau năm 1975, tòa nhà này do Bưu điện TPHCM quản lý, ngăn phòng để vừa là cơ quan làm việc, vừa là nơi nghỉ ngơi của anh em công nhân kéo đường dây truyền dẫn. Sau đó, đơn vị kéo dây chuyển nơi khác. Khoảng năm 1980, trước tình hình khó khăn về nhà ở của CB-CNV, Bưu điện TPHCM quyết định cấp căn hộ ngay tại tòa nhà này. Tôi là một trong những người được cấp căn hộ đầu tiên trong tòa nhà này”.

Có lẽ vì lý do như trên, hiện nay nhà tập thể 614 Điện Biên Phủ có tình trạng rất kỳ lạ, tòa nhà vừa là khu nhà ở, vừa là cơ quan làm việc. Toàn bộ tầng trệt là nơi làm việc của Công ty Mobifone, lầu 1 là hộ tập thể, lầu 3 là nơi làm việc của Công ty VDC, lầu 4 là hộ tập thể, lầu 5 vừa là nhà tập thể vừa là cơ quan làm việc của VDC. Vì nơi đây được thiết kế không phải để làm nhà tập thể nên không có nhà vệ sinh ở từng phòng. “Cha chung không ai khóc”, nền nhà cũ nát, nơi ở trở thành nơi bỏ rác bừa bãi, lối đi nhơ nhớp nước thải. Do không ai trông coi, quản lý, bọn tội phạm vào đây hút chích ma túy, nạn trộm cắp xảy ra thường xuyên.

Trước thực trạng như vậy, Đảng ủy và UBND phường 11 quyết định chọn nhà tập thể này làm điểm để chấn chỉnh, xây dựng mô hình nhà tập thể văn hóa. Bà Huỳnh Thị Thanh, Phó Chủ tịch phường 11, quận 10, chia sẻ: “Khi chọn một nhà  tập thể phức tạp thế này làm điểm, chúng tôi vẫn biết sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng không thể để kéo dài tình trạng này, nên chúng tôi quyết liệt dồn sức tạo chuyển biến. Chúng tôi cũng tin khi chính quyền lo cho cư dân thì cư dân sẽ đồng tình hưởng ứng”.

Phân công rõ ràng

Việc đầu tiên khi triển khai công trình xây dựng nhà tập thể văn hóa tại đây là đóng cửa bô rác. Ông Nguyễn Duy Đắc, Tổ trưởng tổ dân phố 33, kiêm Trưởng ban chủ nhiệm xây dựng nhà tập thể văn hóa, cho biết: “Trước đây, khi ra vào nhà tập thể này phải nghe mùi hôi nồng nặc, do bô rác nằm ngay cửa. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ, chúng tôi đóng cửa luôn bô rác và vận động người dân bỏ rác vào bao ni lông, chờ xe rác đến thì đem xuống. Nhà tập thể dần bớt mùi hôi, nhưng nền nhà, tường nhà và nhà vệ sinh chung rất bẩn. Thế là, chúng tôi lại vận động bà con góp kinh phí tráng xi măng, lót gạch nhà vệ sinh, thay bồn cầu, quét vôi toàn bộ lối đi, cầu thang… Bước đầu, nhà tập thể đã khang trang hơn trước. Nhờ cư dân đã nâng cao ý thức cảnh giác hơn, nhà tập thể có tổ chức quản lý nên bọn hút chích ma túy không còn lai vãng nữa. Công an, bảo vệ dân phố, dân quân phường 11 đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Chốt dân phòng được thành lập ở ngay đầu hẻm, có việc gì hay nghi ngờ người lạ, chúng tôi gọi điện thoại là họ có mặt ngay để hỗ trợ”.

Hiện nay, khi bước chân vào nhà tập thể 614 Điện Biên Phủ sẽ thấy chuyển biến rõ: không còn mùi hôi của rác; lối đi cầu thang và hành lang sạch sẽ, láng bóng; nhà vệ sinh chung cũng khá gọn gàng, ngăn nắp… Nhà tập thể sáng sủa nhờ hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt. Đặc biệt là cư dân đồng thuận phân công nhau trực lau dọn lối đi, nhà vệ sinh chung, mỗi hộ chịu trách nhiệm làm vệ sinh một tuần. Ông Đắc vui vẻ cho biết: “Ở đâu tôi không biết, chứ ở Tổ dân phố 33 này bà con dự họp rất đông đủ. Hộ nào trực vệ sinh không sạch, người nào còn vứt rác, tàn thuốc… bừa bãi, gây ồn ào, mất vệ sinh nhà tập thể sẽ bị phê bình thẳng thắn trong cuộc họp. Mà cũng không chờ đến cuộc họp, chúng tôi nhắc nhở ngay bất cứ trường hợp nào gây mất trật tự, vệ sinh”. Cũng như các địa phương khác, việc người dân nhà tập thể 614 Điện Biên Phủ phấn đấu đạt danh hiệu Nhà tập thể văn hóa đã khó và việc giữ được danh hiệu này còn khó hơn, nếu cư dân thiếu ý thức và không đồng lòng.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục