Hạn chế đổ ngã cây xanh đô thị

* Phóng viên:
Hạn chế đổ ngã cây xanh đô thị

Thời tiết đang chuyển dần sang mùa mưa, người dân TPHCM lại lo lắng cây xanh trên đường phố đổ ngã, gãy nhánh gây nguy hiểm đến tính mạng người đi đường. Cơ quan chức năng liên quan làm gì để hạn chế hiểm họa này? Phóng viên Báo SGGP đã chuyển câu hỏi của người dân TPHCM đến ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cây xanh TPHCM.

* Phóng viên: Thưa ông, trước mùa mưa năm nay, Công ty TNHH MTV Cây xanh TPHCM đã có kế hoạch, phương án thế nào để hạn chế nguy cơ cây xanh đổ ngã?

Ông Phạm Thiết Hòa: Lâu nay, cây xanh đổ ngã, tét nhánh thường do cây đã già cỗi nên mục. Ngoài ra còn do yếu tố biến đổi khí hậu, gió lốc mạnh làm tán cây chịu không được, triều cường tăng gây ngập úng, công trình ngầm và các tòa nhà đào móng sâu… làm ảnh hưởng đến bộ rễ cây. Công ty thực hiện công tác kiểm tra an toàn cây xanh không chỉ trước mùa mưa, mà xuyên suốt trong cả năm. Thường kiểm tra để phát hiện cây có biểu hiện mục, bộ rễ yếu; thực hiện cắt tỉa cây có tán rộng, tạo dáng lại cho gọn, cắt bỏ cành yếu… Hiện công ty đang đề xuất hạ thấp chiều cao những cây quá cao và còn đang phát triển cao để đảm bảo an toàn, nhưng vẫn có được bộ tán phát triển đều,  đẹp, tạo bóng mát.

* Những năm gần đây xảy ra nhiều vụ cây xanh đổ ngã. Vậy công ty có đánh giá loại cây xanh nào không an toàn và dự tính trồng loại cây nào thay thế? Những cây trồng ở đô thị sau này có được nghiên cứu, lựa chọn loại cây vững chắc hơn không?

Công ty đã nghiên cứu loại cây trồng phù hợp với nhiều yếu tố như phía dưới có mạch nước ngầm sâu bao nhiêu, có quy hoạch dự án tòa nhà hay hạ tầng giao thông… để tránh tình trạng bị mất rễ cọc, thúi rễ. Điển hình như 18 cây dầu trồng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (gần trụ sở UBND TPHCM) là cây chỉ mới gần 2 năm tuổi nhưng đã có bộ lá xanh mướt. Từ khi ở vườn ươm, cây đã được trồng theo ứng dụng công trình nghiên cứu dùng hệ thống chống âm, giữ bộ gốc tạo thành một khối bao bọc. Khi đưa ra ngoài trồng xuống thì bộ rễ không bị ảnh hưởng, sau đó dùng 4 thanh thép dài gần 3m đóng xuống xung quanh bộ rễ để rễ con quấn chặt trở thành 4 rễ cọc có thể giúp cây chống chọi được với gió cấp 8, cũng ngăn ngừa được tác động do công trình đào đường. Việc chọn cây giáng hương nhỏ trồng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng là ứng dụng từ công trình nghiên cứu chọn loại cây có bộ tán rộng đẹp, tạo bóng mát. Khu vực đang trồng cây giáng hương có mực nước ngầm cao, không phù hợp với loại cây có rễ sâu. Do đó, chọn cây giáng hương nhỏ vì cây này có bộ rễ phát triển xung quanh, sẽ phát triển vững chắc ra hai bên, phù hợp điều kiện bên dưới lòng đất.

Nhân viên công ty cây xanh đang cắt tỉa tán cây để đảm bảo an toàn.

* Người dân thắc mắc vì sao nhiều tuyến đường mới lại không được trồng thống nhất một loại cây xanh cho đồng bộ?

Hiện nay, công ty cùng với các nhà khoa học đang nghiên cứu trồng những loại cây phù hợp trên những con đường có vỉa hè rộng, phía dưới có mạch nước ngầm hay không. Những con đường nhỏ được trồng loại cây không phát triển chiều cao, bộ tán rộng, rễ nhỏ để không phá mặt đường khi cây phát triển và chịu được gió lớn, dông bão nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Luôn ưu tiên những loại cây mang đậm nét lịch sử của TPHCM, tạo không gian hài hòa.

* Với những trường hợp xảy ra tai nạn do cây xanh gây ra, công ty có phương án bồi thường, hỗ trợ ra sao?

Khi xảy ra tai nạn đổ ngã cây xanh gây ảnh hưởng tính mạng và tài sản người dân, công ty dùng nguồn vốn kinh doanh có lời để đền bù thỏa đáng. Trong năm 2014, công ty đã đền bù khoảng 900 triệu đồng thiệt hại tài sản và người do cây xanh đổ ngã. Hiện nay, UBND TPHCM đã có chủ trương cho lập quỹ để hỗ trợ thiệt hại tài sản, con người do cây xanh đổ ngã, giao cho Sở GTVT, Công ty TNHH MTV Cây xanh và các đơn vị liên quan để có phương án hỗ trợ đền bù thiệt hại cụ thể từng trường hợp với mức hỗ trợ phù hợp.

* Xin cảm ơn ông!

THANH HẢI thực hiện

Tin cùng chuyên mục