Bếp ăn nghĩa tình ở Bình Trưng Đông

Tại phường Bình Trưng Đông (quận 2, TPHCM) có một bếp ăn nghĩa tình do Hội Phụ nữ phường quản lý, có sự hỗ trợ của UBND quận 2 và UBND phường Bình Trưng Đông. Mỗi tuần bếp ăn phục vụ hơn 1.200 suất ăn cho người nghèo trong phường với giá tượng trưng chỉ 2.000 đồng/suất, có đầy đủ dinh dưỡng gồm món mặn, món xào và cơm canh.
Bếp ăn nghĩa tình ở Bình Trưng Đông

Tại phường Bình Trưng Đông (quận 2, TPHCM) có một bếp ăn nghĩa tình do Hội Phụ nữ phường quản lý, có sự hỗ trợ của UBND quận 2 và UBND phường Bình Trưng Đông. Mỗi tuần bếp ăn phục vụ hơn 1.200 suất ăn cho người nghèo trong phường với giá tượng trưng chỉ 2.000 đồng/suất, có đầy đủ dinh dưỡng gồm món mặn, món xào và cơm canh.

Lo cho người nghèo có đủ dinh dưỡng

Từ đường Lê Văn Thịnh (gần Bệnh viện Quận 2) rẽ vào con đường nhỏ Bình Trưng, có thể nhận ra ngay cuộc sống của cư dân nơi đây còn rất khó khăn, nhà cửa đều chật chội, lụp xụp, dựng tạm bợ. Buổi trưa, tại địa chỉ 88/13 đường Bình Trưng - nơi tổ chức bếp ăn nghĩa tình, có đông người tụ tập. Dù đến 11 giờ mới mở bán, nhưng mới hơn 10 giờ đã có hàng trăm người tới chờ mua cơm. Họ đều là người già, trẻ em ở các gia đình nghèo khó khăn trong phường.

Bà Nguyễn Thị Té (71 tuổi, ngụ đường Nguyễn Trung Nguyệt, quận 2) cho biết: “Tôi già cả, 2 đứa cháu còn nhỏ dại nên không nấu nướng được. Ba mẹ tụi nhỏ làm thuê làm mướn khắp nơi, đi làm từ mờ sáng tới khuya mới về, may có bếp ăn nghĩa tình nên hàng tuần gia đình tôi được hỗ trợ 2 bữa cơm, giúp giảm bớt phần nào tiền chợ và bớt chút gánh lo cho các con tôi”.

Ban đầu bếp ăn nghĩa tình do dì Trần Thị Thanh Thủy, Phó Ban điều hành khu phố 5 tự nguyện lập ra. Dì Thủy kể: “Năm 2011, tôi tham gia Ban điều hành khu phố, có dịp tham gia công tác xã hội, sâu sát từng hộ gia đình trong khu phố, thấy nhiều hộ khó khăn chạy ăn từng bữa, bữa cơm không đủ chất dinh dưỡng, nhìn những đứa trẻ gầy nhom vì suy dinh dưỡng hay những người già neo đơn thiếu ăn, tôi không đành lòng. Do vậy tôi chịu khó đi chợ, nấu 50 suất cơm và cháo dinh dưỡng để đem tận nơi tặng trẻ em nghèo và người già neo đơn”. Thấy việc làm hào hiệp của dì Thủy, nhiều phụ nữ trong khu phố cũng tự nguyện góp tiền và góp sức cùng dì Thủy, nấu tăng suất cơm, cháo dinh dưỡng lên 200 suất/ngày. Từ đó, bếp ăn được nhiều người dân trong khu phố tìm đến đăng ký ăn cơm.

Nhận thấy đây là việc làm mang tính nhân văn, thiết thực chăm lo cho người nghèo, nên từ tháng 3-2014 UBND quận 2 và UBND phường Bình Trưng Đông đã hỗ trợ kinh phí cho bếp ăn hoạt động, mở rộng mặt bằng, trang bị bàn ghế, dụng cụ nấu ăn và giao cho Hội Phụ nữ phường quản lý.

Nhờ có bếp ăn nghĩa tình mà nhiều hộ nghèo có những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng.

Hiện nay bếp ăn nghĩa tình hoạt động vào trưa thứ ba, thứ năm, thứ bảy hàng tuần, mỗi ngày phục vụ hơn 400 suất ăn. Cơm nấu xong, bán tại chỗ 100 suất với giá 2.000 đồng/suất; đóng hộp 300 suất, trong đó dành 75 suất tặng bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Quận 2, còn 225 suất dì Thủy và các thành viên bếp ăn sẽ chia nhau để đem đến từng gia đình người già neo đơn hoặc trẻ em có gia cảnh khó khăn phải ở nhà một mình. Dì Thủy tâm sự: “Khi đưa cơm tới tận nhà người dân, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu tâm tư hoàn cảnh của từng người, từ đó có hướng hỗ trợ họ trong cuộc sống”.

Bà Dương Thị Cẩm Tú, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông, cho biết: “Nhờ sự hết lòng và hết mình của chị em phụ nữ trong khu phố 5 và phường Bình Trưng Đông, bếp ăn nghĩa tình ngày càng hoạt động có hiệu quả, thiết thực giúp được nhiều hộ nghèo. Dự kiến năm tới, phường sẽ mở thêm một bếp ăn nữa để giúp người nghèo. Cùng với kinh phí đóng góp ủng hộ của cán bộ công nhân viên và doanh nghiệp trong phường và quận, có nhiều người hảo tâm cũng tìm tới ủng hộ vì thấy đây là việc làm đầy nhân ái. Cũng từ mô hình này, UBND quận 2 đã tổ chức thêm một bếp ăn nghĩa tình tại khu phố 2 phường Cát Lái, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 6 tới.

Ươm mầm tương lai

Sau một năm hoạt động, nay tại nơi tổ chức bếp ăn nghĩa tình của phường Bình Trưng Đông đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân trong khu phố, có thêm phòng đọc sách cộng đồng mở cửa suốt tuần. Một lần ghé thăm bếp ăn, thấy có rất đông trẻ em đang trêu chọc, quậy phá nhau trong khi chờ tới giờ ăn cơm, thế là bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đề xuất mở phòng đọc sách để phục vụ trẻ em trong thời gian rảnh chờ cơm. Thế là gữa tháng 1-2015 phòng đọc sách cộng đồng được khánh thành ngay trong khuôn viên bếp ăn với đầy đủ bàn, ghế, tủ kệ và hơn 1.000 đầu sách các loại được giao cho Đoàn TNCS khu phố 5 quản lý. Tại đây, Đoàn còn thường xuyên tổ chức các hoạt động thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng cho các thiếu nhi như thi kể chuyện, múa hát, thu hút được nhiều em nhỏ trong khu phố tham gia.

Em Huỳnh Minh Ngọc Linh (học sinh lớp 6 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi) khoe: Đợt thi kể chuyện vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 tới, con sẽ kể về mẹ, sự hy sinh của mẹ đối với anh em con. Trước giờ con chưa thi kể chuyện bao giờ nên hồi hộp lắm”.

Chị Võ Thị Tường Vi, phụ trách quản lý phòng đọc sách cộng đồng cho biết: “Từ khi có phòng đọc sách, tụi nhỏ rảnh là ra đây tìm sách đọc, nên ít lang thang ở những quán game hay nô đùa bên kênh rạch. Cũng từ đây, các em biết chia sẻ hơn khi cùng đóng góp sách để xây dựng tủ sách, tham gia dọn dẹp phòng đọc”. Đoàn còn mời các đoàn viên trong khu phố hiện là sinh viên đang theo học tại các trường sư phạm về tổ chức lớp dạy chữ vào chiều thứ bảy hàng tuần cho các trẻ em khuyết tật không có điều kiện tới trường. Ngoài ra, dì Thủy cũng lập danh sách 36 trẻ có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố như  trẻ khuyết tật, mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ bệnh tật để theo dõi, chăm sóc và động viên, tạo mọi điều kiện để các em tới trường với mục tiêu không để trẻ bỏ học.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục