Bỏ thông tin ngành nghề trên giấy chứng nhận doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp 2014 sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7-2015. So với quy định của luật cũ, Điều 29 của Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) không có phần liệt kê các ngành nghề mà DN đăng ký hoạt động. Nhiều bạn đọc e ngại như vậy sẽ lợi bất cập hại.

Luật Doanh nghiệp 2014 sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7-2015. So với quy định của luật cũ, Điều 29 của Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) không có phần liệt kê các ngành nghề mà DN đăng ký hoạt động. Nhiều bạn đọc e ngại như vậy sẽ lợi bất cập hại.

Mặt tích cực của quy định về việc giấy chứng nhận đăng ký DN không có phần liệt kê các ngành nghề là bước tiến trong việc thừa nhận tính hợp pháp của mọi hoạt động mà pháp luật không cấm và không hạn chế đối với DN, ít nhiều tạo lợi thế cạnh tranh hơn về mặt hình thức cho các DN được thành lập trong nước và khuyến khích đầu tư trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, quy định này cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề trong thực tế.

Việc không ghi rõ ngành nghề kinh doanh của DN không tạo được sự tin tưởng cho đối tác khi không rõ DN có kinh doanh hoặc hoạt động chuyên nghiệp trong một lĩnh vực cụ thể hay không. Giấy chứng nhận đăng ký DN là một văn bản đáng tin cậy được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chứng nhận về chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động mà DN đăng ký với nhà chức trách. Vì vậy, đối với các DN nhỏ hoặc mới thành lập, ngành nghề đã đăng ký kinh doanh được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký DN đóng góp một phần không nhỏ vào việc chứng minh năng lực hoạt động trong một lĩnh vực, ngành nghề cụ thể của DN.

Việc bỏ phần thông tin ngành nghề sẽ làm cho các DN mò mẫm tìm đối tác uy tín cho mình, đồng thời tạo cơ hội để hình thành những DN ma, DN kém chất lượng, làm giảm sút tính lành mạnh của môi trường kinh doanh. Từ đây, các đối tác trong và ngoài nước sẽ có xu hướng tìm đến những DN kinh doanh có uy tín đã xây dựng được tên tuổi từ trước, vô tình đánh bật các DN nhỏ hoặc mới thành lập, dễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong cạnh tranh.

Trong trường hợp DN kinh doanh ngành nghề có điều kiện, đòi hỏi phải được cấp các giấy phép con mới có thể đi vào hoạt động, thì việc không có thông tin về ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ sẽ phần nào gây lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách từng lĩnh vực, cũng với đó sẽ gây khó khăn cho DN khi phải thu thập, xuất trình các giấy tờ, chứng từ khác để chứng minh rằng mình có khả năng hoặc nghiêm túc đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề đó. điều này sẽ dẫn đến dễ xảy ra việc các DN bất chấp việc xin giấy phép con tại các cơ quan quản lý chuyên ngành, hoạt động sâu vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, gây ảnh hưởng đến các DN chân chính được phép hoạt động hợp pháp.
Giấy chứng nhận đăng ký DN không có phần liệt kê các ngành nghề DN đăng ký hoạt động cũng gây khó khăn cho công tác quản lý thị trường và vấn đề hậu kiểm, thống kê các DN sau khi đã thành lập. Các cá nhân, tổ chức muốn trích xuất thông tin về ngành nghề kinh doanh của DN khác sẽ phải mất thời gian, chi phí cho thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin tại Sở KH-ĐT. Từ đó làm ảnh hưởng đến sự minh bạch trong kinh doanh.

Mặc dù nội dung giấy chứng nhận đăng ký DN không nêu thông tin về ngành nghề kinh doanh của DN, nhưng theo quy định tại Điều 24 và Điều 32 của Luật Doanh nghiệp 2014, có thể thấy sự thay đổi ở đây không khác biệt nhiều so với luật cũ, DN vẫn phải khai báo thông tin ngành nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập và thực hiện thủ tục thông báo thay đổi, bổ sung ngành nghề. Như vậy, DN vẫn phải thực hiện các thủ tục có liên quan đến ngành nghề kinh doanh như luật cũ, từ đó cũng không giảm thiểu được đáng kể thời gian chuẩn bị hồ sơ và đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC
(Văn phòng luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục