Nhà lưu trú công nhân. Bài 1: Thiếu mà thừa

Nhà lưu trú công nhân. Bài 1: Thiếu mà thừa

Xã hội hóa việc lo nhà ở cho công nhân các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) tại TPHCM là chủ trương rất thiết thực để hàng ngàn gia đình công nhân được an cư. Song, thực tế đang có một nghịch lý: trong khi nhu cầu chỗ ở của công nhân rất lớn, thì nhiều phòng tại các nhà lưu trú đã xây xong vẫn phải bỏ trống, không người ở.

Tỷ lệ ở thấp

Theo số liệu từ Ban quản lý, hiện các KCN-KCX tại TPHCM có gần 300.000 lao động. Nhu cầu về chỗ ở cho công nhân rất lớn. Các dự án nhà lưu trú đã tạo được 40.400 chỗ ở, nhưng chỉ mới có 8,5% lao động thuê ở. Trên 90% công nhân và gia đình vẫn đang ở trong các phòng trọ chật hẹp, thiếu tiện nghi. Nhà lưu trú đang rơi vào cảnh dù chưa đủ so với nhu cầu nhưng vẫn… ế. Ông Trương Xuân Hồng, cán bộ quản lý của Công ty Đức Bổn, cho biết: “Nhiều công nhân của công ty vẫn bám nhà trọ, không chịu vào ở trong nhà lưu trú, nên số căn hộ trống còn quá nhiều. Phòng bếp tập thể đã được đầu tư hoàn chỉnh nhưng vẫn chưa đỏ lửa, vì không đủ người đăng ký sử dụng. Công ty có gần 1.500 lao động, vậy mà chỉ mới có 150 người vào ở nhà lưu trú. Công ty đã nới quy định linh hoạt hơn, trước đây chỉ cho công nhân của công ty vào ở, nay cho cả vợ hoặc chồng của công nhân làm tại công ty vào ở, nhưng cũng chưa thu hút được bao nhiêu”.

Một gia đình công nhân vừa dọn đến căn hộ mới tại khu nhà lưu trú công nhân.

Theo kết quả khảo sát gần đây của Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nhà lưu trú, chỉ có 2 khu nhà lưu trú: của Công ty Sadeco (ở KCX Tân Thuận) có tỷ lệ sử dụng phòng trên 99% và của Công ty cổ phần Phát triển KCN Hiệp Phước đạt tỷ lệ sử dụng phòng trên 70%; còn hầu hết các khu nhà lưu trú khác đều thấp. Cụ thể như các khu nhà lưu trú của KCN Tân Tạo (do Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đầu tư), KCX Tân Thuận (do Công ty Palace đầu tư) chỉ có tỷ lệ sử dụng khoảng 50%; của Công ty Đức Bổn (ở KCX Tân Thuận) tỷ lệ sử dụng 30%. Đặc biệt, nhà lưu trú của KCN Vĩnh Lộc quy mô 344 phòng, nhưng chỉ mới cho thuê chưa đến 10% số phòng...

Trong khi đó, hiện đang có thêm nhiều dự án nhà lưu trú, với 3 dự án đã được khởi công, 5 dự án chuẩn bị khởi công và 8 dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Tình trạng “thiếu mà thừa” đang khiến doanh nghiệp thiếu động lực đầu tư nhà lưu trú.

Công nhân không thích nhà lưu trú?

 

Hiện nay, giá thuê phòng trong các nhà lưu trú vẫn còn cao so với giá thuê phòng trọ bên ngoài. Qua khảo sát tại dự án nhà lưu trú KCN Vĩnh Lộc cho thấy, phòng cho công nhân độc thân thuê có diện tích 37m², với 6 - 8 người ở, có giá thuê 1.920.000 đồng/tháng. Trong khi ở địa phương, phòng trọ diện tích 25m², với 4 người thuê, có giá chỉ từ 600.000 đến 800.000 đồng/tháng. Đây cũng là nguyên do khiến nhiều công nhân vẫn tiếp tục chọn ở phòng trọ thay vì vào ở trong nhà lưu trú.

 

Nhà lưu trú không có người ở không chỉ gây thiệt hại về vật chất cho chủ đầu tư, mà đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là những người lao động. Nhưng vì sao công nhân vẫn chưa chịu rời phòng trọ để vào ở trong những khu nhà lưu trú khang trang, hiện đại? Nguyên nhân từ sự bất cập trong nếp nghĩ, cách sống của công nhân và cả sự bất cập trong quản lý nhà lưu trú. Hầu hết công nhân lao động trong các KCX-KCN đều từ nông thôn về TPHCM kiếm sống, tuy khoác chiếc áo xanh công nhân, nhưng vẫn quen nếp sống, tác phong nông nghiệp, nên cảm thấy bị gò bó khi vào ở trong nhà lưu trú. Chị Trần Thị Huệ đã nhiều năm ở nhà thuê tại phường Linh Xuân (quận Thủ Đức) cho biết: “Gia đình tôi sẽ còn ở phòng trọ cho đến khi dành dụm đủ tiền để mua căn nhà nhỏ, chứ không thích vào ở trong nhà lưu trú. Ở phòng trọ tuy chật chội nhưng đi về giờ giấc nào cũng được; bạn bè đến thăm chơi, ở lại bao lâu cũng được”.

Dễ dàng nhận thấy phần lớn các nhà đầu tư xây dựng nhà lưu trú chưa có kinh nghiệm, không chuyên nghiệp trong việc tổ chức quản lý. Những quy định, nội quy trong các nhà lưu trú còn cứng nhắc, trong khi giá thuê nhà cao không phù hợp với khả năng của số đông công nhân. Theo kết quả thăm dò ý kiến công nhân tại Công ty Đức Bổn và Công ty Palace về nguyên do không muốn vào ở nhà lưu trú, có 97% cho biết vì quy định không cho người thân vào ở chung; 63% vì khó tổ chức vui chơi, ăn uống tại phòng với bạn bè; 79% vì phòng ở đông người phức tạp, không thuận tiện trong sinh hoạt và 48% vì không gian sống chật chội.

Thực tế cho thấy nhà lưu trú nào quản lý năng động, linh hoạt và có cung cách phục vụ tốt sẽ thu hút được nhiều công nhân vào ở. Bài học từ nhà lưu trú của Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) tại KCX Tân Thuận đã chứng minh điều đó. Trong khi nhiều nhà lưu trú tại KCX này vắng công nhân thì nhà lưu trú của Sadeco có tỷ lệ cho thuê đạt 99%. Bà Nguyễn Minh Anh, Phó Tổng Giám đốc Sadeco, lý giải: “Nhà lưu trú của các doanh nghiệp có hệ thống nhà ở và hạ tầng kỹ thuật gần giống nhau. Chúng tôi chỉ có điều khác là cách quản lý, điều hành. Nhà lưu trú của Sadeco xem công nhân là khách hàng, xem người lưu trú là mục tiêu phục vụ để thu hút công nhân vào ở. Ngoài việc đưa ra giá thuê nhà hợp lý, việc bố trí ăn ở, sinh hoạt cho công nhân khá linh hoạt. Cán bộ quản lý phải có ý thức chia sẻ, hỗ trợ công nhân, bởi khi họ vào ở trong nhà lưu trú, không chỉ là thay đổi nơi ở, mà phải thay đổi cả lối sống, nếp sinh hoạt. Đây là bí quyết thu hút công nhân đến với nhà lưu trú của Sadeco”.

- Bài 2: Để công nhân có niềm vui an cư.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục