Phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân: Báo đài cùng vào cuộc

Phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân: Báo đài cùng vào cuộc

Tại TPHCM, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khiếu nại, tố cáo (KN-TC) đến người dân ở địa bàn dân cư theo Đề án 1-1133, ngoài lực lượng tuyên truyền viên và tư vấn viên, còn có sự vào cuộc rất nhiệt thành và hiệu quả của các cơ quan báo đài.

Xây dựng chương trình và phương án thiết thực

Ngay từ đầu, Ban chỉ đạo Đề án 1-1133 đã xác định các phương tiện truyền thông là tuyên truyền viên đắc lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật KN-TC. Cả 4 loại hình báo chí từ báo hình, báo nói, báo in và báo điện tử cùng được huy động tham gia. Mỗi cơ quan báo đài khai thác đặc thù và phát huy thế mạnh của mình, đã chủ động xây dựng chương trình và đưa ra phương án triển khai thiết thực, hiệu quả nhất.

Trong 3 năm thực hiện Đề án 1-1133, Báo SGGP đã tiếp, tiếp nhận hàng ngày đơn thư khiếu nại,tố cáo của bạn đọc nhờ báo can thiệp, đôn đốc giải quyết. Ảnh: THANH HẢI

Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM đã xây dựng các chuyên mục “Đối thoại trực tuyến với công dân”, “Đối thoại cùng chính quyền thành phố”, “Phản hồi đến bạn nghe đài”, với nội dung liên quan đến pháp luật KN-TC và công tác giải quyết KN-TC của các cơ quan chức năng. Đài Truyền hình TPHCM xây dựng chương trình “Hộp thư truyền hình”, “Góc luật sư”, “10 phút tiếp dân”, “Chuyện không của riêng ai”… Việc tận dụng phương tiện truyền hình và phát thanh đang phát huy thế mạnh truyền thông, vươn tới các xã vùng sâu, đến với đông đảo người dân, phù hợp với nhiều đối tượng. Các chương trình phong phú, đa dạng, sinh động lôi cuốn người xem. Nhiều luật gia, luật sư  nổi tiếng, có kinh nghiệm cũng đã tham gia.

Các báo SGGP, Pháp luật TPHCM, Tuổi trẻ, Người lao động ngoài việc xây dựng chuyên mục về kết quả giải quyết đơn KN-TC còn tích cực, chủ động cử phóng viên  theo dõi đưa nhiều tin, bài về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại của lãnh đạo chính quyền TP. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng nhận xét: “Với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo Đề án, Báo SGGP đã thực hiện trang chuyên đề Pháp luật về KN-TC, phản ánh những cách làm hay trong việc thực hiện Đề án 1-1133 ở các ngành, đoàn thể, địa phương; phân tích, giới thiệu những điển hình trong công tác tiếp dân, giải quyết KN-TC và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; tư vấn pháp luật về việc thực hiện quyền KN-TC trên các lĩnh vực; ý kiến người dân về việc thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết KN-TC. Điều này không chỉ góp phần truyền tải sinh động những quy định pháp luật KN-TC mà còn nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật khi thực hiện quyền KN-TC của người dân”.

Trên mặt trận tuyên truyền pháp luật có một lực lượng mới rất hữu hiệu là các trang tin điện tử. Không chỉ báo online của các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, Thanh tra TPHCM cũng đã xây dựng chuyên trang KN-TC, thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật, tin tức liên quan đến KN-TC. Trên cổng thông tin điện tử của UBND TPHCM cũng có thiết lập đường link dẫn nguồn thông tin liên quan đến vấn đề KN-TC, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tra cứu, cập nhập thông tin.

Nối kết để tạo sức mạnh

UBND TPHCM ghi nhận thành quả của báo chí trong công tác phổ biến kiến thức pháp luật KN-TC xuống cơ sở phường, xã: “Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương ở TPHCM đã chung tay, hợp sức thực hiện Đề án 1-1133 với nhiều hình thức đa dạng, lôi cuốn và hấp dẫn. Cùng với tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt tổ dân phố, tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng tập trung, tổ chức cuộc thi, biển diễn, đặc biệt là thông qua các cơ quan báo chí, đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật KN-TC về cơ sở rất sâu, rộng và đạt nhiều kết quả tích cực”.

Tuy vậy, thực tiễn cho thấy để phát huy tốt năng lực, các báo đài cần tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng. Mỗi đơn vị cần chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp trang thông tin điện tử và thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật, thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật thuộc trách nhiệm của mình thông qua trang web của đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tăng cường trao đổi thông tin, giải đáp thắc mắc qua các chuyên mục trên trang thông tin điện tử cơ quan nhà nước, hộp thư điện tử.

Đề án 1-1133 đã thấm dần vào cuộc sống, kiến thức pháp luật của người dân, cán bộ cơ sở được nâng dần lên. Trong thời đại kỹ thuật số và sự bùng nổ thông tin hiện nay, càng cần hơn sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan nhà nước, để tạo thêm sức mạnh của truyền thông đại chúng, góp phần đưa kiến thức pháp luật KN-TC về người dân và cán bộ cơ sở phường, xã.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục