Những người kiếm sống ở ga Sài Gòn lâm cảnh khó

Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh vào ngày 20-3-2016 đã gây ra nhiều hệ lụy: ngành đường sắt và hành khách đi tàu gặp nhiều khó khăn, phát sinh khoảng chi ngân sách lớn để xây cầu... Suốt một tháng qua, ga Sài Gòn không có hành khách, nên những người kiếm sống ở khu vực ga Sài Gòn (các tiểu thương thuê mặt bằng trong ga kinh doanh, người chạy xe ôm, người lao động bốc xếp…) cũng lâm vào cảnh gian nan.
Những người kiếm sống ở ga Sài Gòn lâm cảnh khó

Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh vào ngày 20-3-2016 đã gây ra nhiều hệ lụy: ngành đường sắt và hành khách đi tàu gặp nhiều khó khăn, phát sinh khoảng chi ngân sách lớn để xây cầu... Suốt một tháng qua, ga Sài Gòn không có hành khách, nên những người kiếm sống ở khu vực ga Sài Gòn (các tiểu thương thuê mặt bằng trong ga kinh doanh, người chạy xe ôm, người lao động bốc xếp…) cũng lâm vào cảnh gian nan.

Thu nhập chỉ còn 1/3

Trước ngày 20-3-2016, khu vực ga Sài Gòn luôn nhộn nhịp hành khách đến và đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Từ sau khi sập cầu Ghềnh, hành khách và hàng hóa phải trung chuyển bằng ô tô từ ga Dĩ An đến ga Biên Hòa, ít hành khách đi ô tô trung chuyển ghé đến ga Sài Gòn, nơi đây trở nên vắng vẻ. Theo Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, trước kia, bình quân mỗi ngày chạy từ 10 đến 12 đôi tàu, nay chỉ còn 8 đôi, đặc biệt lượng vé trong một tháng trở lại đây giảm khoảng 50%.

Trước đây, ở cổng ga luôn có đông người của đội xe ôm và đội bốc xếp túc trực đón khách, nay mỗi đội chỉ còn 2 người trực. Ngồi trên chiếc xe đẩy hành lý, anh Lê Công Danh, nhân viên đội bốc xếp, than: “Hồi trước, dù có rất nhiều anh em cùng hành nghề bốc xếp nhưng bình quân thu nhập cũng được khoảng 4 triệu đồng/tháng. Nay nhiều khi cả ngày chưa được 50.000 đồng, do hiện nay hành khách vừa ít vừa không mang hành lý cồng kềnh, để tránh sự bất tiện khi lên xuống trung chuyển bằng ô tô”.

Ngay trong sảnh, các băng ghế dành cho hành khách ngồi chờ đều không có ai ngồi. Lâu lắm mới thấy có hành khách ghé đến mua vé rồi đi. Do vậy, các tiểu thương kinh doanh ăn uống trong khu vực ga Sài Gòn cũng gặp cảnh ế ẩm, đìu hiu. Bàn ghế bày ra mà không có khách ngồi. Thay vì ra mời chào khách, chủ quán và nhân viên chỉ biết ngồi xem phim, đọc báo. Có nhiều cửa hàng chỉ mở buổi sáng, rồi chiều đóng cửa. Chị Dương Thị Quý Mai (nhân viên cửa hàng tạp hóa) kể: “Trước mỗi ngày doanh số bán được 1 triệu đồng, bây giờ có ngày chỉ bán được 200.000 đồng”. Chị Nguyễn Thị Kim Lan (bán quầy lưu niệm và nước uống) ngán ngẩm: “Tôi thuê mặt bằng hơn 20 triệu đồng/tháng, nhưng hiện nay mỗi ngày chỉ bán chừng hơn 100.000 đồng”. Một nhân viên bán tại cửa hàng siêu thị tiện ích cũng cho hay giờ đây siêu thị rất vắng khách. Một số cửa hàng cà phê, thức ăn nhanh cũng phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ, vì không có khách. May mắn hơn là quầy chú Bé, còn có thể bán thức ăn sáng và cơm trưa cho nhân viên đường sắt, nhưng cũng chỉ bán đến trưa rồi nghỉ.

Với tình cảnh ế ẩm này, toàn bộ các tiểu thương kinh doanh trong ga Sài Gòn đã gửi đơn đề nghị giảm tiền thuê mặt bằng trong thời gian nghẽn giao thông đường sắt về ga Sài Gòn, hiện đang chờ kết quả phản hồi từ đơn vị cho thuê.

Các quán nước thuê mặt bằng trong ga Sài Gòn vắng khách

Cùng trợ giúp nhau

Ông Hà Trọng Thắng, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn, cho biết: “Kể từ khi sập cầu Ghềnh, nhiều cửa hàng kinh doanh thuê mặt bằng tại ga Sài Gòn trong tình trạng ế ẩm. Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn là đơn vị cho thuê mặt bằng trong ga Sài Gòn, đã nhận được đơn thư của các hộ kinh doanh đề nghị giảm chi phí trong thời gian chưa xây lại xong cầu Ghềnh. Chi nhánh đang cố gắng xử lý nhiều công việc về hạ tầng, đưa đón, phục vụ ở ga Dĩ An và ga Biên Hòa, sau khi ở các ga đã ổn định, chúng tôi sẽ làm việc với các hộ thuê mặt bằng kinh doanh tại ga Sài Gòn”.

Không chỉ những tiểu thương kinh doanh trong ga Sài Gòn phải cho nhân viên nghỉ, Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng phải giải quyết cho nhân viên nghỉ không hưởng lương nếu có nhu cầu. Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, chia sẻ: “Sự cố sập cầu Ghềnh đã gây ảnh hưởng rất lớn cho ngành đường sắt Việt Nam nói chung và Tổng Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn nói riêng. Công ty khuyến khích nhân viên đang làm việc tại ga Sài Gòn có thể nghỉ không hưởng lương cho đến cuối tháng 6-2016, đây cũng là góp phần giảm chi phí cho ngành đường sắt. Ngoài ra, nhiều nhân viên hướng dẫn, đoàn tiếp viên Phương Nam, nhân viên sửa chữa, bốc xếp… đều tăng cường về ga Dĩ An, Biên Hòa để phục vụ”.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục