Hạn chế rải, đốt vàng mã

Đa số người dân đều thấy rằng việc rải và đốt vàng mã gây lãng phí, xả rác và khói bụi ảnh hưởng xấu môi trường, đồng thời là việc mê tín. Thế nhưng, thực tế việc rải, đốt vàng mã vẫn cứ diễn ra.
Hạn chế rải, đốt vàng mã

Đa số người dân đều thấy rằng việc rải và đốt vàng mã gây lãng phí, xả rác và khói bụi ảnh hưởng xấu môi trường, đồng thời là việc mê tín. Thế nhưng, thực tế việc rải, đốt vàng mã vẫn cứ diễn ra.

Trần sao, âm vậy?!

Đó là lý do được nhiều người viện dẫn để cứ rải và đốt vàng mã trong dịp giỗ chạp, tang ma. Trưa ngày rằm nào cũng vậy, sau khi cúng xong, ông L.N.T. (ngụ tại đường Calmette, quận 1, TPHCM) lại xách ra đốt một bao to đựng hơn 5kg giấy tiền vàng bạc, mấy bộ quần áo giấy và đủ thứ vật dụng tiêu dùng hàng mã như lược, nón, giày, dép, vòng, dây chuyền và cả điện thoại di động đời mới nhất. Giấy vàng mã khi đốt khói bay mù mịt, ngột ngạt, có khi gặp gió tàn lửa bay tứ tán rất dễ xảy ra cháy nhà, cháy xe.

Một cửa hàng bán vàng mã trên đường Yersin (quận 1)

Hiện nay, mỗi khi đưa tang, các tang gia thường rải rất nhiều tiền vàng bạc dọc đường xe tang chạy để “mua đường” và giải thích: “Luật lệ ở cõi âm cũng y chang như trên trần thế. Chết cũng như chuyển về nơi ở mới, mình phải chịu chi rộng rãi để người chết đi đường không bị quỷ sứ làm khó”. Cứ sau tầm 5 giờ sáng, các tuyến đường dẫn đến lò thiêu Bình Hưng Hòa, nghĩa trang Đa Phước, Phúc An Viên…, thậm chí trên đường cao tốc xả đầy tiền vàng bạc. Việc xả giấy tiền vàng bạc chẳng những gây cảnh nhếch nhác trên đường, mà còn nguy hiểm khi bay dán vào kính ô tô đang chạy nhanh phía sau gây mất lái, có thể xảy ra tai nạn giao thông.

Có cầu ắt có cung. Hàng trăm cửa hàng bán vàng mã ở các quận 1, 5, 6… cung ứng ra thị trường đủ mặt hàng vàng mã, từ tiền bạc âm phủ đủ loại mệnh giá, cho đến xe hơi, nhà lầu, biệt thự và cả nàng hầu bằng giấy các cỡ để phục vụ cho nhu cầu mua để đốt và xả rác.

Việc làm không ý nghĩa

Ông Nguyễn Thành Vinh, chủ một trại hòm trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã kinh doanh dịch vụ tang ma hơn 20 năm nay, kể: “Phục vụ đám tang nào, tôi cũng khuyên tang gia không nên đốt hay rải giấy tiền vàng bạc. Bởi việc làm này không có ý nghĩa gì cả, vừa phung phí tiền bạc mà còn bị chê là mê tín. Từ xe tang tung giấy tiền vàng bạc bay vào mặt người đi xe trên đường sẽ gây mất an toàn giao thông. Thật khó chịu khi sáng sớm vừa thấy các công nhân vệ sinh mới dọn dẹp đường phố sạch sẽ, chỉ một đám tang chạy qua lại thấy giấy tiền vàng bạc thành rác xả đầy đường”.

Hòa thượng Thích Thanh Sơn, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 1, Trụ trì Tổ đình Vạn Thọ, cho biết: “Tục lệ đốt, rải vàng mã có từ lâu rồi, nhiễm văn hóa tâm linh của Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, trong những dịp thuyết giảng, gặp gỡ phật tử, tôi đều vận động, nhắc nhở không rải, đốt vàng mã. Hãy nghĩ: Người quá cố có xài được giấy tiền vàng bạc không? Nghiệp lực từ đây không thể sang chỗ khác, nghiệp báo đã vận vào người rồi thì không giải được. Trong Trường bộ kinh, Đức Phật đã dạy các tỳ kheo, cư sĩ rất rõ. Vua nước nào ở nước đó, tiền nước nào chi dụng ở nước đó. Huống chi đây lại là hai cõi âm dương. Trong thực tế cũng vậy, trên thế gian này đồng tiền của nước này qua nước khác cũng không xài được, huống chi là âm phủ” 

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục