Đưa kiến thức pháp luật đến tổ dân phố

Nhân dân là đối tượng đầu tiên mà mục tiêu Đề án 1-1133 về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KN-TC) ở xã, phường hướng đến. Tại TPHCM, nhiều cán bộ khu phố, tổ trưởng dân phố đã rất nhiệt thành tham gia đưa kiến thức pháp luật KN-TC đến người dân ở địa bàn dân cư.
Đưa kiến thức pháp luật đến tổ dân phố

Nhân dân là đối tượng đầu tiên mà mục tiêu Đề án 1-1133 về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KN-TC) ở xã, phường hướng đến. Tại TPHCM, nhiều cán bộ khu phố, tổ trưởng dân phố đã rất nhiệt thành tham gia đưa kiến thức pháp luật KN-TC đến người dân ở địa bàn dân cư.

Cách trước tiên là… năn nỉ

Trong thời gian thực hiện Đề án 1-1133, TPHCM đã chú trọng tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở, trong đó có nhiều cán bộ mặt trận, trưởng ban điều hành khu phố, tổ trưởng dân phố, trang bị các kiến thức pháp luật KN-TC theo hướng chú trọng kỹ năng, nghiệp vụ, xử lý tình huống thực tế.

Ông Trần Văn Chiến, tổ trưởng tổ dân phố 66 (khu phố 4, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1), đưa chúng tôi đi một vòng các con đường Nguyễn Công Trứ, Ký Con, Calmette… Ghé các khu dân cư trong tổ dân phố 66, chúng tôi cảm nhận được tình cảm thân mến của cư dân đối với ông tổ trưởng của mình. Cứ vài bước chân, ông Chiến lại dừng chân ân cần thăm hỏi những người đang ngồi bán hàng và dừng lại khá lâu để gặp những người cao tuổi hỏi thăm sức khỏe, bệnh tình. Ông Chiến cho biết: “Tổ dân phố này có 150 hộ dân. Bà con mua bán đủ mọi ngành nghề. Ở đây có một số nhà tập thể, hộ ghép. Trong thực tế cuộc sống và làm ăn của cư dân cũng xảy ra những chuyện va chạm, bức xúc, khiếu nại… Làm tổ trưởng dân phố là tình nguyện tham gia hoạt động xã hội, vì cộng đồng, nên tôi ý thức rằng mình có trách nhiệm với chính quyền và người dân, quan tâm giải quyết các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh. Do vậy, tôi trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và chú ý tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị ngay với chính quyền những ý kiến, KN-TC của người dân tại khu dân cư”.

Ông Nguyễn Công Bình, Trưởng ban điều hành khu phố 1, phường 12, quận 10 thăm hỏi người già trong khu phố

Cũng như các tổ dân phố khác trên địa bàn TPHCM, những khiếu nại của cư dân tổ dân phố 66 phần nhiều là xung đột trong đời sống hàng ngày, như láng giềng gây mất vệ sinh môi trường, gây ồn. Mới đây, ở khu chung cư trường học Hoàn Kiếm (số 25 Ký Con) có vụ chủ của một căn hộ tầng trên phơi đồ nhiểu nước xuống nhà tầng dưới. Vụ việc khiến chủ 2 căn hộ bất hòa. Nhận được thông tin, ông Chiến đến tận nơi, tìm hiểu vụ việc. Ông Chiến kể: “Làm tổ trưởng dân phố, chẳng quyền chức gì, nên cách trước tiên là... năn nỉ bà con giữ bình tĩnh và chịu khó nghe tôi giải thích. Rồi căn cứ các quy định pháp luật để phân tích vụ việc, hành vi, cho thấy ai sai, ai đúng, nhắc những người trong cuộc thay vì chửi mắng hay hành hung nhau thì có thể đến phường để trình bày với cán bộ tiếp dân, gửi đơn khiếu nại. Thật ra cũng không khó vận động cư dân vì tình xóm giềng mà bỏ qua và khắc phục những mâu thuẫn, va chạm. Vụ việc xảy ra ở tổ dân phố, tôi được bà con trong tổ cử làm tổ trưởng thì bà con tin tưởng và hỗ trợ tôi. Tôi có tuổi rồi nên khi mình mềm mỏng vận động, giải thích như vậy, bà con cũng sẵn lòng nghe theo”.

Ngăn ngừa phát sinh những việc bất ổn

Lo an dân, lành mạnh hóa địa bàn dân cư chính là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ phát sinh những bất ổn dẫn đến KN-TC. Ông Nguyễn Công Bình, Trưởng ban điều hành khu phố 1, phường 12, quận 10, rất tâm đắc với phương châm đó. Ông Bình kể: “Trước đây, đằng sau các dãy nhà sang trọng, khang trang ở khu phố 1 có các ổ cờ bạc trá hình. Đủ chuyện bất ổn như ăn thua cá cược, cho vay nóng, bảo kê, đá gà... Để chuyển hóa địa bàn, các cán bộ khu phố phải hoạt động sao cho người dân tin tưởng, nể nang và sẵn sàng hỗ trợ mình; đồng thời, phải giúp người dân thực hiện đúng quyền KN-TC. Việc này đòi hỏi phải có cái tâm và sự kiên trì. Các cháu hư hỏng ở khu phố chỉ nể mình thôi, chứ không sợ đâu. Nhưng được như vậy đã là thành công bước đầu trong việc ngăn chặn phát sinh điểm nóng về khiếu nại ở địa bàn dân cư. Nếu không gắng sức thì khu phố sẽ không bình yên. Mà cương quyết, mạnh tay quá thì sẽ trở thành đối đầu. Chúng tôi phải vận dụng nhiều giải pháp để chuyển đối đầu thành đối tác. Các hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, sinh hoạt của bà con khu phố, chỉnh trang đô thị, mở rộng hẻm, tráng xi măng, lắp đặt cống thoát nước… đều phải có sức thuyết phục bằng việc công khai minh bạch chi tiêu. Nay khu phố 1 đã chuyển hóa và trở thành một trong các khu phố điểm của quận 10”.

Thực tiễn cho thấy nhu cầu tìm hiểu pháp luật KN-TC bắt nguồn từ những hoàn cảnh cụ thể, phát sinh trong đời sống xã hội và liên quan mật thiết đến mỗi người dân. Do đó, tại các phường, xã thực hiện nhuần nhuyễn việc đưa kiến thức pháp luật KN-TC đến tổ dân phố, nhận thức của người dân về việc KN-TC có sự chuyển biến tích cực; việc thực hiện quyền KN-TC của người dân theo đúng trình tự quy định pháp luật hơn; người KN-TC nhận thức đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc KN-TC, đồng thời tinh thần hợp tác với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng được nâng cao, hạn chế thấp nhất sự xung đột dẫn đến sự bất ổn về tình hình an ninh, trật tự xã hội .

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục