Làm gì để chống thất thu thuế đối với dịch vụ đòi nợ thuê?

Loạt bài Đòi nợ thuê - Nghề kinh doanh cần siết chặt quản lý đăng trên Báo SGGP ngày 29 và 30-11-2016 có nêu thực trạng các chủ nợ nhờ cậy đến các công ty đòi nợ thuê phải đóng mức phí khá cao, trong khi không ít công ty đòi nợ thuê kê khai mức thu phí dịch vụ trong hợp đồng đòi nợ rất thấp, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ khai, nộp thuế cho Nhà nước. Cục Thuế TPHCM có biện pháp nào để kiểm tra, xử lý và ngăn chặn những trường hợp như vậy? Ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, đã phản hồi về vấn đề này.
Làm gì để chống thất thu thuế đối với dịch vụ đòi nợ thuê?

Loạt bài Đòi nợ thuê - Nghề kinh doanh cần siết chặt quản lý đăng trên Báo SGGP ngày 29 và 30-11-2016 có nêu thực trạng các chủ nợ nhờ cậy đến các công ty đòi nợ thuê phải đóng mức phí khá cao, trong khi không ít công ty đòi nợ thuê kê khai mức thu phí dịch vụ trong hợp đồng đòi nợ rất thấp, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ khai, nộp thuế cho Nhà nước. Cục Thuế TPHCM có biện pháp nào để kiểm tra, xử lý và ngăn chặn những trường hợp như vậy? Ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, đã phản hồi về vấn đề này.

Khó khăn trong công tác quản lý thuế

Đối với các cơ sở kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đủ điều kiện kinh doanh đòi nợ thuê, Luật Quản lý thuế đã quy định các cơ sở này tự kê khai nộp thuế. Cụ thể là Thông tư 156 của Bộ Tài chính (ngày 6-11-2013) hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 83 của Chính phủ (ngày 22-7-2013). Chế độ báo cáo và chế độ kiểm tra giám sát đối với các cơ sở kinh doanh có chức năng đòi nợ thuê được quy định tại Nghị định 104 của Chính phủ (ngày 14-6-2007) và Thông tư 110 của Bộ Tài chính (ngày 12-9-2007). Mặc dù đã có cơ sở pháp lý để theo dõi và quản lý, tuy nhiên cơ quan thuế vẫn gặp những khó khăn trong công tác quản lý thuế đối với các cơ sở kinh doanh đòi nợ thuê và cầm đồ.

Doanh nghiệp làm thủ tục nộp thuế. Ảnh: QUÝ NGỌC

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ thuê và cầm đồ thực hiện kê khai và tự nộp thuế theo Luật Quản lý thuế. Vì vậy thường có tình trạng kê khai mức phí trong hợp đồng pháp lý đòi nợ rất thấp hoặc lập hợp đồng giả cách để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế. Việc này rất khó phát hiện, mà chủ yếu thông qua việc tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của người dân và doanh nghiệp có liên quan. Lĩnh vực hoạt động đòi nợ thuê mang tính chất dân sự, vì vậy tỷ lệ dịch vụ phí giữa hợp đồng và thực tế có chênh lệch (nếu có) là do thỏa thuận của các bên, hình thức thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt và không có nhu cầu lấy hóa đơn, nên việc kiểm tra doanh thu thực tế, chi phí gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, còn do trình độ của chủ doanh nghiệp còn hạn chế (không loại trừ khả năng cố ý) và tính chấp hành pháp luật chưa cao, phương thức kinh doanh có tính chất phức tạp. Việc thanh, kiểm tra đột xuất hoặc thường xuyên phải theo kế hoạch được phê duyệt và phải có quyết định thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, số liệu, sổ sách khi kiểm tra chỉ căn cứ theo số liệu doanh nghiệp xuất trình, nên cũng hạn chế trong công tác kiểm tra. Đối với các loại tài sản khác ngoài xe máy, như vàng, trang sức, đá quý, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà cửa…, thì hầu như các doanh nghiệp không để tại địa chỉ theo giấy đăng ký kinh doanh, mà để tại địa chỉ nhà riêng hoặc một địa điểm khác, nhưng không khai báo với cơ quan chức năng.

Đề xuất các giải pháp

Cục Thuế TPHCM đề xuất: Ngoài điều kiện về vốn và điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh được quy định tại điều 13, 14 Nghị định 104 của Chính phủ, thì kinh doanh ngành nghề đòi nợ thuê và cầm đồ cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện quản lý từ ngành công an. Để xem xét hợp đồng dịch vụ đòi nợ thuê có đảm bảo tính pháp lý, đòi hỏi các hợp đồng đều phải được công chứng, đồng thời phải đăng ký đến cơ quan công an phường tại địa phương nơi cơ sở kinh doanh này đặt trụ sở, chậm nhất trong vòng 2 ngày kể từ ngày ký hợp đồng (chứng từ và hợp đồng phải thể hiện rõ tên, địa chỉ của các bên trong hợp đồng, mức lãi suất theo ngày/tuần/tháng/năm hoặc tỷ lệ ăn chia trong hợp đồng đòi nợ). Cần có các quy định về mức trần lãi suất đối với hoạt động cầm đồ và đòi nợ thuê; tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa công an, chính quyền địa phương và cơ quan thuế trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt đồng cầm đồ và hợp đồng đòi nợ thuê.

Khi thực hiện được những giải pháp nêu trên, việc quản lý cơ sở kinh doanh và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ thuê, cầm đồ sẽ tốt hơn, tình hình an ninh, trật tự, xã hội ổn định hơn. Đồng thời giúp cơ quan thuế kiểm soát được doanh thu của các cơ sở này, vì về mặt bản chất, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này vẫn dè chừng lực lượng công an hơn là công chức thuế.


THU HƯỜNG (ghi)

Tin cùng chuyên mục