Ngăn ngừa cháy nổ để tết thêm vui

Cận tết, mọi người lo mua sắm, đường phố càng chộn rộn, còn họ - những công nhân ngành điện lực, như sáng 17-1, lại lặng lẽ đi vào con hẻm nhỏ số 20 đường Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, TPHCM, vốn là khu vực Cống hộp - rạch Bùng Binh, đến từng nhà để giúp dân khảo sát lưới điện trong nhà và phát hiện những nguy cơ cháy nổ để có biện pháp phòng ngừa trong dịp tết…
Ngăn ngừa cháy nổ để tết thêm vui

Cận tết, mọi người lo mua sắm, đường phố càng chộn rộn, còn họ - những công nhân ngành điện lực, như sáng 17-1, lại lặng lẽ đi vào con hẻm nhỏ số 20 đường Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, TPHCM, vốn là khu vực Cống hộp - rạch Bùng Binh, đến từng nhà để giúp dân khảo sát lưới điện trong nhà và phát hiện những nguy cơ cháy nổ để có biện pháp phòng ngừa trong dịp tết…

Dây nhợ lùng nhùng gần các vật liệu dễ cháy - hình ảnh thường thấy ở một số hộ dân

Anh Nghiêm Xuân Thắng, kỹ sư an toàn điện thuộc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết: “Sáng nay chúng tôi tổ chức 3 nhóm công nhân tỏa vào khu vực này để khảo sát giúp dân”. Đây là khu vực đông dân cư, sát tuyến Cống hộp - rạch Bùng Binh với những con hẻm ngoằn ngoèo như ma trận. Chúng tôi theo chân anh cùng 2 công nhân điện lực gõ cửa căn nhà số 20/11C đường Kỳ Đồng. Một cô gái ra tiếp và nhóm trình bày mục đích, đưa các loại giấy tờ. Sau đó cô đồng ý đưa đi xem bên trong nhà. Cô cho biết đang thuê nhà này, sửa chữa lại để kinh doanh. Nhà vốn là quán cà phê, chiếc quạt treo trong nhà vệ sinh chạy suốt, dù không có ai. Anh Dũng, công nhân khảo sát, chỉ chiếc quạt máy treo tường, nói với cô gái thuê nhà: “Nếu không sử dụng thì nên tắt quạt, vừa tiết kiệm điện, vừa an toàn. Vì nếu rủi ro cánh quạt kẹt hay vướng gì đó, quạt sinh nhiệt sẽ cháy mà không hay…”. 

Vào sâu bên trong, số nhà lại liên thông ra đường Bà Huyện Thanh Quan. Cô Nguyễn Thị Hiếu, ở nhà số 80/79/11, cho biết mới thuê nhà được vài năm. Nhà trệt, bề ngang chừng 3m, dài hơn 6m, đồ đạc vật dụng choán cả lối đi. Trên vách là ổ cắm điện treo lủng lẳng, vừa sử dụng cho tivi, vừa cho máy cát-sét và các nhu cầu khác. Cách đó không xa là bếp, rồi các vật dụng sinh hoạt, quần áo… “Nên chú ý ổ điện này, không nên đặt gần quần áo và các vật dễ cháy…”, anh công nhân điện lực tư vấn cho cô, xong gửi cô bảng hướng dẫn sử dụng an toàn điện. Tại một căn hộ cách đó không xa, sau khi nhân viên điện lực khuyến cáo chủ nhà về cầu chì, ổ cắm điện lùng nhùng với mớ dây điện trên vách tường. Chị chủ nhà tỏ vẻ thiệt tình, nói: “Hồi giờ tôi đâu có để ý mấy vụ này, mấy chú nói tôi mới biết…”.

Thực ra, về pháp lý, ngành điện lực chỉ chịu trách nhiệm từ dây dẫn bên ngoài đến điện kế, sau điện kế là thuộc trách nhiệm người sử dụng điện. Tuy nhiên, thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn sử dụng điện trong các hộ dân nên ngành điện lực đã kết hợp với địa phương để vào cuộc khảo sát, tư vấn giúp dân phòng chống cháy nổ, đặc biệt vào dịp cận và trong tết. Riêng qua khảo sát, tư vấn đợt 1 ở 154 hộ, anh Nghiêm Xuân Thắng cho biết có đến hơn 30% số hộ sử dụng điện trong nhà không an toàn. Tình trạng phổ biến là dây dẫn điện không phù hợp với nhu cầu sử dụng, kéo dây điện không luồn trong ống bảo vệ, không sử dụng các thiết bị bảo vệ cần thiết như cầu dao, cầu chì; đấu tắt hoặc dùng dây đồng thay thế cầu chì; đấu nối dây điện không đúng kỹ thuật, chỉ dùng kềm vặn lại sơ sài… Ở các hộ còn lại, những hạn chế liên quan đến thói quen và kỹ năng sử dụng điện như che chắn, phủ kín các thiết bị điện; đặt các thiết bị điện có phát nhiệt cao (như bàn ủi, lò nướng, bếp điện…) gần vật liệu dễ cháy; sử dụng một ổ cắm điện cùng lúc cho nhiều thiết bị; không dùng phích cắm mà cắm trực tiếp dây và ổ điện… Điều may mắn là các khuyến nghị của ngành điện đã được các hộ dân ghi nhận và cam kết khắc phục, xử lý. Nhiều hộ dân đã ý thức được tầm quan trọng về cháy nổ, khắc phục thói quen chưa tốt về sử dụng điện. 

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết công ty là đơn vị đầu tiên trong toàn tổng công ty triển khai việc khảo sát, tư vấn an toàn điện để rút kinh nghiệm, triển khai rộng rãi trong toàn ngành. Khó khăn hiện nay là việc phối hợp với chính quyền địa phương chưa được nhuyễn. Nhiều hộ dân ngại không muốn cho vào khảo sát do vắng cán bộ địa phương đi cùng. Một số ít hộ khác do không nhận được thông báo hoặc thư ngỏ nên nhân viên khảo sát phải giải thích, thuyết phục. Nếu có sự phối hợp từ 2 phía - ngành điện và địa phương, việc tư vấn phòng chống cháy do sự cố điện ở các hộ dân sẽ thuận lợi hơn, giảm thiểu rõ rệt các vụ cháy nổ có nguyên nhân do điện, nhất là vào dịp tết…

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục