Xoa dịu nỗi đau cho các trẻ em tàn tật

Xoa dịu nỗi đau cho các trẻ em tàn tật

Các trẻ em đang được nuôi dạy tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè là trẻ mồ côi bại não, bại liệt, chậm phát triển và thiểu năng trí tuệ. Vậy mà với sự kiên trì chăm chút chữa bệnh, phục hồi chức năng vận động và giáo dục văn hóa, giáo dục nhân cách của các thầy cô, các trẻ em ở đây vẫn có đội múa ca nhạc với nhiều tiết mục biểu diễn.

Múa không kém chuyên nghiệp

Bình quân Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè nuôi dạy 400 em trong độ tuổi từ sơ sinh đến 16 tuổi. Ngoài ra, trung tâm còn tiếp nhận giáo dục phục hồi cho 200 trẻ khuyết tật tại cộng đồng. Trong những dịp lễ, trung tâm thường giới thiệu những tiết mục múa do chính các em tàn tật ở đây biểu diễn, như để báo cáo thành quả giáo dục, phục hồi chức năng cho các em, và cũng là dịp để các em có ngày vui. Vừa mới nghe qua lời giới thiệu sơ lược của người dẫn chương trình và xem tiết mục múa Hát mãi khúc quân hành do các em trẻ tàn tật biểu diễn, nhiều khán giả rất xúc động đến trào nước mắt.

Tiết mục múa Đàn gà trong sân do các trẻ khuyết tật trình diễn

Tiếng nhạc vừa vang lên, từ bên trong cánh gà, nhóm múa chạy ra biểu diễn trong bộ trang phục quần áo lính với cái nón kết như chú Kim Đồng. Các em xếp thành từng hàng với động tác đầu tiên là giẫm chân tại chỗ theo nhịp hành khúc. Lúc này, khán giả chú ý quan sát đội múa mới nhận ra đấy chính là các em tàn tật. Động tác múa tay, múa chân của các em khớp theo nhạc không thua kém đội múa chuyên nghiệp. Kết thúc bài múa, các em đứng im với động tác kết bài rất uy nghiêm. Nhiều người dưới khán đài đồng loạt vỗ tay hò reo hoan nghênh, vì biết rằng với các trẻ bại não, bại liệt, chậm phát triển và thiểu năng trí tuệ thì tập và biểu diễn được như vậy là cả một quá trình rèn luyện gian khổ.

Các em còn múa được những bài với động tác khó hơn, như tiết mục múa Hành khúc Đội Thiếu niên Tiền phong đã đoạt giải trong hội diễn văn nghệ của Sở LĐTB-XH TPHCM. Bắt đầu tiết mục, một bạn nam dẫn đầu cầm theo lá cờ đỏ sao vàng rồi đứng chính giữa sân khấu phất cờ tung bay phấp phới giống như trong ngày toàn thắng. Với vũ điệu uốn lượn tay chân một cách mềm dẻo, động tác nghiêm trang, các em đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bên dưới khán đài, các cô giáo cũng phải liên tục nhắc động tác để các em khỏi quên. Còn đối với bài múa khó, nhiều động tác như Đàn gà trong sân, các giáo viên dạy múa đã hóa trang cùng theo múa với các em. Cũng đôi khi xảy ra sự cố, như đang trong tiết mục múa, một “chú gà con” tự nhiên đứng đơ giữa “bầy gà” đang múa rất đẹp. Nhưng không sao, bỗng nhiên có 2 “chú gà” chạy lon ton tới chỉnh lại động tác cho chú gà con đó đi đúng nhịp. Kết thúc bài múa, nghe giới thiệu mọi người mới biết đó chính là 2 giáo viên dạy múa biểu diễn theo cùng tiết mục để nhắc động tác múa cho các em hay quên.

Thêm sức khỏe, niềm vui cho trẻ

Để có một tiết mục múa hoàn hảo, ngay cả nhóm múa bình thường cũng phải tốn thời gian tập khá lâu, đối với các em nhỏ tàn tật lại càng khó hơn. Đặc biệt lại càng thêm khó khi giáo viên múa của các em không phải dân múa chuyên nghiệp, mà là người dạy dỗ hàng ngày. Để hoàn thiện một bài múa, cô Trần Mỹ Dung (giáo viên lớp từ 10 - 18 tuổi) kể: “Dạy múa cho các em lớn dễ hơn nhiều so với các em nhỏ. Một tiết mục múa trung bình mất khoảng từ 3 - 4 tháng mới tập xong, tiết mục phải đơn giản, không có quá dài để tránh tình trạng rối loạn. Các em có trí nhớ không tốt, nên mỗi động tác phải tập đi tập lại mấy ngày. Sau khi tập xong, ráp từng động tác đã tập thành một bài. Có nhiều em tập xong rồi mà vào bài lại quên. Cô Dung chia sẻ: “Những bài múa được các em hào hứng tham gia, tạo sự kích thích cho trí não phát triển. Nhờ đó mà các em cũng nghe lời cô hơn. Nếu em nào quậy phá, phải bị phạt bằng hình thức không được tham gia tiết mục văn nghệ, nên các em rất ngoan và rất cố gắng học tốt”.

Cô Mai Huỳnh Bích Thơ (giáo viên dạy các em từ 6 - 10 tuổi) cho hay: “Các em lớn có thể dễ dàng dạy cách múa, nhưng các em nhỏ phải tuyển chọn các em có thể múa được, nhịp nhạc phải chậm, động tác đơn giản hơn. Một cô dạy múa thì phải 2 cô đứng sửa từng động tác. Các tiết mục đều do các cô tự mò mẫm xem những bài hát thiếu nhi trên mạng để lọc ra các động tác đơn giản nhất, hoặc tự nghĩ động tác múa. Với những bài khó có nhiều tiết mục, các cô phải hóa trang để vừa biểu diễn vừa chỉnh động tác cho các em.

Cô Hồ Thị Mồng Tuyền, Trưởng cơ sở bán trú, chia sẻ: “Nhờ có đội múa mà các em chịu tham gia, phát triển tinh thần và thể chất, không tinh nghịch như xưa. Ý tưởng này có cách đây vài năm, khi chúng tôi nhận ra mỗi khi đến tiết học ca hát, cứ nghe tiếng nhạc phát lên thì các em thích nhảy múa. Ban lãnh đạo trung tâm quyết định tổ chức văn nghệ thi thố giữa các em với nhau. Sau này, tiết mục múa đã trở thành không thể thiếu đối với các em. Nhiều khi các cô bí động tác múa, chính các em lại có sáng kiến, góp ý cho cô bằng động tác tự múa. Các em ở trung tâm mang trên mình những khiếm khuyết, cần hỗ trợ trong những sinh hoạt hàng ngày, thậm chí có một số em cần phải chăm sóc toàn bộ trong mọi sinh hoạt cá nhân. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ nhân viên trong trung tâm phải có tâm, không quản ngại khó khăn, yêu thương, tâm huyết xoa dịu nỗi đau, sự mất mát cho các em, giúp các em có cuộc sống vui tươi, hạnh phúc phát triển theo khả năng”.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục