Chấn chỉnh những hành vi phản cảm ở lễ hội

Ngăn chặn chiêu trò lừa bịp tại hội chợ
Chấn chỉnh những hành vi phản cảm ở lễ hội

Trong mùa lễ hội năm nay, lại xuất hiện những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, như bẻ cành cây để hái lộc, tranh cướp lộc, giả dạng người tàn tật để ăn xin, xả rác, cờ bạc gian lận, chen lấn mất trật tự, giá dịch vụ chặt chém. Báo SGGP trích đăng một số ý kiến của người dân về vấn đề này.

Ngăn chặn chiêu trò lừa bịp tại hội chợ

Hội chợ trò chơi thường được tổ chức tại các lễ hội với nhiều gian hàng như xổ lô tô, lăn banh, thảy vòng, bắn súng nhựa… để người dân có dịp vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, hội chợ ngày càng biến tướng, không còn là một nơi để người ta giải trí, mà thay vào đó là mang tính chất cờ bạc với những trò lừa bịp nhằm móc túi khách chơi xuân.

Khách hành hương đuối sức nằm cạnh bậc thềm lên điện thờ Bà - Tây Ninh

Ẩn sau những giải thưởng là nhiều trò lừa bịp được hợp thức hóa, khiến người chơi thua thì nhiều mà rất khó trúng thưởng. Thí dụ, có những nhà cái tổ chức lô tô gian lận, người trúng thưởng chẳng ai khác mà là mấy tay “chim mồi” của họ thay phiên nhau, để khách thấy dễ trúng thưởng và tham gia chơi nhiều hơn. Một số nhà cái trò chơi máy bay điện (chạy vòng 12 ngọn đèn) cũng lừa bịp trắng trợn bằng cách sử dụng một nút điều khiển nhỏ để có thể cho đèn dừng lại ở bất kỳ số nào.

Những hành vi gian lận như vậy diễn ra nhan nhản ở nhiều hội chợ vào dịp lễ hội, do vậy các ban ngành văn hóa địa phương sau khi cấp phép cần có kiểm tra chấn chỉnh.

VŨ THANH THANH
(quận Tân Phú, TPHCM)

Xử lý hành vi giả dạng ăn xin

Ở các lễ hội thường có rất nhiều người xin ăn tụ tập. Tôi khá quen mặt một người đàn ông cụt tay tuổi độ 40, cứ đầu xuân năm nào cũng xuất hiện ở lối vào phủ Tây Hồ ròng rã cả tháng trời để xin tiền. Thế nhưng, một lần tình cờ tôi gặp ông ta không hề bị cụt tay, đang ngồi uống cà phê với bạn tại một quán sang trọng. Sau đó, tôi để ý thì nhận ra ông ta đã bó tay gập lên và đóng giả bị cụt phần cẳng tay dưới để đánh lừa mọi người.

Từ đó, những khi đi lễ ở đền Bia Bà (Hà Đông) hay chùa Hương, Yên Tử (Quảng Ninh), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)..., tôi cũng đều để ý quan sát và không khó để nhận ra có rất nhiều người giả dạng tàn tật để xin ăn. Dã man và đáng trách hơn nữa là có không ít người lớn có sức khỏe nhưng lại lười lao động khi mang trẻ em ra làm công cụ để xin ăn. Có những đưa trẻ mới độ vài chục tháng tuổi, vài ba tuổi bị đặt nằm bên vệ đường với chiếc nón, bên cạnh để xin tiền...

Đó là hình ảnh rất phản cảm tại các lễ hội. Để những kẻ giả dạng người tàn tật không còn có thể kiếm tiền bất chính, chính quyền các địa phương cần phải kiểm tra, mạnh tay xử phạt hành chính. 

NGUYỄN HOÀNG ĐẠI
(quận Thanh Xuân, TP Hà Nội)

Không duy trì các tập tục không còn phù hợp

Đã có những lễ hội diễn ra cảnh chen lấn hỗn loạn, tranh cướp mất trật tự, cho thấy sự bất lực của chính quyền địa phương và ban tổ chức lễ hội. Thay vì đến lễ hội để an tịnh tinh thần, nguyện cầu may mắn, thì những người đi lễ hội lại bị xô đẩy chen lấn, bị quán hàng chặt chém, kẻ cắp móc túi hoặc cướp giựt, cò mồi lừa gạt, nạn cờ bạc đỏ đen sát phạt nhau, nạn mê tín dị đoan... Những tiêu cực trong lễ hội hàng năm như lối mòn lạc hậu khó sửa, chẳng những vậy còn phát triển theo chiều hướng tiêu cực hơn nếu không có sự chấn chỉnh nghiêm túc kịp thời và quyết liệt của ngành văn hóa, du lịch và chính quyền địa phương.

Những tập tục không có tính nhân văn, gây phản cảm trong dư luận, đã thực sự lỗi thời thì không thể chấp nhận trong thời đại văn minh hiện nay. Do vậy không nên duy trì các tập tục phản cảm. Chúng ta đang sống trong thời đại văn minh, lấy nhân nghĩa làm nền tảng, lấy đạo đức làm gốc, lấy văn minh làm trọng thì không thể duy trì những tập tục lạc hậu, cách hành xử mông muội.

MAI THẮNG (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Tin cùng chuyên mục