Điểm tựa của người nghèo

Không chỉ mang quà, thuốc, tiền mặt… đến giúp người nghèo các tỉnh, trong nhưng lần đi làm từ thiện, gặp những ca bệnh nặng, Chi hội từ thiện Hy Vọng (quận Tân Phú, TPHCM) còn cưu mang, đưa về TPHCM lo toan việc chữa trị.

Không chỉ mang quà, thuốc, tiền mặt… đến giúp người nghèo các tỉnh, trong nhưng lần đi làm từ thiện, gặp những ca bệnh nặng, Chi hội từ thiện Hy Vọng (quận Tân Phú, TPHCM) còn cưu mang, đưa về TPHCM lo toan việc chữa trị.

Nơi nào khó, có Hy Vọng

Phụ trách Chi hội từ thiện Hy Vọng là bà Nguyễn Thị Mỹ Phước, mọi người hay gọi là “má Hải” hay “cô Hải”. Bà Mỹ Phước kể: “Bà con gọi tôi là má Hải, đó là gọi theo tên chồng tôi. Nghề nghiệp chính của tôi là cán sự điều dưỡng chuyên ngành ngoại khoa - giải phẫu. Năm 1987 tôi nghỉ hưu, nay đã 73 tuổi rồi. Hoạt động từ thiện của tôi bắt đầu từ năm 1990. Khi ấy tôi cùng 11 người bạn, gom góp tiền, tự đi làm từ thiện. Cứ mỗi tháng một lần, cả nhóm gom tiền mua thuốc, sữa, quần áo, hạt giống… mang lên Đắk Lắk, Gia Lai… để giúp cho người mắc bệnh phong chữa bệnh và hướng dẫn cách trồng trọt để sinh sống. Ròng rã như vậy cho đến năm 2009, nhà nước có chủ trương cho thành lập các tổ chức từ thiện, từ đó Chi hội từ thiện Hy Vọng chính thức hoạt động. 10 người trong số 12 “sáng lập viên” đã mất do tuổi cao sức yếu. Chi hội tiếp tục phát triển hội viên mới, chủ yếu là các bác sĩ, điều dưỡng, nha sĩ, nữ hộ sinh… ở các bệnh viện Chợ Rẫy, Thống Nhất, Đại học Y Dược, Hùng Vương, Ung Bướu… Đến nay chi hội đã có đến hơn 100 hội viên, đa số là đảng viên. Nơi nào khó khăn là tụi tui có mặt”.

Chi hội từ thiện Hy Vọng khám bệnh, trao quà tặng trẻ em nghèo ở Sóc Trăng

Thật vậy, trong các đợt vận động cứu trợ nạn nhân bão lũ ở Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… Chi hộ từ thiện Hy vọng đều có mặt, đến tận nơi tặng quà, khám bệnh giúp người nghèo bị thiên tai. Chi hội còn tổ chức nhóm bác sĩ đi mổ mắt cho bà con nghèo các tỉnh miền Tây và sang tận Campuchia, Lào; thực hiện chương trình tầm soát tiền ung thu cổ tử cung cho phụ nữ nghèo ở các tỉnh, và chương trình Chung tay góp sức đưa trẻ nghèo đến trường. Tháng nào chi hội cũng có chuyến đi làm từ thiện. Phương thức hoạt động của Chi hội từ thiện Hy Vọng là các thành viên ban chấp hành chi hội tự đóng góp chi phí xe đi lại, qua đêm; má Hải kêu gọi các doanh nghiệp quen biết hỗ trợ quà, thuốc, sữa…; các thành viên tham gia không phải đóng góp tiền, mà chỉ bỏ công sức khám chữa bệnh. Chỉ trong 2 năm 2015 và 2016, số tiền và hiện vật mà Chi hội từ thiện Hy Vọng mang đến trợ giúp cho người nghèo mỗi năm lên đến hơn 4 tỷ đồng.

Hy vọng để không tuyệt vọng

“Quang hả, ngoại nè con, hôm nay khỏe chưa?”. “Con nè ngoại! Ba con đi bắt cá, má con đi vớt ốc rồi. Con mới đi học về”. Bật điện thoại, mở loa, má Hải cho tôi trực tiếp nghe cuộc nói chuyện giữa bà với một bệnh nhân nhí, cháu Trần Quang, năm nay học lớp 2, nhà ở ấp Đông Thành, xã Thạnh Đông A (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang). Câu chuyện quay về năm 2015, khi Chi hội từ thiện Hy Vọng về khám chữa bệnh tại đây. “Cháu Quang tím ngắt, cứ đi vài bước là té xỉu, do bị bệnh bẩm sinh. Nhà cháu nghèo lắm, chỉ là cái chòi rách đến mức không thể rách hơn được nữa. Ba má cháu thấy con bệnh mà tuyệt vọng vì cảnh nghèo. Chi hội đưa cháu Quang về TPHCM, vào Bệnh viện Triều An để chờ ngày mổ. Cháu nằm mấy tuần, chi phí mổ, hậu phẫu, ăn uống lên đến 104 triệu đồng, chi hội vừa gồng gánh vừa kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ. Cháu Quang xuất viện trở về, nay đã khỏe mạnh và đã đến trường”.

Còn nhiều câu chuyện cảm động khác. Cô Nguyễn Thị Nhí, 22 tuổi, nhà ở xã Tân Trung (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), được Chi hội từ thiện Hy Vọng giúp đỡ hồi tháng 6-2015. Cô Nhí cũng bị bệnh tim, được chi hội đưa về TPHCM chữa trị. Không lâu sau, vào lúc nửa đêm, chồng cô gọi cho má Hải, khóc lo lắng báo Nhí có thai rồi. Thật nguy hiểm vì tình trạng sức khỏe của cô sẽ khó sinh con an toàn. Cô Nhí được chi hội hỗ trợ đưa lên khám thai tại Bệnh viện ĐH Y Dược với sự hỗ trợ của bác sĩ Khang và bác sĩ Khôi. Khám thai và theo dõi đến tháng thai thứ 8 thì mổ bắt con, sinh đôi một trai một gái, cả 3 mẹ con đều mạnh khỏe. Khi chi hội thực hiện chương trình tầm soát ung thu cổ tử cung cho phụ nữ nghèo tại huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) hồi đầu năm 2016, có một bệnh nhân tình cảnh rất gian nan, hơn 40 tuổi, chồng chết nhưng phải nuôi 2 cháu nội và 2 cháu ngoại, một tay chỉ còn 2 ngón do bị máy ép mía cắt đứt. Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) đã xác định bệnh nhân bị bướu tử cung. Chi hội lại ra tay cứu giúp, vừa đi vận động từ thiện vừa tự góp tiền túi để lo viện phí. Khi bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện, khi về, chi hội lại giúp tiền về xe.

Sau chuyến đi làm từ thiện tại Lâm Đồng, tháng 3 này Chi hội từ thiện Hy Vọng đang chuẩn bị cho chuyến đi làm từ thiện tại Tây Ninh, và tháng 4 về Bến Tre. Má Hải cười nói: “Các nơi đều đã gởi thư mời về thăm khám, giúp bà con nghèo. Lịch hoạt động cho năm 2017 và 2018 của chi hội gần như kín rồi. Mấy đứa nhỏ nhắc tui, nói má lớn tuổi quá rồi, nghỉ đi, nhưng tui chưa chịu. Còn sức thì còn đi làm từ thiện”.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục