Bất cập giao thông vùng ven

Các quận ven và huyện ngoại thành TPHCM đang đô thị hóa, dân số tăng cơ học rất nhanh, nhưng việc phát triển giao thông đã không theo kịp. Nhiều xe lớn thường xuyên đi qua những con đường nhỏ hẹp, nền đường yếu, làm đường xuống cấp và không đảm bảo an toàn giao thông.

Các quận ven và huyện ngoại thành TPHCM đang đô thị hóa, dân số tăng cơ học rất nhanh, nhưng việc phát triển giao thông đã không theo kịp. Nhiều xe lớn thường xuyên đi qua những con đường nhỏ hẹp, nền đường yếu, làm đường xuống cấp và không đảm bảo an toàn giao thông.

Đường Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) nhỏ hẹp nhưng nhiều xe tải trọng lớn đi qua nên bị hư hại nặng

Đường nhỏ, xe khủng

Huyện Bình Chánh nằm ở cửa ngõ phía Tây - Tây Nam TP, có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như quốc lộ 1, quốc lộ 50, đường Trần Văn Giàu, đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường Nguyễn Văn Linh, đường Võ Văn Kiệt. Trên địa bàn huyện có nhiều con đường nhỏ (như Võ Văn Vân, Vĩnh Lộc, Quách Điêu…) không chỉ thông với những tuyến đường quan trọng trên mà còn kết nối với các quận lân cận, nên có lưu lượng xe khá lớn. Bà Nguyễn Thị Lành (ở đường Võ Văn Vân) cho hay: “Đường này đang sửa mà lượng xe tải vẫn qua quá nhiều. Người dân ở đây thật khổ khi cứ kéo dài cảnh này”.

Cách đó không xa, đường Vĩnh Lộc, Phan Văn Đối, Nguyễn Thị Tú, đường Số 2 (quận Bình Tân) khá hẹp mà lại có nhiều xe tải, xe trộn bê tông, xe container đi qua. Nhiều xe máy phải chạy nối đuôi sau ô tô do không còn làn đường dành riêng cho xe hai bánh. Xe trọng tải lớn di chuyển suốt ngày đêm khiến những con đường này xuống cấp, xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi”.

Từ quốc lộ 1A và quốc lộ 22, nhiều xe trọng tải lớn chạy vào các con đường Hà Huy Giáp, Tô Ngọc Vân, Lê Văn Khương, Nguyễn Văn Quá (quận 12) rồi vào những con đường nhỏ như Nguyễn Ảnh Thủ, Thạnh Xuân 25, Thạnh Lộc 13… để đi Tây Ninh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Người dân ở đây cho hay, nhiều xe tải chở hàng cồng kềnh chạy vào đường nhỏ để né kiểm tra của các cơ quan chức năng và tránh bị thu phí trên quốc lộ 1A. Còn ông Nguyễn Ngọc Đông (ở đường Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn) phản ánh: “Nhiều năm nay, con đường nông thôn vùng ngoại thành này bị nhiều xe lớn chạy vào. Đường xuống cấp nặng, không được nâng cấp, mở rộng, mà chỉ chắp vá nham nhở. Nhiều khi xe tải chạy hàng dài nối đuôi nhau. Nhà nào cũng đầy bụi bặm. Đi đường rất lo tai nạn”.

Giải pháp tình thế

Phòng Quản lý đô thị quận 12 cho hay, nhằm đảm bảo nhu cầu lưu thông trên địa bàn, UBND quận đã và đang tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường xương cá, các trục giao thông liên phường, nhằm chia sẻ áp lực cho các tuyến đường bị quá tải. Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TPHCM rà soát để có biện pháp tổ chức giao thông hợp lý, như tổ chức phân luồng cho ô tô lưu thông một chiều trên đường Nguyễn Văn Quá, Tô Ngọc Vân và đường Hà Huy Giáp từ vị trí quốc lộ 1 đến giao lộ Thạnh Lộc 30… Về lâu dài, UBND quận kiến nghị TP đầu tư các tuyến đường trọng điểm như đường Vườn Lài, cầu Vàm Thuật, Thới An - Thạnh Xuân, đường song hành Hà Huy Giáp, Tô Ký…

Theo UBND huyện Bình Chánh, các tuyến đường thuộc huyện quản lý có mặt cắt ngang nhỏ, chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, trong khi phương tiện tham gia lưu thông trên đường tăng nhanh, ảnh hưởng đến chất lượng công trình giao thông, trong khi kinh phí dặm vá, duy tu hàng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Còn ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết: “UBND quận thường xuyên mời Sở Giao thông Vận tải TPHCM cùng làm việc, có giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc đường, như hạn chế giờ và phương tiện lưu thông trên một số con đường, đầu tư các nút giao hương lộ 2, Gò Mây. Bên cạnh đó, UBND quận cũng phát triển các tuyến hẻm trên địa bàn, phân luồng lại phù hợp với quy hoạch đô thị đang phát triển tại tỉnh lộ 10, đường Trần Đại Nghĩa”.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục