Tràn lan đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc

Đã có hàng loạt thông tin của các cơ quan chức năng về việc siết chặt quản lý đối với đồ chơi trẻ em trên địa bàn TPHCM. Vậy mà đến nay, phụ huynh vẫn phải lo lắng vì các sản phẩm đồ chơi không nguồn gốc bán đầy đường.

Đã có hàng loạt thông tin của các cơ quan chức năng về việc siết chặt quản lý đối với đồ chơi trẻ em trên địa bàn TPHCM. Vậy mà đến nay, phụ huynh vẫn phải lo lắng vì các sản phẩm đồ chơi không nguồn gốc bán đầy đường.

Đồ chơi trẻ em không nhãn mác bày bán trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM

Đồ chơi siêu rẻ bán theo ký

Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, chị Phạm Diễm Hương (ngụ đường Bình Thới, quận 11) phản ánh về việc đồ chơi trẻ em không có nhãn mác, không nguồn gốc bán tràn lan ở cổng các bệnh viện nhi, thu hút rất đông trẻ em đòi mua. Chị Hương kể: “Đầu tuần tôi đưa con đi Bệnh viện Nhi đồng 1 khám bệnh, vừa tới cổng bệnh viện, cháu liền sà vào quầy bán đồ chơi trẻ em và đòi mua bằng được cái còi thổi dạng ống nhựa mềm. Mua xong, cháu rất thích thú với món đồ chơi đó và đã sử dụng rất nhiều. Đến tối, cháu kêu rát miệng, khó thở. Quan sát kỹ tôi thấy xuất hiện những nốt đỏ li ti xung quanh viền môi của cháu, nên lấy nước muối rửa miệng cho cháu. Sáng hôm sau những nốt đỏ lớn hơn và có bọng nước. Tôi vội đưa cháu trở lại bệnh viện khám thì bác sĩ cho biết cháu bị dị ứng với chất Phthalate có trong đồ chơi. Trẻ em tới bệnh viện hầu hết đang đau bệnh, sức đề kháng yếu, nên khi tiếp xúc với những sản phẩm đồ chơi độc hại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe”.

Chúng tôi đến quan sát tại cổng Bệnh viện Nhi đồng 1, thấy có khoảng 6 sạp bán đồ chơi trẻ em bày trên vỉa hè với hàng ngàn sản phẩm đủ chủng loại, từ các con giống nhựa, xe đua, đồ chơi nấu ăn đến các loại kiếm, súng nhựa…, đều có giá khá rẻ. Nhặt vài món lên xem, chúng tôi thấy một số có chữ Trung Quốc trên bao bì, còn phần lớn là đồ chơi không có bao bì, nhãn mác. Hỏi về nguồn gốc của đồ chơi, người bán khẳng định: “Hàng đảm bảo không gây kích ứng cho trẻ em, mua về cho bé sử dụng mà bị làm sao thì tôi chịu trách nhiệm”. Hỏi tìm mua đồ chơi xuất xứ Việt Nam, người này chỉ vào trong bệnh viện rồi nói: “Vào đó mà mua, giá gấp 4 lần!”. Thấy chúng tôi lưỡng lự, nhiều phụ huynh đang lựa đồ chơi cho con cũng khuyên: “Thôi, mua đại cho xong, chứ con nít chơi được chút xíu là làm hỏng ngay mà, mua hàng mắc tiền chi, uổng lắm!”.

Vào một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em ở đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2), hỏi tìm mua đồ chơi có thương hiệu sản xuất trong nước hoặc đồ chơi nhập từ nước ngoài về, ông chủ tiệm thành thật trả lời: “Không có! Cửa hàng tôi chỉ bán đồ chơi giá rẻ, phục vụ người dân khu vực này chủ yếu là người lao động. Chúng tôi hỏi mua với số lượng lớn đem về tỉnh bán, ông báo giá: “65.000 - 120.000 đồng/kg cho đồ chơi nấu ăn, câu cá, con giống, xếp hình, ô tô nhỏ; còn các loại khác bán theo sản phẩm”.

Kiểm tra 18 vụ, phát hiện 17 vụ vi phạm

Đồ chơi không nhãn mác, bán theo ký không hề khó tìm. Chỉ một cú click chuột trên Google đã có hàng chục trang chào bán đồ chơi gia công, đồ chơi giá siêu rẻ. Ngoài ra, tại các chợ Bình Tây, Bình Tân, Kim Biên, mặt hàng đồ chơi trẻ em không bao bì nhãn mác được bày bán nhan nhản. Nơi bán theo ký, nơi bán theo số lượng, nhưng tất cả đều có giá rất rẻ.

Trả lời về công tác kiểm tra, quản lý các điểm kinh doanh đồ chợi trẻ em hiện nay, ông Nguyễn Văn Bách, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, cho biết: “Chi cục QLTT TPHCM đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường quản lý địa bàn, nắm tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó có mặt hàng đồ chơi trẻ em, đặc biệt là đối với loại đồ chơi mang tính bạo lực, ảnh hưởng đến giáo dục, nhân cách của trẻ em thuộc danh mục cấm. Lực lượng QLTT kiểm tra các hoạt động buôn bán, chứa trữ, nhập khẩu, vận chuyển đồ chơi trẻ em về chứng từ hóa đơn, dấu hợp quy, đăng ký kinh doanh, ghi nhãn hàng hóa, nhãn hiệu”. Trong 3 tháng đầu năm 2017, Chi cục QLTT TPHCM đã kiểm tra 18 vụ kinh doanh đồ chơi trẻ em, trong đó phát hiện 17 vụ vi phạm. Cụ thể: 4 vụ kinh doanh hàng hóa cấm kinh doanh, thu giữ 247 đơn vị sản phẩm súng, kiếm, cung nhựa do Trung Quốc sản xuất; 11 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, thu giữ 40.890 đơn vị sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại; 1 vụ kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, thu giữ 781 đơn vị sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại. Chi cục QLTT TPHCM đã xử phạt 14 vụ, phạt tiền 71,85 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng nhập lậu, hàng cấm nói trên.

Cũng theo ông Bách, tuy kiểm tra, xử lý nhiều nhưng hiện nay vẫn có một số đối tượng kinh doanh đồ chơi trẻ em không nhãn mác, không rõ nguồn gốc trên vỉa hè trước cổng một số bệnh viện nhi, cổng trường học, công viên. Họ buôn bán không có địa điểm cố định, số lượng hàng hóa ít, trị giá thấp nên khi phát hiện có cơ quan kiểm tra thì họ gom lại chạy chỗ khác bán hoặc chờ khi không có cơ quan kiểm tra thì bày bán, nếu có bị kiểm tra, xử phạt thì thường không thực hiện việc nộp phạt. Chi cục đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát, quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm đối với hoạt động kinh doanh đồ chơi trẻ em tại các chợ, trường học, cửa hàng trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu hủy đồ chơi trẻ em bị cấm, cảnh báo cho mọi người biết loại đồ chơi có chất độc hại để phòng tránh.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục