Xả thân cứu dân trong lũ dữ

Chúng tôi đến thăm cụ bà Trịnh Thị Biểu, 90 tuổi, ngụ tại thôn Hà Bằng, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, người may mắn được cứu thoát chết trong trận bão lũ số 11 vừa qua. Tuy tuổi cao sức yếu, cụ vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Cụ vui vẻ mời chúng tôi vào nhà và lấy ra dĩa khoai lang vừa nấu chín, cười móm mém: “Khoai lang non bị ngập trong lũ, không ngon đâu, nhưng hiện giờ ở cái xứ này có còn thứ chi để ăn ngon”.

Bà lột từng củ khoai mời chúng tôi, giọng cảm kích: “Tôi còn sống để được ăn củ khoai quê nhà là phước đức lắm, nếu không có chú Trịnh Hoài Bình, Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn Bắc, đến cứu kịp thời”.

Cụ Biểu kể tiếp: “Đêm xảy ra bão lũ, nước dâng nhanh quá, nhà tôi cao ngần ấy mà mới đầu hôm đã ngập lên cả bộ ván ngủ. Có một mình thân già ở nhà, tôi leo lên bàn thờ đứng chịu trận và ngâm mình trong nước lạnh gần 10 giờ đồng hồ. Khi ấy, nước đã dâng lên đến cổ, cả người lạnh tê cóng, chỉ chực ngã xuống chìm trong nước mà chết thôi. Ngay lúc thập tử nhất sinh đó, chú Bình bơi chiếc sõng đến cặp vào nóc nhà gọi lớn: “Bà ơi, bà còn trong nhà không?”. Nghe gọi, nhưng tôi không lên tiếng được vì cả người bị tê cóng, chỉ cất tiếng rên nho nhỏ.

Biết tôi còn sống, chú Bình liền gỡ ngói nóc nhà, kéo tôi lên”. Cụ Biểu chậc lưỡi: “Nói thì nghe dễ dàng vậy, nhưng để cứu được tôi, chú Bình đã phải dỡ ngói, bẻ mấy cây rui, cây mè trên nóc nhà, gần cả tiếng đồng hồ...”. Anh Nguyễn Thế Mỹ, con trai cụ Biểu, nói tiếp: “Nếu không có anh Bình xả thân đi cứu người thì sự thiệt hại về người ở Xuân Sơn Bắc không lường hết được. Anh Bình đã cứu được 42 người với 8 con heo và 2 con bò bị cuốn trôi trong nước lũ”.

Tôi trở lại trụ sở UBND xã Xuân Sơn Bắc tìm Phó Bí thư Trịnh Hoài Bình. Anh cười hiền lành: “Gặp cảnh đó, ai cũng phải làm như tôi thôi”. Tôi giật mình khi nhìn chiếc sõng làm bằng nan tre, nhỏ xíu như chiếc xuồng ba lá, nhiều lắm chỉ chở được 3 người. Vậy mà anh Bình đã dũng cảm, bất chấp hiểm nguy bơi chiếc sõng giữa cơn lũ gào thét hung dữ để cứu người.

Bình từ tốn: “Đúng là nguy hiểm lắm, vì cây ngã bị nước cuốn trôi ào ào, nếu va vào thì chiếc sõng chắc chắn sẽ bị vỡ, lúc đó sinh mạng của mình cũng chưa biết ra sao. Nhưng bà con còn bị kẹt trong nhà, mà nước đã ngập đến nóc, nếu không cứu kịp thời thì sẽ có nhiều người chết. Lúc đó chắc tôi ân hận không sống nổi, vì lương tâm sẽ ray rứt mãi...”.

Tôi thắc mắc là như vậy làm sao anh cứu được con heo và cả 2 con bò. Anh Bình cười xòa giải thích: “Sau khi cứu đến người thứ 42, biết là trong xóm không còn ai bị kẹt trong nhà, tôi chợt nghĩ đến tài sản của bà con, nhất là heo bò, vì trong lúc bơi chiếc sõng đi cứu người, tôi đã gặp heo, gà, trâu bò trôi trong lũ nhiều lắm. Vậy là tôi tiếp tục bơi chiếc sõng đi tìm. Nhưng khi gặp heo, hay bò, tôi cho nó uống nước gần bất tỉnh rồi mới kéo đến chỗ cao cho nó nằm từ từ tỉnh lại”.

Nhằm khen thưởng kịp thời và nhân rộng những cá nhân điển hình xả thân cứu người trong bão lũ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên, Đào Tấn Lộc, đã vào tận xã Xuân Sơn Bắc khen ngợi anh Trịnh Hoài Bình. Dịp này, Báo SGGP đã trao tặng cho Bình 1 triệu đồng và Xí nghiệp Xe lăn Kiến Tường thưởng cho Trịnh Hoài Bình 10 triệu đồng.

Nhưng thật cảm động, số tiền thưởng đó, Bình tặng lại cho Trường Tiểu học Xuân Sơn Bắc, ngôi trường đã bị sập đổ hoàn toàn trong bão lũ, gọi là một chút đóng góp để xây dựng lại ngôi trường, cho các cháu sớm có ngôi trường đi học.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục