Nơi chắp cánh những ước mơ

Nơi chắp cánh những ước mơ

Cơ sở nuôi dạy và hướng nghiệp trẻ khiếm thị Bừng Sáng là căn nhà cấp 4, 1 trệt, 1 gác lửng vỏn vẹn 40m2. Tuy nhỏ nhưng nơi đây đã trở thành mái ấm tình thương che chở, bảo bọc và chắp cánh cho những ước mơ của các em khiếm thị hơn 20 năm qua…

Chúng tôi ghé vào ngôi trường dành cho các em khiếm thị này đúng vào lúc thầy hiệu trưởng Nguyễn Tấn Huyến đang dạy các em học đánh đàn organ. Tuy đôi mắt không nhìn thấy được nốt nhạc, phím đàn, nhưng đôi tai và đôi tay của các em phản xạ cực kỳ nhạy, khéo léo và chính xác trên từng cung bậc.

Không chỉ vậy, các em còn chơi được một số loại nhạc cụ dân tộc khác như đàn tranh, đàn bầu… khá thuần thục. Khi chúng tôi đề nghị được thưởng thức âm nhạc dân tộc, bạn Trần Thúy Phượng (24 tuổi), hiện là sinh viên năm thứ 2 ngành xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn liền “trổ tài” với bài “Bà mẹ quê” (của nhạc sĩ Phạm Duy) bằng đàn tranh.

Đôi tay em lướt trên phím đàn khéo léo đến không ngờ, bản nhạc với những cung bậc trầm ấm, réo rắt lôi cuốn người nghe một cách lạ kỳ. Trong khi chúng tôi còn chưa hết thán phục trước năng khiếu âm nhạc của các em thì thầy Huyến còn cho biết thêm, một số em còn sử dụng được máy vi tính một cách thành thạo.

Để chứng minh điều này, thầy Huyến gọi em Võ Minh Thiện (19 tuổi) biểu diễn đánh một đoạn văn bản và truy cập các trang web. Em Thiện gõ phím nhanh như thể đôi tay có mắt. “Đừng xem thường các em này, tụi nó còn “chát” và “meo” nữa đó” - thầy Huyến cười sảng khoái.

Nơi chắp cánh những ước mơ ảnh 1

Thầy Nguyễn Tấn Huyến (bìa trái) cùng các học sinh khiếm thị trong buổi sinh hoạt văn nghệ mừng xuân Kỷ Sửu. Ảnh: LÊ ĐỨC CƯỜNG

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cơ sở nuôi dạy và hướng nghiệp trẻ khiếm thị Bừng Sáng do thầy Đào Khánh Trường (mất năm 2007) sáng lập vào năm 1986.

Bản thân bị mù bẩm sinh do căn bệnh đậu mùa, nhưng với tấm lòng nhân ái, đồng cảm với những người đồng cảnh ngộ nên thầy đã dành toàn bộ ngôi nhà riêng của mình tại số 266/5 Nguyễn Tri Phương, phường 4, quận 10 (TPHCM) làm nơi nuôi dạy các em khiếm thị có hoàn cảnh bất hạnh ở khắp mọi miền đất nước.

Buổi đầu thành lập chỉ có 5 em, đến nay số học sinh đã lên gần 40 em. Tại đây, các em được học văn hóa (từ lớp 1 đến lớp 5), học nhạc và học võ thuật. Sau khi học xong chương trình cấp 1, các em đều được gởi sang học cấp 2, 3 tại các trường đặc biệt dành cho học sinh khiếm thị.

Ý thức được hoàn cảnh éo le của mình nên các em học hành, luyện tập rất chăm chỉ và cũng đã đạt được những thành tích rất đáng khâm phục. Cụ thể, năm 2007 đội võ thuật của cơ sở Bừng Sáng giành vị trí hạng nhất toàn đoàn tại “Giải vô địch võ thuật người khiếm thị” do thành phố tổ chức. Năm 2008, đội văn nghệ cơ sở Bừng Sáng đoạt giải nhất “tam ca – tốp ca” tại cuộc thi văn nghệ “Ngày hội văn hóa – thể thao trẻ em khuyết tật lần thứ XII”, tổ chức tại TPHCM.

Hiện tại, chi phí mỗi tháng cho hoạt động của cơ sở lên gần 70 triệu đồng, đa phần do các mạnh thường quân đóng góp, phần khác lấy từ hoạt động massage (cơ sở đặt tại lô E, chung cư Ấn Quang, phường 9, quận 10). Tuy cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, khu vực ăn ngủ, học tập khá chật hẹp nhưng các em rất đoàn kết, thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau, tích cực giúp đỡ nhau trong sinh hoạt thường ngày cũng như trong học tập.

Hơn 20 năm qua, các thế hệ học sinh khiếm thị nối tiếp nhau trưởng thành và tự mưu sinh trong cuộc sống bằng chính nghị lực của mình. Có em tình nguyện ở lại “ngôi trường” nhỏ này để tiếp tục giúp thầy Huyến và các cô nuôi chăm sóc, dạy dỗ các em khiếm thị khác. Có em lập gia đình cuộc sống ổn định, em khác thì mưu sinh bằng việc chơi nhạc ở các quán ăn, nhà hàng, làm massage, nhiều bạn hiện đang theo học đại học.

Thầy Nguyễn Tấn Huyến tâm sự: “Tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu về một mô hình riêng dành cho học sinh khiếm thị để các em sau khi học xong đại học có thể học cao hơn nữa nếu đủ khả năng. Mong muốn thứ hai là được các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện xã hội quan tâm hỗ trợ nhằm giúp chúng tôi có điều kiện cải thiện cơ sở hạ tầng, trang bị học cụ để có thể tiếp nhận thêm nhiều các em khiếm thị hơn nữa”. 

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục