Nghĩa tình với Trường Sơn Tây

Nghĩa tình với Trường Sơn Tây
Các bác sĩ Việt Nam đang khám bệnh, phát thuốc cho bệnh nhân Lào. Ảnh: MINH SĨ

Các bác sĩ Việt Nam đang khám bệnh, phát thuốc cho bệnh nhân Lào. Ảnh: MINH SĨ

Nghĩa tình với Trường Sơn Tây ảnh 2

Sau khi tổ chức khởi công xây dựng “Trạm sơ cấp cứu” tặng Đồn Biên phòng SaLoong (Ngọc Hồi, Kon Tum), đoàn công tác “Nghĩa tình Trường Sơn” của Báo SGGP bắt đầu hành trình qua Lào ngay tại điểm giao nhau giữa hai tuyến đường mòn huyền thoại, Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây.

Đó là vị trí thuộc sân bay Bến Hét cũ của ngụy, nằm ven trục đường 14C. Tiễn đoàn qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Đại tá Vũ Đức Huy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Kon Tum, không khỏi lo lắng về thời tiết nên đề nghị công an nước bạn Lào dẫn đường một đoạn.

Quả đúng như nỗi lo của anh Huy, một cơn mưa rừng ập xuống, kéo theo khoảng 300m³ đất đá sạt lở lấp ngang đường đèo độc đạo, cách Việt Nam 52 km. Mọi việc tưởng như đã làm đảo lộn kế hoạch, nhưng với quyết tâm đến được với bệnh nhân nghèo Champasak (CHDCND Lào) đúng thời gian, chúng tôi vượt qua đoạn sạt lở bằng cách… leo. Khi qua đến được bên kia đoạn sạt lở thì hầu hết các y bác sĩ đều mệt nhoài, lấm lem bùn đất.

Cùng đi với đoàn, anh Võ Trường Sơn (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn HAGL) đã liên hệ địa phương, đưa 50 suất cơm hộp đến để chúng tôi… chống đói. Trong khi đó anh Nguyễn Thành Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cà phê Hương Việt, thì chỉ đạo nhân viên phối hợp với xe xúc, dùng xích sắt kéo chiếc xe màu xanh đặc thù mà Tập đoàn Mai Linh hỗ trợ chương trình, vượt qua đống bùn đất vừa được san ủi sơ sài.

Vượt qua cao nguyên Boloven ở độ cao 1.200m, đoàn đến được thị xã Pakse của tỉnh Champasak vào lúc 8 giờ tối. Đón đoàn như những người thân, anh Bùi Quang Hoàng (Tổng Lãnh sự Việt Nam tại vùng Nam Lào) và anh Đoàn Hữu Đấu (Chủ tịch Hội Người Việt tại Champasak) lập tức bố trí cho đoàn ăn cơm, chỗ nghỉ và bàn bạc chương trình khám chữa bệnh cho 1.000 bệnh nhân nghèo vào sớm hôm sau.

Đúng 7 giờ 30 sáng, UBND tỉnh Champasak và lãnh đạo sở y tế của địa phương này đã cử 15 y - bác sĩ Lào đến tham gia hỗ trợ phiên dịch cho đoàn. Các phòng học của Trường Tiểu học Hữu Nghị (do TPHCM xây tặng) được trưng dựng làm phòng nhận bệnh, phòng khám, phòng phát thuốc, phòng nha, phòng xét nghiệm…

Riêng khu vực khám phụ khoa, các y - bác sĩ được dành riêng một phòng kín đáo, có giường inox trên lầu 1. Do đã có chuẩn bị trước, các bảng chỉ dẫn và toa thuốc đều ghi 2 thứ tiếng Việt-Lào.

Bệnh nhân tên Nang Khai Phon là người “mở hàng” đầu tiên của ngày khám bệnh, đã vui vẻ thốt lên: “Mình đọc thì biết ngay liều dùng, cách thức uống thuốc, sử dụng viên đặt…. Bác sĩ bảo mình bị viêm phụ khoa, nên ngoài việc cho thuốc còn cho mình dung dịch vệ sinh nữa”.

Càng về trưa, bệnh nhân đến càng đông. Các tình nguyện viên của HAGL, Cà phê Hương Việt, CLB Y tế tình nguyện, Mai Linh… liên tục miệng nói, tay hướng dẫn (ra dấu)… để tiếp đón bệnh nhân. Anh Tuấn, lái xe Mai Linh cũng hăng hái phụ hướng dẫn bệnh nhân, khuân vác máy xét nghiệm đường… và tươi cười mỗi khi các cô gái Lào nói: “Khọp chay lai lai” (cám ơn rất nhiều - PV).

Gọi điện thoại về Việt Nam thông báo tình hình, ông Nguyễn Ngọc Hiếu (Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Mai Linh) vui mừng nói: “Trong kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi từng được nhân dân Champasak, Atôpư che chở khi vượt Trường Sơn Tây. Cám ơn Báo SGGP đã cho Mai Linh có cơ hội đóng góp công sức, nghĩa tình với bà con”.

Sau bữa ăn trưa vội vàng mà anh em ở chi nhánh Công ty CP Cà phê Hương Việt tại Lào mang đến “tiếp tế” chúng tôi tiếp tục công việc trong cái nóng hừng hực. Đến 15 giờ chiều thì mắt ai nấy đều đỏ hoe, chân mỏi dừ và tay bắt đầu căng cơ.

Đã đến lượt bệnh nhân thứ 1.000 vào khám mà số người đợi đến lượt vẫn còn đông. Có người đến khám bệnh tim mạch nhưng vẫn cố gắng xin nha sĩ… trám cho cái răng sâu. Nha sĩ Trần Thị Hương Giang và các cộng sự của chị làm việc không ngơi tay.

Chị An Thị Minh (Việt kiều) nói: “Tôi chỉ mong bác sĩ khám cho tôi rồi kê toa để tôi tự mua thuốc, vì kinh tế nhà tôi khá giả. Nhưng ở đây, bà con chỉ biết qua Thái Lan khám bệnh nếu bị bệnh nặng. Nghe bác sĩ đồng hương sang, tôi mừng lắm”.

17 giờ chiều, đoàn y bác sĩ Lào thống kê có khoảng 800 bệnh nhân đến khám bệnh, phát thuốc, nhưng do có bệnh nhân đến 2, thậm chí là 3 lần (để khám 2-3 chứng bệnh) nên con số cuối cùng mà phía Lào đếm được là 1.200 lượt bệnh nhân được thăm khám.

Tối hôm đó, những tấm bằng khen của UBND tỉnh Champasak, của Hội Người Việt tại Champasak đối với Báo SGGP, Tập đoàn HAGL (tài trợ chính), Công ty CP Cà phê Hương Việt (hậu cần), CLB Y tế tình nguyện TPHCM (chuyên môn), Tập đoàn Mai Linh (xe di chuyển)… đã làm cho đêm giao lưu trở nên ấm áp hơn.

Điệu Lăm vông và men bia Lào nồng say, làm cho Champasak-Trường Sơn Tây thêm gần lại với thành phố mang tên Bác Hồ.

Minh Anh - Minh Sĩ
Thực hiện video: Minh Sĩ

Tin cùng chuyên mục