Quán cơm nghĩa tình

Một phần cơm giá 5.000 đồng đang trở thành niềm vui với nhiều bà con lao động nghèo trong thời buổi khó khăn hiện nay. Phần cơm ấy được bán ở một quán nằm trên đường Ngô Gia Tự (đoạn phía trước Bệnh viện Đa khoa Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Quán cơm nghĩa tình

Một phần cơm giá 5.000 đồng đang trở thành niềm vui với nhiều bà con lao động nghèo trong thời buổi khó khăn hiện nay. Phần cơm ấy được bán ở một quán nằm trên đường Ngô Gia Tự (đoạn phía trước Bệnh viện Đa khoa Hội An, tỉnh Quảng Nam).

  • Công việc nghĩa tình

Anh Nguyễn Minh Hiếu, Chủ nhiệm CLB Ban Mai đồng thời quản lý quán cơm này, cho biết, tuy 11 giờ mới bắt đầu bán phiếu cơm nhưng từ 7 giờ mọi công việc bếp núc đã bắt đầu để chuẩn bị kịp cho 200 suất cơm. Địa điểm nấu nướng ban đầu là Trung tâm Bảo trợ xã hội, nhưng nay được chuyển đến nhà anh Hiếu cho tiện. Không muốn nói nhiều về mình, về CLB, anh Hiếu cho biết chỉ muốn làm gì đó để giúp người nghèo. “Ban đầu CLB Ban Mai thường đi thăm, tặng quà người nghèo, trẻ em khó khăn, sau đó với mong muốn làm điều gì đó có ích hơn, CLB nảy ra ý tưởng lập quán cơm giá rẻ” - anh Hiếu nói.

Tuy giá chỉ 5.000 đồng nhưng suất cơm khá tươm tất, thức ăn gồm các món mặn, canh, xào, rau và đồ tráng miệng được bày biện sạch sẽ. Các khâu chế biến thức ăn và phục vụ khách ăn được đảm bảo vệ sinh. Món mặn được luân phiên và thay đổi thường xuyên cho phù hợp với khẩu vị của thực khách như: thịt kho hột vịt, đậu hũ, sườn, gà, cá… Tuần đầu tiên, quán chỉ chuẩn bị 100 phần nên hết ngay. Số lượng tăng dần và hiện có hơn 200 suất/buổi.

Nhiều người nghèo đã có được bữa cơm đủ chất từ quán cơm 5.000 đồng. Ảnh: QUANG QUỲNH

Nhiều người nghèo đã có được bữa cơm đủ chất từ quán cơm 5.000 đồng. Ảnh: QUANG QUỲNH

10 giờ 30, các tình nguyện viên lại bắt đầu công việc quen thuộc của họ là giở cơm, soạn thức ăn vào thùng, chở đến phía trước Bệnh viện Đa khoa thành phố - nơi biết bao số phận kém may mắn đang chờ có được chút hơi ấm tình người từ việc làm nhân đạo cao cả của họ.

Người nhỏ thó, lọt vào đám khách mua cơm hối hả ấy, tay xách đến 10 hộp cơm, bà Nguyễn Thị Hạnh giải thích: “Mua giùm luôn mấy chị trong nhà, họ bán vé số ở xa, lát nữa về sợ hết cơm”. Theo quy định, mỗi người không mua quá 2 phiếu, nhưng có lẽ biết rõ hoàn cảnh bà Hạnh, nên nhóm đồng ý. Quê ở Bình Định, bà ra Quảng Nam bán vé số kiếm sống đã gần 6 năm nay. Bà và những người khác tém gọn cuộc sống trên căn gác gỗ nhỏ xíu của chủ đại lý vé số. Ăn vội hộp cơm rồi lại tất tả hòa vào dòng người xuôi ngược, rong ruổi đếm bước chân mình bởi những bước chân đó là sự sống cho cả nhà, là sách vở, học phí và tương lai cho con. Bà cười hiền: “Bớt đi chút miếng ăn ở phố xá này, tụi nhỏ không đóng học phí muộn”.

Ở quán cơm Ban Mai, những người phải tính toán chi li từng đồng cho bữa ăn như bà Hạnh lúc nào cũng có. Phần lớn những người đến đây là dân lao động, sinh viên nghèo và cả những cụ già, người tàn tật. Nhiều người dân nghèo đạp xích lô, bán vé số, hàng rong cũng ghé quán để thưởng thức bữa cơm trưa giá 5.000 đồng đầu tiên ở phố Hội và như là một cách để tiết kiệm trong cơn bão giá. Ông Nguyễn Văn Trình, quê Duy Vinh, Duy Xuyên, đang nuôi em trai bị tai nạn nằm ở Bệnh viện Đa khoa Hội An, cho biết: “Với mỗi suất cơm như ri ở các quán tôi phải trả 15.000 - 20.000 đồng, may mà có quán cơm ni, tôi tiết kiệm được hơn chục ngàn đồng phụ gia đình”. Ông Trình cũng là người khách quen thuộc của chương trình “Bát cháo tình thương” do CLB Ban Mai thực hiện vào tối thứ năm hàng tuần.

  • Những vòng tay nhân ái

Hiện CLB Ban Mai có 37 thành viên và gần 10 cộng tác viên, hầu hết là các bạn trẻ tình nguyện từ một số cơ quan, doanh nghiệp, có thời gian rảnh là tranh thủ tới quán phụ việc. Có bạn được bạn bè rỉ tai, cũng có bạn tới ăn một vài lần rồi tình nguyện ở lại phục vụ - tất cả đều muốn dành chút công sức để bữa ăn cho người nghèo thêm tươm tất.

Anh Nguyễn Mến, một thành viên của CLB có hoàn cảnh gia đình khó khăn, con anh đang bị bệnh, nhưng cứ thứ bảy hàng tuần là anh chở củi đến địa điểm nấu ăn. “Mình không có tiền để góp thường xuyên thì mình góp công, góp sức”, Mến chia sẻ. Còn với chị Đinh Thị Phương Thảo, việc may gia công đã chiếm hết thời gian, chị tranh thủ buổi trưa chạy ra phụ các bạn bán cơm. Thảo cho biết: “Có lúc cao điểm khách tới đông, tuy khá cực nhưng tụi em dặn dò nhau phải cư xử nhẹ nhàng, chu đáo, tôn trọng khách”.

Sau một thời gian ngắn hoạt động, quán đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, chung tay giúp đỡ từ các nhà hảo tâm. Ngoài sự đóng góp của mỗi thành viên (200.000 đồng/tháng), mỗi tháng CLB đón nhận sự hỗ trợ gần 5 triệu đồng của các mạnh thường quân. Chị Lê, chị Minh, tiểu thương chợ Tân An miễn phí toàn bộ gia vị; anh Văn kiến trúc sư lo phần gạo; có anh xe ôm, chị bán vé số góp thêm vài ngàn đồng. “CLB đang muốn mở 3 buổi/tuần, chỉ mong có thêm nhiều mạnh thường quân tài trợ kinh phí để mô hình quán 5.000 đồng ngày càng được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh”, anh Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ.

Khách đến dùng cơm tại đây phải xếp hàng mua phiếu mệnh giá 5.000 đồng rồi đến nhận suất cơm của mình. Đôi khi tình nguyện viên nới tay xới đĩa cơm thật đầy cho người ăn như đong thêm biết bao sự cảm thông và chia sẻ vào đó. Bà Trần Thị Hà, thường ăn ở quán cơm này, nói: “Quán cơm giá rẻ và các cháu phục vụ rất dễ mến, tận tình, cảm thấy ấm lòng lắm”. Những người bán cơm tình nghĩa ấy chưa để khách phải bụng đói ra về, ngay cả khi khách chỉ còn 2.000 đồng trong túi áo.

Hơn 12 giờ, quán cơm đã hết khách. Mọi người lục tục dọn dẹp. Nhóm tình nguyện viên cũng sắp chia tay, tụm lại chụp ảnh lưu niệm với những nụ cười lưu luyến tươi rói.

CLB Ban Mai (trực thuộc Hội LHTN TP Hội An) được thành lập vào đầu năm 2010 với 5 thành viên. Qua gần 3 năm, CLB đã tổ chức hàng trăm đợt tình nguyện; thăm hỏi, tặng quà người già, trẻ khuyết tật, bệnh nhân nghèo với tổng trị giá quà tặng hơn 200 triệu đồng. Hiện CLB nhận đỡ đầu 4 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn (mỗi em 400.000 đồng/tháng); phát miễn phí 350 suất cháo, sữa vào ngày thứ năm và 200 phần cơm giá rẻ vào trưa thứ bảy hàng tuần.

QUANG QUỲNH - NGỌC CHÂU

Tin cùng chuyên mục