Mang học bổng đến học sinh Trường Sa

Mang học bổng đến học sinh Trường Sa

Chương trình “Vững lòng biển đảo” của Báo Sài Gòn Giải Phóng

Mới đây, trong chuyến công tác cùng Hải quân ra thăm và tặng quà quân dân tại quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), chương trình “Vững lòng biển đảo” của Báo SGGP đã tặng cán bộ chiến sĩ các đơn vị đảo và nhà giàn 14 phần quà, trao 25 học bổng (1 triệu đồng/phần, trích từ Quỹ Chung tay vì bạn nhỏ biển đảo đến trường) giúp học sinh Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa và Trường Tiểu học xã Song Tử Tây.

Phụ huynh và các cháu học sinh tiểu học nơi đảo xa.

Đảo Trường Sa Lớn và đảo Song Tử Tây là 2 trong số các đảo đoàn đến thăm có trường tiểu học được xây dựng khang trang. Đặc biệt, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây được xây dựng từ nguồn kinh phí do Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vận động toàn ngành chung góp, thông qua chương trình “Một trường học cho học sinh Trường Sa”, phát động từ năm học 2012-2013.

Các giáo viên tình nguyện ra đảo như các thầy Đồng Minh Hiệp, Phạm Trung Việt, Lê Văn Mạnh, Lê Xuân Quyết là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, gieo mầm xanh, thắp ánh sáng kiến thức cho thế hệ tương lai trên đảo. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, các giáo viên không chỉ gieo chữ và kiến thức xã hội cho học sinh mà còn là nhịp cầu, truyền lửa tình yêu Tổ quốc cho thế hệ tương lai. Chứng kiến cảnh gần gũi giữa thầy và trò trên đảo, ai cũng hiểu rằng, chính tình yêu quê hương, biển đảo đã gắn kết mọi người như vậy. Các thầy giáo là thần tượng của các em nhỏ trên đảo. Ngày nghỉ, các em vẫn tíu tít bên thầy Đồng Minh Hiệp trên đảo Trường Sa. Thầy Hiệp cho biết, từ ngày có trường mới, thầy trò và quân dân trên đảo rất hạnh phúc vì học sinh được học trong ngôi trường tiện nghi không khác gì ở đất liền. Học sinh được trang bị đầy đủ từ cặp sách đến dụng cụ học tập. Các thầy thường xuyên tổ chức sinh nhật cho các em…

Tại đảo Song Tử Tây, hình ảnh các em nhỏ tung tăng vui đùa với các trò chơi trong khu vui chơi mới được tặng ở sân trường cho thấy các em hạnh phúc như thế nào. Tai 2 đảo, các lớp học đều là lớp ghép học sinh mầm non và tiểu học. Mỗi ngày các em học 2 ca. Ngoài giờ học chính, các em còn được giáo viên dạy kỹ năng giao tiếp, hoạt động ngoại khóa như đọc sách, lao động công ích, dọn dẹp vệ sinh giữ gìn lớp sạch đẹp... Các giáo viên ở đảo cũng kiêm luôn việc bổ túc kiến thức xã hội trong đất liền để khi có dịp thăm họ hàng, người thân trong đất liền các em không bị bỡ ngỡ, khác biệt. Ở đảo, trẻ em từ nhỏ đến lớn đều dạn dĩ, thuộc từng ngõ ngách trên đảo, rất cởi mở, thân thiện và hiếu khách. Các đoàn đến thăm, muốn đi tham quan đảo hoặc hỏi đường, các em luôn nhiệt tình hướng dẫn rất tỉ mỉ. Sự hồn nhiên, cởi mở của trẻ em trên đảo dễ chiếm cảm tình của khách, cũng đủ thấy tình cảm của các em đối với nơi mình sinh sống như thế nào. Ở đảo, các gia đình sống gần nhau, ngoài tình làng nghĩa xóm còn là tình thân gia đình. Mỗi khi ai đau ốm, bận hoặc nhà có việc cần đều được mọi người chia sẻ…

VIỆT NGA

Tin cùng chuyên mục