Khi nhà báo âm thầm làm từ thiện

…Vài ngày sau khi bài báo Vợ chết, con thơ, nhà thiếu nợ đăng trên trang Nhịp cầu nhân ái Báo SGGP, bạn đọc đã đến chung góp 50 triệu đồng giúp bà Nguyễn Thị Hà và 3 đứa cháu ngoại thơ dại mồ côi mẹ. Trong số những người ủng hộ có cả các biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên của Báo SGGP. Ban Chương trình Xã hội của báo đã liên lạc với Đào Thụy, biên tập viên Báo SGGP, cũng là người phát hiện hoàn cảnh ngặt nghèo của bà cháu bà Nguyễn Thị Hà.
Khi nhà báo âm thầm làm từ thiện

…Vài ngày sau khi bài báo Vợ chết, con thơ, nhà thiếu nợ đăng trên trang Nhịp cầu nhân ái Báo SGGP, bạn đọc đã đến chung góp 50 triệu đồng giúp bà Nguyễn Thị Hà và 3 đứa cháu ngoại thơ dại mồ côi mẹ. Trong số những người ủng hộ có cả các biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên của Báo SGGP. Ban Chương trình Xã hội của báo đã liên lạc với Đào Thụy, biên tập viên Báo SGGP, cũng là người phát hiện hoàn cảnh ngặt nghèo của bà cháu bà Nguyễn Thị Hà.

Đoàn công tác của Báo SGGP chuyển sữa hộp phát tặng bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (Ảnh: VIỆT NGA)

Được báo tin, Thụy mừng rỡ chia sẻ luôn: “Mình đã vận động bạn bè thân thiết và người quen được hơn 10 triệu đồng nữa. Gia đình cũng báo đã được nhiều nhà hảo tâm trực tiếp đến giúp gần 50 triệu đồng. Phải làm thế nào đây để số tiền này được sử dụng hiệu quả nhất?”. Đào Thụy đề xuất nhiều phương án như bàn với gia đình bà Hà để xây nhà cấp 4 giúp 3 đứa trẻ có chỗ nương náu nắng mưa, rồi mở sổ tiết kiệm dành lo các bé ăn học những ngày tới. Không chỉ đưa thông tin hoàn cảnh ngặt nghèo cần giúp đỡ đến bạn đọc, phóng viên còn quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả số tiền mà bạn đọc đã tin tưởng ủy nhiệm cho báo. Với trách nhiệm của mình, Ban Chương trình Xã hội đã đến thăm, trao tiền tận tay bà ngoại và bố của 3 cháu bé, cùng lời hẹn sẽ quay trở lại thăm các bé khi căn nhà mới hoàn thành.

Trên đây là một trong nhiều trường hợp, những người viết báo ở Báo SGGP cùng lúc với việc tác nghiệp báo chí hàng ngày, đã âm thầm bền bỉ, trực tiếp tham gia các hoạt động từ thiện và cộng đồng. Như trước đó, một nữ phóng viên Báo SGGP đã vận động bạn bè được 80 triệu đồng, tặng học bổng giúp 65 sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Không chỉ là vật chất, lâu nay, nữ phóng viên này vẫn tận tình hướng dẫn nghề, trong đó có nghề báo, giúp một số sinh viên mới ra trường. Người làm báo, cứ ngỡ chỉ cần làm tốt nhiệm vụ của mình là đủ, nhưng không chỉ vậy, bằng nhiều cách khác nhau, với “cái đầu sáng và trái tim ấm”, họ đã khiến xã hội thêm trân trọng nghề nghiệp của mình.

Lại có nhiều phóng viên trẻ của Báo SGGP, dù không trực tiếp làm nhiệm vụ tuyên truyền về con người và hoạt động từ thiện xã hội, nhưng không ít lần đứng ra kết nối, vận động nơi này, thuyết phục nơi kia, khi thì giúp bệnh nhi nghèo có thêm tiền trị bệnh hiểm nghèo, khi thì chạy đôn đáo xin học phí dài hạn giúp các bé mồ côi đến trường. Nhớ lại cách một phóng viên nữ kiên nhẫn trình bày hoàn cảnh của các cháu, thuyết phục sự chung tay của các tổ chức từ thiện, tự mình đưa những em bé tật nguyền đi khám và điều trị bệnh, chúng tôi thấy hình ảnh người phụ nữ bao bọc lấy những đứa trẻ tội nghiệp bằng tình thương của người mẹ.

Hơn 120 triệu đồng do bạn đọc Báo SGGP giúp đỡ đã được chuyển đến gia đình của những thiên thần nhỏ này. Ảnh: Võ Thắm

“Có lúc, em chỉ ước sao mình có đủ điều kiện để lo lắng và bảo bọc được hết mấy đứa nhỏ đáng thương này. Thôi thì em chỉ biết ráng hết sức mình, tranh thủ tất cả những nơi mình quen biết để giúp được tụi nhỏ càng nhiều càng tốt”, nữ phóng viên nói trên rưng rưng tâm tình như thế, khi xảy ra trường hợp đã cố hết sức mà một cháu bé vẫn không thể vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.

Bên cạnh đó còn có không ít những người làm báo và viết báo ở Báo SGGP đã âm thầm gắn bó với công tác xã hội từ thiện, ngoài trách nhiệm thông tin tuyên truyền. Rất nhiều cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cả họa sĩ trình bày, nhân viên kế toán, văn phòng… của Báo SGGP vẫn thường xuyên trực tiếp đóng góp giúp những Hoàn cảnh cần giúp đăng mỗi tuần trang Nhịp cầu nhân ái của Báo SGGP. Có người, cứ đến kỳ lương, là có mặt ở Phòng tiếp nhận từ thiện, đều đặn gửi giúp người cơ nhỡ, bệnh nặng … 1 triệu đồng/tháng, đến nỗi người trực quen thuộc nên cứ đến ngày là ghi sẵn phiếu thu. Có người mỗi tháng đều góp một số tiền mà chị chia sẻ là của con trai nhỏ tiết kiệm tiền quà. Có người thầm lặng góp thêm mươi thùng sữa nhân dịp Báo SGGP tổ chức tặng quà trung thu, quà tết trẻ em vùng xa… Có người thuyết phục thế nào cũng không cho ghi phiếu thu, mà dặn để riêng số tiền nhỏ của chị để giúp những người cơ nhỡ chẳng may không đủ điều kiện hay giấy tờ đáp ứng yêu cầu về thủ tục.

Còn nhiều, rất nhiều những tấm lòng như thế. Đó không chỉ là san sẻ tình thương với những mảnh đời khó khăn mà còn là niềm tin đối với những người làm nhiệm vụ thông tin, kết nối và chuyển tiền. Điều đó khiến chúng tôi, những người đang được tin cậy ủy nhiệm làm công việc này tự thấy phải có trách nhiệm hơn nữa trước tấm lòng vàng của bạn đọc gần xa của Báo SGGP.

LÊ NHUNG

>> Vợ chết, con thơ, nhà thiếu nợ

>> Vụ 3 bé mồ côi ở Đồng Nai: Bạn đọc giúp hơn 120 triệu đồng

Tin cùng chuyên mục