Xóa cầu khỉ, mở đường nông thôn

Xóa cầu khỉ, mở đường nông thôn

Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Bến Tre

Cây cầu bê tông cốt thép thứ 1.897 và 238,3km đường lộ bê tông hoặc trải nhựa vừa hoàn thành ở nhiều vùng nông thôn từ Nam ra Bắc, với tổng chi phí hơn 500 tỷ đồng. Đó là thành quả 16 năm liên tục phấn đấu của tập thể Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Bến Tre cùng hàng ngàn tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm chung tay góp chi phí xây dựng.

Năm 2001, ông Trịnh Văn Y, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre, về hưu và bắt tay ngay vào việc chuẩn bị thành lập Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Bến Tre, một tổ chức chuyên ngành đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ông Y bồi hồi nhớ lại: “Sau chiến tranh, quê hương bị tàn phá dữ dội, những con đường lầy lội và tăm tối, kênh rạch chằng chịt gây khó bà con khi đi lại sinh sống làm ăn. Tôi thấy việc đầu tiên cần làm là giao thông phải thông suốt, tôi quyết tâm làm dù trong tay lúc ấy hầu như chẳng có gì cả”.

Bên cạnh cầu bê tông mới xây xong, bà con Bến Tre vẫn giữ cây cầu khỉ như một kỷ niệm

Hội khởi đầu với hơn 20 cán bộ hưu trí có cùng tâm huyết xóa cầu khỉ, mở đường nông thôn thông xe vùng sâu vùng xa. Ý tưởng đầy tâm huyết đó đã được sự hưởng ứng thiết thực của bà con và chính quyền địa phương, nhất là rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm chung tay đóng góp chi phí xây dựng. Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải Bến Tre bấy giờ cho “mượn đỡ” 100 triệu đồng làm kinh phí hoạt động ban đầu, cùng với căn phòng mà sở này chưa có nhu cầu sử dụng. Năm 2003, cầu Trường Học ở xã Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) do hội lần đầu tiên thiết kế và vận động kinh phí xây dựng đã được hoàn thành trong sự vui mừng khôn xiết của bà con.

Vậy là đã 16 năm trôi qua, hội luôn tuân thủ phương châm tự khảo sát thực địa, tự thiết kế, tự kêu gọi tài trợ kinh phí xây dựng, chủ động cử kỹ sư giám sát thi công nghiêm ngặt đến khi nghiệm thu công trình, đưa vào sử dụng mới hết trách nhiệm. Tiếng lành ngày càng đồn xa, nhiều nhà tài trợ các dự án xây dựng mới cầu đường nông thôn, cả trong và ngoài nước, mời hội đứng ra tư vấn thiết kế xây cầu đường nông thôn tại nhiều địa phương, ra tận Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Trị...

Hiện số thành viên của hội đã lên đến 485 người, trong đó hơn 70% người trình độ kỹ sư chuyên ngành trở lên. Đặc biệt, hội có hẳn Trung tâm Tư vấn cầu đường với hơn 30 kỹ sư giàu kinh nghiệm. Ông Y cho biết: “Nhân viên, đặc biệt là các kỹ sư của chúng tôi làm việc gần như gấp đôi. Số là mình làm việc miễn phí và đảm bảo chất lượng công trình, nên nhiều địa phương đã mời hội tham gia luôn các công trình do Nhà nước đầu tư. Vậy là trong khi vẫn thực hiện thiết kế, kêu gọi nhà tài trợ miễn phí, chúng tôi có thu phí đối với các công trình được mời. Và quan trọng hơn, đó là tinh thần đóng góp hội phí của hội viên rất nghiêm túc, cá nhân 60.000 đồng/năm, tổ chức thì 2 triệu đồng/năm”.

Hội còn là nơi thu hút nhiều kỹ sư mới ra trường. Kỹ sư Nguyễn Văn Khảm thiệt tình nói: “Tôi là dân Bến Tre, sinh ra ở Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Biết phương châm của hội là xóa cầu khỉ, đường đất sình lầy ở nông thôn nên quyết tâm tham gia ngay khi mới ra trường. Bao năm làm, giúp tích lũy kinh nghiệm qua từng công trình khó khăn, rồi thu nhập cũng khá dần lên. Tôi cảm thấy mình đúng khi chọn tham gia công việc ở đây”. Được biết, có một số kỹ sư do hội đào tạo, học liên thông từng bước đi lên từ trung cấp, cao đẳng. Kỹ sư trẻ 33 tuổi Huỳnh Học Kỳ bồi hồi: “Hồi học xong trung cấp kỹ thuật xây dựng cầu đường, đi làm vài chỗ, lương cũng đỡ, nhưng có lần giao lưu với hội, tôi cảm thấy thú vị nên xin gia nhập. Các chú ở hội đã tận tình dìu dắt, động viên tôi vừa làm vừa học xong khóa đại học chuyên ngành. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc ở môi trường như vậy”.

Nói về hội, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bến Tre, khẳng định, những đóng góp của hội cho sự nghiệp phát triển ngành giao thông nói chung của tỉnh Bến Tre là rất nhiều, đặc biệt quan trọng trong việc xóa cầu khỉ ở nông thôn. Trong tổ chức, hội xứng đáng là hội sự nghiệp gương mẫu trong vấn đề tự chủ kinh phí. Có thể nói, lực lượng kỹ sư, chất lượng công trình của hội từng bước có sự tiến bộ đáng kể, luôn giành được tín nhiệm cao của các chủ đầu tư ở Bến Tre và nhiều nơi khác.

PHƯỢNG VĨ

Tin cùng chuyên mục