Nhớ đồng chí Lê Duẩn

Nhớ đồng chí Lê Duẩn

Mới đấy mà đã 20 năm Anh Ba về với Bác Hồ, và chỉ sang năm, chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Anh, nhà yêu nước và người chiến sĩ cộng sản với trọn vẹn ý nghĩa cao đẹp của danh hiệu cao quý ấy. Nhớ Anh, nhân dân cả nước, và trước hết là bà con, cô bác ở miền Nam, nhớ người con vĩ đại của nhân dân, người đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được Bác Hồ trao cho: giải phóng miền Nam, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhớ đồng chí Lê Duẩn ảnh 1
Đồng chí Lê Duẩn báo cáo tình hình cách mạng miền Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1957. Ảnh: TƯ LIỆU

Nhớ Anh Ba Duẩn, tôi nhớ tác giả của bản “Đề cương Cách mạng miền Nam” ra đời cách đây đúng 50 năm. Bản “Đề cương cách mạng” ấy được viết trong những năm cuộc đấu tranh quyết liệt của nhân dân miền Nam cho hòa bình, thống nhất đất nước theo Hiệp định Genève đã chịu tổn thất nghiêm trọng, được hoàn thành tại cơ quan của Xứ ủy Nam bộ, giữa thành phố Sài Gòn lúc ấy là nơi đặt bộ chỉ huy tại chỗ của bộ máy chiến tranh xâm lược.

Năm mươi năm đã trôi qua, thời gian giúp làm sáng tỏ tầm vóc của sự kiện lịch sử ấy. Anh Ba Duẩn, sau khi cùng Trung ương Cục hoàn thành nhiệm vụ do Bác Hồ và Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng ủy nhiệm, giải thích cho Đảng bộ và nhân dân miền Nam hiểu rõ chủ trương của Trung ương, tổ chức chuyển quân tập kết, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài sau Hiệp nghị Genève, đã thiết tha xin Bác và Trung ương ở lại cùng với Đảng bộ và nhân dân miền Nam.

Đó là tâm nguyện của trái tim người yêu nước sâu sắc và người lãnh đạo đập cùng nhịp với nhân dân mình, chia sẻ nỗi đau và niềm uất hận với đồng chí, đồng bào ở chính nơi nước sôi lửa bỏng quyết liệt nhất. Đó là ý định của bộ óc sáng suốt và nhạy bén với thời cuộc, hiểu thấu được tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh và cục diện chính trị nước nhà nằm trong cục diện chính trị quốc tế. Câu nhắn gửi nhờ thưa với Bác xin hẹn gặp lại Bác và các anh trong Bộ Chính trị chừng phải quãng hai mươi năm sau, đã nói lên tầm nhìn và ý chí cách mạng của một người đứng đầu xứ ủy hiểu rõ trách nhiệm của mình với dân, với Đảng. “Đề cương Cách mạng miền Nam” được viết nên bởi trái tim ấy, khối óc ấy, trong bối cảnh ấy. Chính vì thế, mỗi ý tứ trong “Đề cương” cháy bỏng ngọn lửa cách mạng và ấm nóng hơi thở của nhân dân quần chúng trong cuộc chiến đấu một mất một còn trước âm mưu nham hiểm và sự đàn áp tàn khốc của kẻ thù.

1. Tôi luyện trong cuộc chiến đấu bẻ gẫy xiềng xích nô lệ


Tôi tìm hiểu và được biết đồng chí Lê Duẩn thuộc lớp cộng sản đầu tiên, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, năm 1928 tham gia Hội Thanh niên Cách mạng và năm 1930 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi đang hoạt động với trách nhiệm một Ủy viên Ban Tuyên huấn của Xứ ủy Bắc kỳ, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, bị kết án 20 năm tù cấm cố, qua các nhà tù Hà Nội, Sơn La rồi Côn Đảo. Người cộng sản kiên trung ấy đã biến nhà tù thành trường học theo đúng ý nghĩa của nó. Đồng chí vừa học những tác phẩm lý luận của C.Mác, của Lênin mà cơ sở của ta tìm cách chuyển vào, vừa là người truyền đạt tinh thần cơ bản của lý luận ấy cho các đồng chí của mình. Sau này, tôi có dịp được nghe những đồng chí tù Côn Đảo trở về nói lại với sự khâm phục trí tuệ và bản lĩnh của Lê Duẩn qua những bài thuyết trình về lý luận mà các đồng chí ấy được nghe. Năm 1936, trong bối cảnh mới, kẻ thù buộc phải trả tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng, trong đó có Lê Duẩn.

Vừa ra khỏi nhà tù của thực dân, Lê Duẩn sáp vô ngay những hoạt động sôi nổi và quyết liệt của phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Với trách nhiệm là Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí góp phần quan trọng đưa tới cao trào đấu tranh trên cả nước. Năm 1939, đồng chí sát cánh cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị và tiến hành Hội nghị lần thứ VI của Trung ương, quyết định thành lập Mặt trận Phản đế, chuyển hướng cuộc đấu tranh sang một giai đoạn mới. Phong trào đang có những chuyển biến mạnh, thì năm 1940 đồng chí lại bị địch bắt tại Sài Gòn, kết án 10 năm tù và đày ra Côn Đảo. Lại 5 năm nữa đồng chí biến nơi tù đày thành nơi học tập, rèn luyện cho mình và cho các đồng chí nhằm chuẩn bị cho những nhiệm vụ sau này. Đã có rất nhiều chuyện cảm động về những tấm gương kiên trung, bất khuất và tinh thần hy sinh cao cả của những người cộng sản, những người yêu nước, với những kỷ niệm thiêng liêng giữa họ và đồng chí Lê Duẩn. Trí tuệ và khí phách ấy sẽ có dịp phát huy trong những thử thách mới, trên những cương vị mới, khi thế lực thực dân phản động tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nhằm đặt lại ách thống trị, xóa bỏ những thành quả mà nhân dân ta vừa giành được bằng Cách mạng Tháng 8, năm 1945.

2. Sức tỏa sáng của ngọn đèn “hai trăm nến” trong cuộc kháng chiến 9 năm

Lớp cán bộ thế hệ chúng tôi, những người được ghé vai cùng gánh vác sự nghiệp kháng chiến 9 năm ở Nam bộ thường hay nói với nhau: Cụ Hồ quả có tầm mắt lãnh tụ cực kỳ sáng suốt khi trao trọng trách cho Anh Ba Duẩn thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc chiến đấu không cân sức giữa trùng vây của kẻ thù trên một chiến trường ở xa Trung ương. Đành rằng có Xứ ủy và rồi Trung ương Cục, sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng tập hợp dưới ngọn cờ của Đảng, song người đứng mũi chịu sào, bộ óc của cuộc chiến đấu ấy, có ý nghĩa quyết định.

Anh Ba Duẩn quả đúng là người đã thấu hiểu được tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ, thực hiện một cách xuất sắc sứ mệnh được Bác Hồ và Trung ương ủy thác. Ở tầm nhìn của một người lãnh đạo vượt cao hẳn lên, Anh Ba phân tích tình hình, tổ chức và chỉ đạo lực lượng cách mạng. Thời kháng chiến 9 năm ở Nam bộ, mọi người thường gọi Anh là “ngọn đèn hai trăm nến”. Nhưng anh Ba không chỉ tự mình chiếu sáng, mà có nguồn phát quang vô tận là sự gắn bó máu thịt với nhân dân, lắng nghe, học hỏi, phát huy trí tuệ và sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân.

Người có con mắt nhìn xa trông rộng với sức tỏa sáng kỳ diệu ấy là người có tấm lòng nhân ái thiết tha với nhân dân. Anh Ba gần gũi thân thiết và chân thành với bà con, cô bác từng cưu mang đùm bọc, chở che cho cách mạng. Biết Anh là người gánh vác trọng trách của Đảng, song các má ở các cơ sở mà Anh thường qua lại vẫn thân thiết xưng hô như với con em trong nhà. Đây chính là động lực thôi thúc Anh Ba sau này, khi xin với Bác, với Trung ương được ở lại miền Nam, chung lưng, đấu cật với nhân dân trong cuộc chiến đấu mà Anh biết rõ rằng sẽ vô cùng gian lao, quyết liệt và lâu dài.

Anh Ba Duẩn là người đã lãnh đạo xóa bỏ tô tức, tạm cấp lại ruộng đất cho nông dân Nam bộ một cách nhẹ nhàng, đầy sáng tạo, không gây xáo động mà tạo thêm phấn khởi cho mọi tầng lớp ở nông thôn, phát huy lòng yêu nước của những người điền chủ sẵn sàng hiến điền và ủng hộ hoặc tham gia kháng chiến. Người điền chủ lớn ở Rạch Giá hiến toàn bộ gia sản rồi đi cùng kháng chiến là ông bà Huỳnh Thiện Lộc. Từ thời đó đến nhiều năm về sau, anh Ba vạch rõ rằng lực lượng chủ yếu, có lòng yêu nước, có nguồn lực, có hiểu biết và kinh nghiệm để phát triển nông nghiệp và nông thôn chính là trung nông, mà Anh cho là nhân vật trung tâm ở nông thôn.

Anh Ba Duẩn rất quan tâm và dành nhiều tâm trí chỉ đạo xây dựng lực lượng ở đô thị, có lúc dâng thành cao trào ở Sài Gòn và các thành thị Nam bộ, đặt niềm tin rất cao, rất vững vào lòng yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân thành thị, công nhân, thanh niên, sinh viên, học sinh, tiểu chủ, tiểu thương, chủ doanh nghiệp, cả một bộ phận công chức, quân nhân trong hàng ngũ đối phương.

Anh Ba Duẩn có sức hấp dẫn và chinh phục tuyệt vời đối với các nhà trí thức, các vị nhân sĩ, các vị đứng đầu các tôn giáo, các giáo phái. Anh Phạm Ngọc Thuần từng kể: “Tôi theo cách mạng hồi đó chỉ vì tình cảm chứ không phải lý trí. Không phải là được giác ngộ mà là từ cái nhục mất nước, từ sức hút về nhân cách và tình cảm chân thành của Anh Ba Duẩn”.

Không chỉ một trí thức Phạm Ngọc Thuần. Nhiều nhân sĩ trí thức khác cũng đến với cách mạng theo nhiều cách tương tự. Họ được thuyết phục bởi Anh Ba Duẩn, bằng lẽ phải, bằng lòng tin chân thành, thật sự kính trọng trí thức và thật lòng trọng dụng đội ngũ những người tiêu biểu này. Anh Ba hiểu rõ vai trò và sức mạnh của họ trong khối đại đoàn kết dân tộc, nhân tố quyết định của kháng chiến.

Người lãnh đạo phong trào đã cảm hóa và quy tụ được vào đội ngũ kháng chiến những tên tuổi tiêu biểu trong đội ngũ trí thức Sài Gòn và Nam bộ, những người đứng đầu các giáo phái, đặt họ vào những trọng trách để họ thật sự được phát huy uy tín và khả năng, góp phần vào cuộc kháng chiến Nam bộ. Chúng tôi thường bàn với nhau về cách Anh Ba Duẩn bố trí cán bộ, sử dụng trí thức, nhân sĩ và tạo được mối quan hệ chân tình giữa họ với Anh Ba và với tổ chức. Mối quan hệ thân thiết giữa Anh Ba với cụ Cao Triều Phát, một đại điền chủ, một nhân sĩ tiết tháo được mời giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Nam bộ, cách ứng xử của Anh Ba với tướng Nguyễn Bình, người được Bác Hồ cử vào Nam đảm đương trọng trách về quân sự là những ví dụ tiêu biểu. Đấy là những bài học thấm thía đối với mỗi chúng tôi.

3. “Đề cương Cách mạng miền Nam” và con đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Năm mươi năm nhìn lại và suy ngẫm, càng thấu hiểu ý nghĩa lớn lao và phẩm cách cao cả của nhà yêu nước và nhà hoạt động cách mạng Lê Duẩn với quyết định xin ở lại miền Nam sau khi đã hoàn thành những nhiệm vụ mà Bác Hồ và Trung ương giao cho sau Hiệp nghị Genève. Chiếc tàu áp chót neo đậu ở thị trấn Sông Đốc, Cà Mau, Anh Ba lên tàu như người đi tập kết để che mắt kẻ thù, đến nửa đêm, Anh bí mật rời tàu, quay trở lại. Trong hồi tưởng, tôi rất xúc động và cảm phục khi nghĩ về sự kiện lớn lao đó.

Nhớ đến Anh, người đã hoàn thành một cách xuất sắc quyết tâm sắt đá của Bác Hồ và Đảng ta, đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam đến thắng lợi trọn vẹn, đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Càng ngẫm nghĩ, tôi càng kính phục đôi mắt thiên tài về con người – sự nghiệp cách mạng và quyết định cực kỳ sáng suốt của Bác Hồ kính yêu, một lần nữa trao trách nhiệm lớn lao cho Anh Ba Duẩn. Về sau này, tôi lại có dịp hiểu thêm khi Người quyết định cử anh Nguyễn Chí Thanh, thay mặt cho Bác, cho Anh Ba Duẩn và Bộ Chính trị vào cùng Trung ương Cục chỉ đạo cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân miền Nam lần thứ hai.

Khi anh Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời, tôi thấu hiểu sự mất mát quá lớn của Đảng mà trực tiếp lúc bấy giờ là cách mạng miền Nam, mất đi một bộ óc chiến lược tầm cỡ, một con người kiên cường với khí phách “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”, bằng trực diện chiến đấu và dám đánh, dám tiến công mở đường tìm ra cách đánh thắng một kẻ thù có tiềm lực quân sự hơn ta gấp trăm nghìn lần, lại chưa từng nếm mùi thất bại.

Tinh thần tiến công cách mạng, ý chí kiên cường, không mơ hồ về “cam kết của kẻ thù” thi hành Hiệp định Genève, hai năm tổng tuyển cử để “hòa bình thống nhất đất nước” chính là thể hiện ý chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi sau khi Hội nghị Genève được ký kết: “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng” cho nên, Người chỉ rõ: “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ”. Thấm nhuần tinh thần đó, “Đề cương Cách mạng miền Nam” được đồng chí Lê Duẩn hoàn thành vào tháng 8 năm 1956 ngay tại Sài Gòn, ở số nhà 29 đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1 Sài Gòn, nay là TPHCM.

Để bắt tay vào khởi thảo “Đề cương”, Anh Ba đã lăn lộn cùng đồng chí, đồng bào, từ ĐBSCL, thành phố Sài Gòn và miền Đông Nam bộ. Hiểu thấu nỗi đau của sự tổn thất quá lớn phải chịu đựng trước thủ đoạn tàn khốc của kẻ thù, thông cảm với nguyện vọng và ý chí chiến đấu của nhân dân, Anh cảm nhận được chủ trương ban đầu không còn thích hợp, ý tưởng định hình trong bộ óc lớn ấy hiện thành câu chữ của “Đề cương”: “Trong hoàn cảnh đó, nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ – Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác”.

Sau này được đọc lại Nghị quyết Hội nghị TƯ lần thứ XV năm 1959, tôi thấy rõ những ý tưởng cơ bản của “Đề cương Cách mạng miền Nam” được thể hiện rất nổi bật trong Nghị quyết ấy. Đã có những công trình nghiên cứu so sánh từng câu, từng đoạn trong “Đề cương” và trong “Nghị quyết XV” mà khi được đọc, tôi càng hiểu rõ hơn tầm vóc của tư duy Lê Duẩn, người thật sự thấm nhuần và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong chỉ đạo thực tiễn.

Cũng phải nói thêm rằng, tuy “Đề cương” hoàn thành vào tháng 8 năm 1956, nhưng nó được hình thành dần trong tập kết chuyển quân và nhất là sau khi kết thúc chuyển quân từ mùa khô 1955. Đó là thời gian Anh Ba tiếp cận ngay tình hình, nhất là lòng dân, ý dân qua nhiều địa phương ở ĐBSCL. Đó cũng là thời gian địch gây ra những vụ đàn áp đẫm máu các cuộc đấu tranh của đồng bào ở Chợ Được Vĩnh Trinh (Khu 5), Mỏ Cày (Bến Tre), Vĩnh Xuân (Vĩnh Long)… Đề cương được thảo luận kỹ trong Hội nghị Xứ ủy mở rộng tháng 12 năm 1956 và mấy tháng đầu năm 1957 ở Phnôm Pênh, là một điểm tựa cơ bản, trở thành cái khung để hình thành Nghị quyết TƯ lần thứ XV, nhưng quá trình thảo luận và thông qua Nghị quyết ấy có nhiều ý kiến khác nhau do tình hình trong nước, quốc tế biến chuyển không ngừng.

Hội nghị lần thứ XV của BCHTƯ khóa II đã phải tiến hành 2 đợt. Đợt 1, từ ngày 12 đến ngày 22 tháng 1 năm 1959. Đợt 2, từ 10 đến 15 tháng 7 cùng năm ấy. Trước khi Hội nghị TƯ họp, đã có mấy lần họp Bộ Chính trị để chuẩn bị dự thảo báo cáo trình Hội nghị TƯ.

Là người hiểu rõ tình hình miền Nam, là tác giả của “Đề cương Cách mạng miền Nam”, lại là người được Bác Hồ giao trách nhiệm cao trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư , song Anh Ba kiên trì lắng nghe và thúc đẩy các cuộc trao đổi ý kiến để đạt được sự nhất trí cao trong cơ quan lãnh đạo của Đảng, tiến tới ra được Nghị quyết XV. Tôi được nghe hai anh Phạm Văn Xô và Phan Văn Đáng trực tiếp kể rằng: hai anh không thể ở lại quá lâu tại miền Bắc, nên Anh Ba Duẩn đồng ý cho hai anh về miền Nam trực tiếp chỉ đạo phong trào. Trước khi hai anh về, Anh Ba đề nghị để các anh vào chào Bác. Bác chủ động hỏi: “Các đồng chí về trong tay không có gì phải không?”. Rồi Bác bảo cấp Xứ ủy là lớn, không chỉ chịu trách nhiệm với Trung ương mà phải chịu trách nhiệm về sự còn mất của phong trào cách mạng, không thể để dân, lực lượng cách mạng bị tổn thất. Khi về hai anh nói lại với Anh Ba, Anh rất xúc động và vui mừng, vì biết được là Bác Hồ đã thấu hiểu nguyện vọng sâu xa và đòi hỏi bức xúc của miền Nam; tuy nhiên Bác chưa muốn nói ra ngay trong các cuộc họp của Bộ Chính trị, Người còn muốn lắng nghe cho hết ý kiến của mọi người.

Tấm lòng của Bác đối với miền Nam, những quyết định sáng suốt của Bác đã rọi ánh sáng vào Nghị quyết XV, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho anh Ba Duẩn. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Tư lệnh tối cao của chiến tranh nhân dân là BCT Trung ương Đảng, sau khi Bác Hồ qua đời, anh Ba Duẩn là người đứng đầu.

Anh đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao ở cả hai miền Nam Bắc và trên mặt trận quốc tế, trong từng bước, trực tiếp đề xuất rất kịp thời từ những chủ trương lớn đến những biện pháp cụ thể, nhất là trong những bước ngoặt của chiến tranh.

Tôi muốn đặc biệt nhắc lại mấy cột mốc lớn thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo sáng suốt của ý chí cách mạng và bản lĩnh tuyệt vời của anh Ba Duẩn.

- Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 đồng loạt đánh vào các cơ quan đầu não của địch, đặc biệt ở Sài Gòn, trong đó đánh thẳng vào Tòa Đại sứ Mỹ và hàng chục thành phố miền Nam là một đòn chiến lược bất ngờ làm chấn động cả nước Mỹ, đưa thực tế của chiến tranh vào từng gia đình Mỹ, vang vọng rộng lớn, sâu xa trên thế giới, thúc đẩy phong trào nhân dân các nước ủng hộ VN chống Mỹ, cứu nước, giáng rất nặng vào ý chí của lực lượng xâm lược, chuyển hẳn lợi thế so sánh về chính trị sang thế có lợi nhất về phía VN, buộc Mỹ xuống thang, tạo lợi thế cho ta trên bàn đàm phán

- Với ý chí sắt đá, tư tưởng tiến công của Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn, chúng ta kịp thời tập trung quân chủ lực, mở chiến dịch Đường 9 Nam Lào, rồi chiến dịch Quảng Trị thu hút quân Mỹ và chủ lực ngụy, tạo cho chiến trường Khu 5 và Nam bộ phát triển.

- Thất bại liên tiếp, cuối năm 1972, Mỹ tập trung không lực, suốt 12 ngày đêm đánh phá dữ dội miền Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Chúng hy vọng Đảng ta và quân dân miền Bắc phải chấp nhận cái giá phải trả cao trên bàn đàm phán, nhưng thực tế là ngược lại. Bộ Chỉ huy tối cao và người đứng đầu là Lê Duẩn đã không rời Hà Nội một ngày, trực tiếp chỉ đạo và chứng kiến thắng lợi lừng lẫy ghi vào lịch sử trận “Điện Biên Phủ trên không”.

- Cuối năm 1974, chúng ta có trận chiến giải phóng hoàn toàn thị xã Phước Long (Đông Nam bộ, cửa ngõ Sài Gòn) cho xuất hiện xe tăng yểm trợ thăm dò. Tiếp sau đó là chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và sau cùng là cuộc tổng tiến công, nổi dậy thần tốc năm 1975 kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975 và ngay sau đó là giải phóng toàn Nam bộ nguyên vẹn. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được chuẩn bị công phu từ hàng năm trước, là một công trình chiến lược, chiến thuật và chiến dịch vĩ đại thể hiện rõ ràng nhất cống hiến lớn lao của anh Ba Duẩn, bản lĩnh của người lãnh đạo kháng chiến, tài thao lược, những dự đoán tài tình cả về cục diện chiến tranh và phản ứng quốc tế, những quyết định táo bạo và rất kịp thời, cùng với tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh là đồng chí Văn Tiến Dũng và các tướng lĩnh khác đã thể hiện tài sử dụng hiệu quả rất cao mọi binh chủng, mọi thứ quân, mọi loại hình của lực lượng vũ trang với niềm tin mãnh liệt vào quân đội anh hùng của ta và nhân dân ta.

Vô cùng tự hào về Đảng ta và người đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn. Thật sáng suốt với tầm nhìn vĩ đại, thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao trọng trách cho đồng chí Lê Duẩn, cùng với Người, và sau này khi Người đã đi xa, đứng đầu sóng ngọn gió, cùng với tập thể Bộ Chính trị, những học trò xuất sắc của Bác, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc với ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử.

Tôi cảm nhận sâu sắc rằng Anh Ba đã dốc vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn bộ tâm lực của mình, toàn bộ tinh hoa của trí tuệ, toàn bộ dũng khí cách mạng tiến công, toàn bộ phẩm chất của người con nhân dân, toàn bộ bản lĩnh của người lãnh đạo, từ lúc bắt đầu kháng chiến cho đến ngày thắng lợi.

4. Tiếp tục tìm tòi và suy nghĩ về con đường xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo Di chúc của Bác Hồ

Tôi nhớ mãi hình ảnh đầy xúc động của anh Ba khi xuống thang máy bay tại Tân Sơn Nhất. Anh Ba Duẩn dừng lại nói to với mọi người ra đón Anh và Bác Tôn: “Chiến công này là chiến công chung của cả dân tộc, của các anh hùng, chiến sĩ và đồng bào cả nước đã hy sinh. Không của riêng ai”.

Lời nói ấy chứa đựng tinh thần của toàn dân phấn đấu hy sinh vì độc lập thống nhất, có âm vang của thiên anh hùng ca bằng lòng nhân ái bao la. Đó là lời nói thấm trong hành động, từng ngày đêm trên rừng núi chiến khu, ngoài bưng biền kinh rạch, nơi làng xóm thôn ấp, trong phố phường thành thị, ở chính giữa lòng dân.

Chặng đường tiếp theo, Anh Ba tiếp tục những tìm tòi, suy nghĩ, thử nghiệm từ hàng chục năm trước ngay trong thời chiến về con đường và cách làm của dân tộc Việt Nam ta để xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trăn trở để cải thiện đời sống của đồng bào vốn đã phải chịu đựng thiếu thốn, hy sinh quá lớn trong chiến tranh, bù đắp những hy sinh mất mát của mọi tầng lớp nhân dân ở cả hai miền Nam, Bắc. Đáp ứng và cải thiện đời sống của dân đối với Anh Ba là yêu cầu cháy bỏng, làm sao sớm ra khỏi cái nghèo, Anh luôn nhắc nhở phải lo từ miếng cơm manh áo cho mọi người, hộp sữa cho trẻ em, thuốc thang cho người già… Đất nước bao nhiêu năm mới ra khỏi cái nghèo, 15 năm hay 20 năm, và bằng cách nào theo kịp thiên hạ. Nhưng Anh Ba lại không khuyến khích rập khuôn theo mô hình sẵn có nào. Ngay như hợp tác hóa ở miền Bắc, Anh cũng nhắc không nên áp dụng ở miền Nam.

Chúng tôi là người trong cuộc, phải lo toan gánh vác công việc của những người giữ trọng trách ở một thành phố lớn với mấy triệu dân những năm đầu sau giải phóng, tôi hiểu rõ những cam go khó vượt qua một cách suôn sẻ, thậm chí có lúc tưởng như không thể vượt qua nổi. Trong bối cảnh đó, tôi hiểu được những tìm tòi của Anh Ba nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình hình kinh tế và đời sống quá khó khăn sau ngót nửa thế kỷ chiến tranh. Trong nhiều lần nhận xét và chỉ đạo những công việc chúng tôi đang tiến hành tại thành phố Hồ Chí Minh, Anh Ba nêu rất nhiều gợi ý hết sức mạnh dạn. Những ý kiến chỉ đạo của Anh thể hiện rõ Anh đang trăn trở về con đường phát triển của đất nước. Cũng như trước đây trong chỉ đạo cuộc chiến tranh cách mạng, Anh thường tự nhủ và nhắc chúng tôi: lúc nào chúng ta độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, từ lợi ích của dân tộc, lúc ấy chúng ta thắng lợi, lúc nào chúng ta lệ thuộc, sao chép của người ta, lúc ấy cách mạng phải trả giá nặng nề.

Anh không tán thành mô hình Xô Viết. Qua tìm hiểu thực tế ở các nước anh em và suy ngẫm về lý luận, Anh nhận ra có quá nhiều vấn đề bất ổn. Anh không tán thành áp đặt thể chế nhà nước “chuyên chính vô sản” khi mà nhân dân đã giành được quyền làm chủ đất nước bằng những hy sinh không sao kể xiết. Không thể “vô sản” lại chuyên chính với chính mình, với nhân dân. Tư tưởng về “làm chủ tập thể” mà Anh nung nấu chính là sự cố gắng tìm đường bứt phá ra khỏi những công thức giáo điều không phản ánh được sự vận động và biến đổi của cuộc sống, xa rời ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Đọc lại những bài viết của Anh Ba Duẩn từ sau năm 1975, nhớ lại những quan điểm và ý tưởng mà rất nhiều lần Anh nói đi, nói lại trong khi làm việc với cấp ủy Đảng, với các cán bộ những nơi Anh tới thăm, tôi nhận thấy trong tư duy của Anh có phần đã và có phần đang hình thành một hệ thống suy nghĩ vềø đường lối xây dựng đất nước. Đó là đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, vận dụng các giá trị tốt đẹp của dân tộc và các thành quả tinh hoa của loài người. Có thể tóm tắt một số ý để minh chứng những suy nghĩ đó của Anh:

- Dân chủ đến mức thực sự nhân dân làm chủ, con người làm chủ tập thể.

- Phát huy dân tộc và phát huy cá nhân từng người.

- Vận dụng thị trường để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cả giá trị sử dụng và giá trị của hàng hóa đều là mục đích của hoạt động kinh tế. Rất coi trọng giá cả, tài chính, tiền tệ, thương nghiệp.

- Quá trình tạo dựng xã hội mới là quá trình nảy sinh chứ không phải chỉ là quá độ. Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế. Bừøng nở toàn thân nền kinh tế và xã hội ở mọi cấp độ. Có những ngành (như nông nghiệp, nhiều ngành, nghề tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp) đi lên CNXH theo một con đường mới, không qua quốc doanh, không tập thể hóa kiểu nông trang tập thể Liên Xô hoặc công xã nhân dân Trung Quốc, cũng không phải kiểu hợp tác xã nước ta như ở miền Bắc trước khi giải phóng miền Nam.

- Cách mạng khoa học kỹ thuật (nay ta nói là cách mạng khoa học và công nghệ) là then chốt, nhiều thành quả lớn là ở phương Tây, cần tranh thủ nắm và vận dụng những thành quả ấy.

- Kinh tế và thị trường toàn thế giới là một thực tế đang phát triển, phải sống với thực tế ấy, biết thích nghi, tranh thủ mọi thời cơ và nguồn lực. Chủ nghĩa tư bản hiện đại có những thành quả rất quan trọng. Phải tìm cách học nhanh những thành quả ấy.

- Văn hóa và tri thức của loài người giàu có, phong phú lên rất nhiều, rất nhanh, tạo ra những chuyển biến lớn, thấm sâu vào chính trị và kinh tế, vào đời sống xã hội. Phải vươn lên văn hóa và tri thức tiên tiến.

- Bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng và an ninh bằng lòng dân, sức dân, bằng dân làm chủ, bằng chiến tranh nhân dân, bằng chính sách đối ngoại vững vàng, mềm dẻo.

- Đảng lãnh đạo, Đảng không cai trị, Đảng phát huy Nhà nước là công cụ chủ yếu, sắc bén nhất để dân làm chủ. Người Tổng Bí thư suốt đời chỉ làm công tác Đảng lại luôn luôn tôn trọng và đòi hỏi phát huy nhà nước.

- Đảng viên nhất thiết không được quan liêu, sách nhiễu và ăn cắp của dân. Đưa ngay những kẻ như vậy ra khỏi Đảng.

- Con người Việt Nam là con người của lẽ phải và tình thương, tình thương và lẽ phải.

Qua quá trình dài làm việc dưới sự lãnh đạo và được gần gũi Anh Ba Duẩn, tôi chứng minh thêm về dòng suy nghĩ gần như nhất quán trong tư duy của Anh: Anh là người đứng đầu của Đảng, nhưng chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh không phải là sự quan tâm nhiều của Anh, và Anh cũng không coi đó là một thứ động lực cho sự phát triển, là nhân tố đưa đất nước ra khỏi cái nghèo và lạc hậu. Thực tế lại ngày càng ngược lại, làm nỗi băn khoăn của Anh càng nhiều hơn. Trong hoàn cảnh gần như bế tắc đó, Anh là người khuyến khích những mô hình tháo gỡ, cởi trói trong công, nông nghiệp. Trước những bức xúc gay gắt ở TP Hồ Chí Minh phải lo từng bữa ăn cho dân mặc dù nằm bên cạnh vựa lúa, vựa cá và vựa rau (Đà Lạt), chúng tôi, một số đồng chí Trung ương Ủy viên trong vùng, bàn nhau, anh em cử tôi ra Trung ương đề nghị cho khoán thử 3 năm, đóng góp đủ theo những chỉ tiêu gộp lại của cả vùng từng năm cho Trung ương. Tôi gặp, trình bày với Anh Ba. Anh tán thành và bảo nên trình bày với số anh lãnh đạo khác, kết quả không được đồng ý. Sau đó, Thành ủy giao tôi tranh thủ báo cáo xin cho thành phố và các tỉnh đồng bằng Nam bộ khoán riêng về lương thực, Anh Ba tán thành nhưng số anh lãnh đạo khác cũng không đồng ý.

Khi tôi ra Trung ương phụ trách kế hoạch, tuổi tác Anh Ba đã cao, sức khỏe Anh đã sút nhiều. Người lãnh đạo kiệt xuất với tư duy khám phá và sáng tạo, với lòng tin mãnh liệt đất nước phải sánh vai với thiên hạ, không chịu theo khuôn mẫu sẵn của bất cứ thứ giáo điều nào, vậy mà đành chấp nhận không thành công trong xây dựng đất nước.

Lúc đó, một yêu cầu hết sức tối thiểu được đặt ra là nhân dân thủ đô Hà Nội “phải có dự trữ gạo đủ 2 tháng ăn”. Đó như một mệnh lệnh thiết tha cho Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đó là nỗi đau còn lại ở tôi đối với Anh Ba, trước khi Anh ra đi, tôi vẫn chưa lo nổi 2 tháng dự trữ gạo cho thủ đô Hà Nội. Đó là sự bất lực một cách vô lý, hậu quả của một cơ chế giáo điều – tự mình “ngăn sông cấm chợ”. Đến khi đất nước bắt đầu đổi mới, chỉ một cái lệnh xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, lưu thông tự do thì tức thời Hà Nội không cần dự trữ 2 tháng ăn, từ đó đến nay, không lúc nào lương thực thiếu cho Hà Nội.

Với bằng ấy sự việc tóm tắt nêu trên, tôi xin được khẳng định đồng chí Lê Duẩn không phải là nhà lãnh đạo bảo thủ, giáo điều, qua thực tiễn xuyên suốt đủ chứng tỏ Anh là người luôn tìm tòi sáng tạo và tư duy luôn đổi mới. Nhưng với vị trí Tổng Bí thư của mình, Anh cũng không đột phá nổi độ dày của bảo thủ, giáo điều, đường mòn, xơ cứng như ý kiến của anh Việt Phương trong bài “Thủ tướng giữ bản thảo cho nhà triết học” trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật ra ngày 4-6-2006, đó là chưa kể lại thêm mấy cái mũ “xét lại” trong “phe” như Nam Tư, Khơrusốp…

Nhớ anh Ba, cảm thông sâu sắc với người lãnh đạo kiệt xuất đáng được tôn kính, người học trò tuyệt đối trung thành và xuất sắc nhất của Bác Hồ kính yêu, chúng ta cần đánh giá đúng về Anh. Nhưng cũng không thể xem nhẹ trách nhiệm của Anh về những sai lầm sau 10 năm đất nước thống nhất. Đó là những bài học rất đau của Đảng, đã kéo dài thêm cái nghèo của đất nước. Chắc chắn rằng ở nơi chín suối, Anh Ba còn đau gấp bội, bởi lúc ấy Anh là người đứng đầu, càng đau hơn bởi đó không phải là tư duy của Anh. Để làm rõ những vấn đề có ý nghĩa lớn ấy trong lịch sử (kể cả một số vấn đề trong Đại hội lần thứ IV của Đảng), nhằm đúc kết bài học cho những thế hệ hôm nay và mai sau, không thể là những phát biểu tùy tiện, mà phải là những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc với tinh thần trung thực và khách quan.

Năm tháng đã trôi qua, khi viết những dòng này, lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động nghĩ đến một con người mãi mãi chiếm giữ trong tim óc tôi một vị trí thật thiêng liêng và gần gũi, những hình ảnh thân thiết nhất, cảm phục nhất, có sức động viên và nâng tôi lên chính là hình ảnh của đồng chí Lê Duẩn, Anh Ba Duẩn kính mến.

VÕ VĂN KIỆT

Tin cùng chuyên mục