Nhọc nhằn làm phim Việt

“Dù biết khó lấy lại vốn, nhưng tôi vẫn chọn dòng phim tử tế để làm”, đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh chia sẻ.
Đạo diễn Hồng Ánh (trái) và diễn viên Ngọc Thanh Tâm được chào đón khi trở về từ LHP quốc tế ASEAN 2017.
Đạo diễn Hồng Ánh (trái) và diễn viên Ngọc Thanh Tâm được chào đón khi trở về từ LHP quốc tế ASEAN 2017.

Các nhà sản xuất phim Việt luôn phải đối mặt với bài toán lời - lỗ khi quyết định bắt tay thực hiện một dự án phim. Chọn làm phim theo sở thích của số đông khán giả hay làm phim có chọn lọc về thẩm mỹ, luôn là câu hỏi khó khăn với những người thật sự có tâm với điện ảnh nước nhà.

Nuông chiều đại chúng quá lâu

Nhìn vào bề mặt thực tại của phim Việt trong khoảng 2 năm lại đây sẽ thấy một bức tranh u ám về doanh thu, khiến những người làm điện ảnh Việt không khỏi buồn lòng và hoang mang. Thiếu vắng mảng phim chính thống được nhà nước tài trợ, phim do tư nhân sản xuất “thao túng” hoàn toàn thị trường phim chiếu rạp và vì thế, sự thành công về doanh thu của Em là bà nội của anh (hơn 100 tỷ đồng) hay mới đây là Em chưa 18 (130 tỷ đồng sau 2 tuần công chiếu) khiến hầu hết các nhà sản xuất phim Việt phải thèm muốn.

Nhưng cũng chính vì hiệu ứng doanh thu của Em chưa 18 đã “đè bẹp” một phim Việt khác ra rạp cùng thời điểm, đó là Có căn nhà nằm nghe nắng mưa. Khác hẳn với Em chưa 18, thuộc dòng phim giải trí trẻ trung, hiện đại, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa lại đi sâu vào nội tâm, tạo rung cảm bằng sự dung dị về gia đình, chòm xóm; sự hy sinh, bao bọc của cha mẹ dành cho con cái… Khi điện ảnh Việt đang trải qua thời khủng hoảng thừa những phim giải trí hài nhảm nhí, vô bổ thì sự có mặt của Có căn nhà nằm nghe nắng mưa là khoảng lặng cần thiết cho cả người làm nghề lẫn người xem.

 Nhưng trớ trêu thay, bên cạnh những thông tin rầm rộ về doanh thu của Em chưa 18 là sự im lặng, dè dặt thông tin doanh thu của Có căn nhà nằm nghe nắng mưa. Ai cũng hiểu, doanh thu của phim này cũng đang… hồi hộp “nằm nghe” từng ngày.

Đợi qua ngày hôm nay, chúng tôi mới biết chắc doanh thu có nhích lên được chút nào không, sau những ngày đầu công chiếu không mấy khả quan. Dù đã xác định ngay từ đầu là phim sẽ khó có doanh thu tốt, nhưng chúng tôi vẫn cầu mong có thể lấy lại vốn để tiếp tục tái đầu tư sản xuất phim. Làm phim tử tế bây giờ rất khó lấy lại vốn, vì người làm phim Việt nói chung đã nuông chiều khán giả đại chúng quá lâu!”, Mai Thế Hiệp, nhà sản xuất phim, chia sẻ.

Làm phim bằng… niềm tin

“Dù biết khó lấy lại vốn, nhưng tôi vẫn chọn dòng phim tử tế để làm”, đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh chia sẻ. Hồng Ánh và Hãng phim Blue Production của chị đã từng thất thu với bộ phim điện ảnh đầu tiên - Đường đua, nhưng chị vẫn quyết định thực hiện bộ phim thứ 2 thuộc dòng phim kén khán giả - Đảo của dân ngụ cư. Trong khi chờ thời gian thuận lợi nhất để đưa phim ra rạp nhằm tránh tối đa thất thu doanh thu phòng vé, Đảo của dân ngụ cư chu du tham dự các liên hoan phim quốc tế. Mới đây, phim đã nhận được 3 giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN 2017 (Phim hay nhất, Nam diễn viên chính và Quay phim xuất sắc nhất).

Tôi có lòng tin rằng, trình độ thưởng thức của khán giả giờ đây đã có nhiều thay đổi… Tôi không muốn khán giả cứ mãi nghĩ rằng phim nghệ thuật, phim được giải quốc tế là khó xem. Ngoài phim giải trí, vẫn có những dòng phim khác để khán giả chọn lựa, vì thế nếu không đến rạp xem phim, làm sao biết bộ phim ấy như thế nào? Khán giả có nhiều sự lựa chọn, nhưng phải ủng hộ phim Việt. Đó là quan điểm của tôi!”, Hồng Ánh khẳng định.

Thiết nghĩ, nhà sản xuất phim Việt nào cũng có niềm tin rất lớn mới đủ sức lao vào “cuộc chơi” khắc nghiệt của nghề làm phim. Thời gian qua, rất nhiều nhà sản xuất phim lớn, nhỏ bị phá sản vì làm phim. Tuy nhiên, chỉ cần gượng dậy được, họ lại tiếp tục lao vào làm phim như con thiêu thân. Đó một phần là đam mê, phần khác là cái nghiệp đeo bám. Hãng phim Việt (BHD) là đơn vị sản xuất nhiều phim nghệ thuật và nhiều phim trong số ấy rất khó khăn trong việc thu hồi vốn. Có thể kể như Cánh đồng bất tận, Quyên…

Tuy nhiên, theo lãnh đạo của BHD: “Công ty vẫn trung thành với cách làm phim này. Chúng tôi kiếm tiền bằng những công việc khác, vì chúng tôi hiểu và xác định ngay từ đầu, phim nghệ thuật khó thu lời”. Đó là tâm lý của hầu hết những người yêu điện ảnh Việt, muốn duy trì dòng phim có chất lượng nghệ thuật. Quả thật, đáng quý bởi cách làm phim bằng niềm tin này, bởi nếu không như thế, điện ảnh Việt sẽ còn lại gì khi thiếu vắng các phim do nhà nước định hướng, đầu tư và thiếu hẳn dòng phim tử tế của tư nhân.

Tin cùng chuyên mục