Những cáo buộc khó hiểu

Đã hơn 5 năm trôi qua kể từ khi vụ án được điều tra khởi tố, truy tố, xét xử, rồi bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra xét xử lại. Vụ án vốn rõ ràng, nhưng rồi lại thành phức tạp.
Bị cáo Nguyễn Văn Quyền cùng người thân sau phiên tòa sơ thẩm lần thứ 3
Bị cáo Nguyễn Văn Quyền cùng người thân sau phiên tòa sơ thẩm lần thứ 3
Vụ án kéo quá dài

Năm 2012, khi khai hoang, dọn thực bì để trồng rừng, ông Quyền có làm cháy một số diện tích rừng rất nhỏ của những người lân cận, song họ không khiếu nại. Trước tòa họ cũng không yêu cầu bồi thường gì, thế nhưng suốt 5 năm qua, vụ án vẫn kéo dài. Tại phòng xử án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế chiều ngày 8-3-2018, ông Nguyễn Văn Quyền (58 tuổi, ngụ phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị xét xử tội hủy hoại tài sản. Nhưng rồi Hội đồng xét xử quyết định hoãn xử. Đây là lần phúc thẩm thứ 3 và cũng là lần thứ 3 phiên tòa này hoãn xử, do vắng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vắng thẩm phán và do bị cáo Quyền cung cấp một số băng ghi âm mới thu thập được, cần tòa xem xét để đảm bảo quyền lợi cho mình. 

Là cử nhân lâm nghiệp, ông Quyền đam mê trồng rừng và đã có trong tay hàng chục hécta rừng trồng, mà chủ yếu là từ đất trống đồi trọc ở phường Hương Hồ. Chỗ nào hoang thì ông khai phá, chỗ nào người ta bỏ thì ông đến xin làm, hoặc mua lại đất để trồng. Tai ương ập xuống ông Quyền khởi phát từ cuối năm 2012. Trên ngọn đồi hình bát úp xứ Kỳ Nam (phường Hương Hồ, được ngành lâm nghiệp đánh số là tiểu khu 112 và 113) có một khoảnh đất bỏ hoang lâu năm phía chỏm đồi. Bên dưới quả đồi này là 30ha rừng keo lai mà ông Quyền trồng và đã qua nhiều đợt khai thác. Thấy một khoảnh đất trống bỏ hoang phía trên, ông Quyền thuê người, phương tiện, máy móc cơ giới mở đường, khai hoang lên trồng rừng, tổng kinh phí cho công việc này gần 100 triệu đồng. Quá trình khai hoang, ông Quyền chặt bỏ 60 cây thông mọc hoang (còn gọi là thông rai), đốt cháy 13 cây thông khác (giá trị về sau được xác định là hơn 12,4 triệu đồng). Do việc làm tùy tiện này, ông Quyền bị chính quyền địa phương lập biên bản, rồi bị khởi tố về hành vi “trộm cắp tài sản”; tiếp đó ông Quyền bị bắt tạm giam 26 ngày rồi được tại ngoại đến nay. 

Điều kỳ lạ của vụ án là khu đất ông Quyền khai hoang là phần đất mà UBND thị xã Hương Trà cấp cho hộ ông Bùi Văn Thuận (trồng rừng thương mại WB3), nhưng ông Thuận không khiếu nại ông Quyền, vì cho rằng mình không có khả năng trồng rừng thì để ông Quyền trồng cũng là điều tốt. Thế nhưng, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện KSND thị xã Hương Trà thì xác định số cây thông bị chặt phá là tài sản của Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) Hương Hồ 2, nên ông Quyền bị khởi tố, bắt tạm giam. Ngày 7-3-2014, vụ án được xét xử lưu động, truyền thanh trực tiếp trên hệ thống loa truyền thanh phường. Tại phiên tòa đầu tiên ấy, ông Quyền bị TAND thị xã Hương Trà tuyên 9 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Ông Quyền kháng cáo. Tháng 5-2014, tại phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyên hủy án sơ thẩm do chưa xác định được chủ sở hữu tài sản mà bị cáo Quyền trộm; yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.

Vẫn chưa xác định được bị hại

Ngày 30-6-2015, TAND thị xã Hương Trà đưa vụ án ông Quyền ra xét xử sơ thẩm lại, nhưng thay đổi tội danh “trộm cắp tài sản” thành “hủy hoại tài sản”, và bị cáo Quyền vẫn bị xử 9 tháng tù giam. Ông Quyền lại kháng cáo. TAND tỉnh mở phiên xử phúc thẩm lần 2, tuyên hủy bản án sơ thẩm do vi phạm tố tụng nghiêm trọng, trả hồ sơ yêu cầu xét xử lại. Ngày 7-9-2017, TAND thị xã Hương Trà xét xử vụ án lần 3, tuyên bị cáo Quyền 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Dù chỉ còn phải nhận án treo nhưng ông Quyền vẫn kháng cáo, cho rằng mình bị oan, cơ quan điều tra và công tố đã hình sự hóa một vụ việc dân sự. 

Đáng chú ý, tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ 2, một vấn đề quan trọng được các bên tham gia tố tụng dành nhiều thời gian tranh luận, phân tích là việc xác lập chủ sở hữu đối với tài sản (số gỗ thông) bị ông Quyền chặt, đốt trong quá trình khai hoang. Để xác lập bị hại của vụ án là HTX Hương Hồ 2, một tài liệu được bổ sung vào hồ sơ (sau khi bị hủy án lần đầu), đó là văn bản của UBND TP Huế bàn giao cho HTX Hương Hồ 2 quản lý 26ha rừng thông. Điều đáng nói, quyết định này của UBND TP Huế không có bản đồ trích thửa, cột mốc phân định, mà chỉ ghi chung là vị trí “rừng thông thuộc dãy núi Kỳ Nam”. Thế nhưng, “dãy núi Kỳ Nam” thì bạt ngàn rừng thông lẫn đất rừng, và ngay chính đại diện HTX Hương Hồ 2 cũng không biết chính xác vị trí 26ha rừng. Đặc biệt, hiện nay trên dãy núi Kỳ Nam, hàng chục hộ dân đã được UBND thị xã Hương Trà cấp đất 50 năm để trồng rừng thương mại theo dự án WB3, trong đó không ít hộ có diện tích chồng lấn theo diện tích mà UBND TP Huế giao cho HTX Hương Hồ 2 quản lý. Điển hình sự chồng lấn này là hộ ông Bùi Văn Thuận được UBND thị xã Hương Trà cấp đất 50 năm, nhưng rồi bỏ hoang, để rồi ông Quyền vào đó trồng rừng thì nhận lãnh tai vạ. 

Giải thích về điều này, đại diện Viện KSND thị xã Hương Trà thừa nhận phần sai thuộc về UBND thị xã Hương Trà, cho biết sẽ kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông Thuận. Đây là điều rất khó thực hiện, vì hộ ông Thuận được cấp đất chung quyết định cùng với hơn 30 hộ dân khác, và gần như những cán bộ công quyền thực hiện việc cấp đất chỉ ngồi phán chứ không hề thực địa, nên nhiều diện tích hiện đang bị chồng lấn, phức tạp. Lẽ ra những cái sai này của cán bộ chức trách phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà cũng cần được xem xét, và người đứng trước vành móng ngựa không chỉ có bị cáo Nguyễn Văn Quyền.

Tin cùng chuyên mục