Những chiếc gùi nhấp nhô

1.
Những chiếc gùi nhấp nhô

1. Hôm ấy, Sa Pa nắng vàng rực rỡ, chủ nhân của những “gian hàng gùi” cầm những chiếc dù đủ sắc màu chụm lại che nắng trưa. Thấy khách lạ lại gần, những phụ nữ người Mông mặc trang phục thổ cẩm cất lời mời nhỏ nhẹ. Tôi hỏi thăm cảnh chợ trưa, bà cụ nhìn gùi măng của mình rồi trả lời: “Chợ ở đây có phiên gặp may bán đắt, có phiên ngồi đến trưa trật trưa trờ”.

Kề bên lều chợ chính, một cô gái tầm 20 tuổi ngồi bán gùi chè. Chè thập cẩm nấu từ ngô, khoai… cho vào túi nylon đặt gọn lỏn trong chiếc gùi. Cô gái ngước nhìn dòng người qua lại bằng ánh mắt mời mọc nhưng không ai ghé mắt vào gùi chè. Nhìn hồi lâu, anh bạn đi cùng tôi mủi lòng lại gần hỏi mua. Em bảo chè giá 20.000 đồng một túi, anh bạn tôi đưa tiền và nói nhỏ: “Gởi em, nhưng anh không lấy chè vì đường về quê còn xa quá…!”.

Cơm lam bày bán trên chiếc gùi ở chợ Sa Pa

Chúng tôi hỏi thăm, em bảo chè em nấu từ nhà lúc mờ sáng rồi gùi đến chợ mở miệng túi nylon ra bày bán. Đến chợ, em lót dép ngồi mong bán sớm hết gùi chè để về với con, nhưng ngồi từ sáng đến trưa không ai hỏi mua tiếng nào, may mà có các anh! Con em còn nhỏ, mới 7 tháng tuổi, gửi ở nhà bú vú da bà ngoại.

2. Trong lều chợ chính, một phụ nữ người Dao trạc 30 tuổi đang lựa mua chiếc áo cho đứa con gái chừng lên mười. Mấy chiếc áo ướm thử, đứa con gái lắc đầu, cuối cùng em cũng đồng ý chiếc áo màu vàng nhạt. Sau một hồi làm quen, chị kể con bé đòi mua áo tuần trước nhưng bận vào mùa đổ nước, ấy là khi mưa rào nước tràn qua các ruộng bậc thang thì phải lo be bờ giữ nước, nên chưa rảnh đi mua áo. Phiên chợ này, gà gáy lần hai chị lui cui nấu cơm lam đem bán, sợ không đủ tiền chị “đùm túm” thêm ít măng rừng bỏ trong chiếc gùi mang đến chợ. Gặp hên, chị bán cơm lam, măng rừng hết sớm lấy tiền mua áo cho con.

Bán măng rừng đựng trong chiếc gùi

Trước sảnh chợ, một người phụ nữ đèo sau chiếc gùi một cái nồi to, còn khom lưng lựa mua thêm cái xoong trung. Tôi xởi lởi làm quen, chị thủ thỉ: “Cái nồi nấu măng rừng lâu ngày bị sứt quai nên đem đến chợ cho thợ hàn gò lại, còn lựa mua thêm xoong trung về nấu chè bán, kiếm thêm thu nhập”. Mua xong, chị xỏ sợi dây buộc cái xoong trung vào cái nồi to sau chiếc gùi, bên trong chiếc gùi trống không, lủi thủi ra chợ.

3. Một thiếu nữ đi xe gắn máy phía sau lưng mang chiếc gùi đến chợ. Đưa xe vào chỗ giữ xe, trên đường vào chợ tay cô vuốt iPhone, chiếc gùi vẫn mang “chắc nụi” sau lưng. Các lối qua lại trong lều chợ chính, nhiều phụ nữ mang gùi đi mua sắm, trên chiếc gùi đó họ gùi những hàng hóa ngoại nhập như dầu gội Dove, xà phòng Lux… và các sản phẩm thời “tra Google”. Có người vào quán ăn, tay cầm cuốn menu chọn lựa món nhưng lưng vẫn không rời gùi…

Một phụ nữ mang chiếc gùi đi chợ Sa Pa lựa mua áo cho con

Qua khỏi chợ Sa Pa, xe dừng nghỉ bên sườn núi, cạnh đó có mấy người bán trái đào. Tôi mua cân đào, rồi ngồi cạnh mạn phép hỏi nhỏ về cái duyên của người phụ nữ vùng cao “hợp gu” với chiếc gùi, chị bán đào người Dao cười, nụ cười thân thiện nói: “Quen rồi, chiếc gùi dù gùi nặng mấy cũng êm lưng, không có chiếc gùi áp lưng như có cái lạnh gì đó chạy dọc sống lưng”. Ngồi ăn đào, chị nói chiếc gùi nhỏ nhưng chứa đựng lớn. Hồi nhỏ học một buổi, còn một buổi phụ giúp bố mẹ gùi nông sản cho gia đình. Khi lấy chồng có những buổi gùi nông sản nhà chồng, rồi ra riêng gùi lúa ngô cho mình và còn gùi vần công nông sản qua lại với bà con bản xóm. Cứ như thế chiếc gùi đã “gùi” qua bao đời!

Trên đoạn đường xuôi qua Sa Pa quanh co, từng tốp người Mông, Dao đi chợ về, sau lưng đung đưa chiếc gùi, có chiếc gùi be bé nhấp nhô bên chiếc gùi to. Ngồi trên ô tô, đoàn văn nghệ sĩ - báo chí tỉnh Phú Yên ai cũng trầm trồ khi nhìn chiếc gùi kỳ diệu Sa Pa đang “chảy dài” xuống đoạn đường đèo.*

MẠNH HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục