Những di tích bị lãng quên

Đó là hệ thống lũy đá cổ Kỳ Anh (ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) và núi Mo So (ở ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ký quyết định công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia từ lâu nhưng chưa được chính quyền địa phương bảo vệ, tu bổ, tôn tạo nên hai di tích trên đang xuống cấp và bị xâm hại trầm trọng.
Những di tích bị lãng quên

Đó là hệ thống lũy đá cổ Kỳ Anh (ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) và núi Mo So (ở ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ký quyết định công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia từ lâu nhưng chưa được chính quyền địa phương bảo vệ, tu bổ, tôn tạo nên hai di tích trên đang xuống cấp và bị xâm hại trầm trọng.

20 năm trước

Mo So từng là căn cứ cách mạng, nơi có giá trị to lớn về lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ.  Hang động núi Mo So rất kỳ thú, với hơn 20 hang lớn nhỏ và mỗi hang gắn với tên của một đơn vị cách mạng trong kháng chiến như: hang Huyện Đội, hang Quân Y, hang Kinh Tài, hang Điện Đài, hang Nước… Nhiều hang lớn có sức chứa hàng ngàn người. “Thạch đạo” này còn là một tuyệt tác thiên nhiên, có tiềm năng để phát triển du lịch.

Thế nhưng, di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia Mo So đang bị xâm hại một cách thô bạo, khiến những giá trị độc đáo của Mo So cứ lụi dần. Không ít thạch nhũ ở các hang động đã mất đi và còn tiếp tục rơi rụng trong thời gian tới trước sự vô tình của con người. Dưới chân núi Mo So dẫn vào các hang động là những dãy nhà ọp ẹp, hàng quán bày bán nhếch nhác, nhà vệ sinh tạm bợ, môi trường ô nhiễm… Tuy là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, nhưng Mo So không có điện, nước, nhà nghỉ… Khách du lịch đến đây và ra về với nỗi thất vọng. Chị Lê Thị Đẹp, khách du lịch đến từ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nói: “Nghe nói hang Mo So đẹp, kỳ bí… nhưng đến đây mới thấy bị xâm hại nhiều quá. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục thiếu đầu tư, xuống cấp… gây bất tiện cho du khách”.

Hang Mo So rất đẹp nhưng thiếu sự đầu tư.

Các đoàn khách đến Mo So thường được một người đàn ông tên Hữu đưa vào tham quan hang động với giá thù lao 5.000 đồng/người và không một lời thuyết minh nào về những giá trị lịch sử, văn hóa. Hiện nay, người quản lý “bất đắc dĩ” và thu tiền khách vào hang động núi Mo So là cụ bà Võ Kim Anh, 85 tuổi, sinh sống tại đây đã nhiều năm. Cụ bà Kim Anh cho biết: “Nhà nước không đầu tư nên tôi tự bỏ tiền ra làm đường, bắc cầu trong hang ở những nơi nước đọng khó đi, mua máy phát điện dẫn vào hang thắp sáng nên thu mỗi người 3.000 đồng gọi là lấy lại tiền dầu máy phát điện”.

Công trình kiến trúc độc đáo

Hệ thống lũy đá cổ Kỳ Anh nằm về phía Bắc của dãy Hoành Sơn theo trục Đông - Tây, mặt trước hướng về phía Nam, chạy dài từ địa phận xã Kỳ Lạc, Kỳ Hoa, Kỳ Lâm... huyện Kỳ Anh và có khả năng sang đến địa bàn tỉnh Quảng Bình. Lũy được người xưa xây dựng hết sức công phu và đạt đến trình độ kỹ thuật bậc cao bằng cách ghép đều đặn, vuông vức theo phương thẳng đứng với những phiến đá tự nhiên chắc chắn, có các kích thước khác nhau (người dân địa phương gọi là đá son), độ cao của lũy hơn 3m, mặt trên lũy khá bằng phẳng, nơi rộng nhất 2m và hẹp nhất 1,2m. Theo chiều dài thân lũy, cứ cách nhau 3-4m lại được trổ một ô vuông (có công dụng vừa để thoát nước vừa quan sát hoặc đánh trả kẻ địch lúc công phá thành). Ở hai bên mỗi ô vuông đều có xây bậc theo kiểu tam cấp cho quân sĩ lên xuống, đồng thời có địa điểm để tập kết quân được đào sâu dưới chân lũy về phía Bắc (gọi là hộc đóng quân), chiều dài 4,5-5m/hộc...

Mặc dù vẫn còn nhiều lý giải khác nhau nhưng đa số các nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ ở tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Có khả năng hệ thống lũy đá cổ Kỳ Anh là dấu tích còn lại trong hệ thống thành lũy cổ của Vương quốc Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Champa) với chiều dài hơn 30km dựa vào dãy Hoành Sơn, với mục đích phòng thủ bảo vệ biên giới... Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh thì hệ thống lũy đá cổ này tiếp tục được chúa Trịnh Toàn củng cố thêm, cho nên người dân địa phương vẫn còn gọi lũy Ông Ninh (Ninh Quận công - Trịnh Toàn).

Đừng để di tích bị lãng quên

Hơn 20 năm trôi qua, từ khi được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia, Mo So vẫn còn ở điểm xuất phát thấp, hoang phế và đang biến tướng thành nơi trục lợi “mua thần, bán thánh” của một số đối tượng mê tín. Khi chúng tôi hỏi về vấn đề bất cập, xuống cấp… ở Mo So thì các ngành chức năng huyện Kiên Lương từ chối trả lời, trong khi lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Kiên Giang cho biết hiện không có vốn đầu tư cho Mo So. Vì thế, Mo So đang lụi tàn một cách đáng tiếc! 

Trong khi đó, vào những ngày đầu tháng 3-2016, phóng viên Báo SGGP có dịp quay trở lại lũy đá cổ Kỳ Anh và thật bất ngờ khi nghe lãnh đạo UBND xã Kỳ Lạc cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa tổ chức được lễ công bố, đón nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia này để tiến hành bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, mặc dù đã được Bộ VH-TT-DL ký quyết định công nhận từ năm 2014.

Điều đáng nói hơn, qua quan sát tại hiện trường, nếu như so với thời điểm năm 2012 tuyến lũy đá cổ Kỳ Anh còn khá nguyên vẹn thì nay đã trở nên nhếch nhác, đìu hiu và xuống cấp nghiêm trọng. Tuyến đường đi bộ dưới chân lũy đá và cả bản thân hệ thống lũy đá đã bị rêu phong, cây cối, cỏ dại mọc bao phủ; nhiều đoạn lũy, lỗ ô vuông, bậc tam cấp, hộc đóng quân… đã bị cây cối “bao vây” che mất dấu. Chưa hết, ngay phía chân lũy, bề mặt lũy nhiều lớp đá đã bị phá vỡ và xuống cấp nghiêm trọng.

Lũy đá cổ Kỳ Anh tại thời điểm được các chuyên gia Viện khảo cổ học Việt Nam, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh khai quật, thám sát tháng 4-2012

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Toàn, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc, cho rằng: “Dù đã được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia nhưng do việc chia tách huyện (từ huyện Kỳ Anh chia tách thành huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh) nên huyện chưa có kế hoạch tổ chức lễ đón nhận”.

Đây là hệ thống lũy đá cổ rất độc đáo, với kiến trúc nghệ thuật đặc biệt không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử mà còn có giá trị thẩm mỹ cao. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp, các ngành chức năng ở Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh cần sớm tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật, để qua đó có kế hoạch tu bổ, tôn tạo, bảo tồn, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ tham quan du lịch cũng như các chương trình nghiên cứu khảo cổ học về thành lũy cổ ở Việt Nam trong thời gian tới.

VĨNH THUẬN - DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục