Những điểm đen về rác - Bài 1: Những dòng kênh ngập ngụa rác

Sau 8 tháng triển khai Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, nhiều điểm đen ô nhiễm, hôi thối đã trở thành không gian xanh để người dân vui chơi, sinh hoạt. 

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Báo SGGP cho thấy, không ít những điểm đen về rác thải vẫn tồn tại như một thách thức. Dường như chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

Tại nhiều tuyến kênh, rạch trên địa bàn TPHCM xảy ra tình trạng rác thải ngổn ngang, ở trên bờ lẫn dưới nước. Có nơi, rác thải còn nhiều hơn nước, làm phát sinh ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân.  
Những điểm đen về rác - Bài 1: Những dòng kênh ngập ngụa rác ảnh 1 Dọn rác, làm sạch kênh rạch tại quận 12 (TPHCM) trong ngày ra quân Tháng Thanh niên. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hãi hùng “kênh thối”
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được triển khai từ cuối năm 2012 với tổng kinh phí 27.000 tỷ đồng. Dự án dài hơn 20km, từ sông Chợ Đệm, đi qua kênh Nước Đen, Tham Lương và sông Vàm Thuật (thuộc địa bàn các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, 12 và Gò Vấp). Hơn 5 năm qua, dự án vẫn là một “đại công trường” ngổn ngang và đủ loại rác thải, xà bần, chất thải nguy hại… dọc hai bên kênh. Dưới lòng kênh cũng không kém, rác thải trộn lẫn với nước đen sánh gây hôi thối. Nhiều đoạn kênh trở thành “kênh thối”, gây hãi hùng cho hàng ngàn hộ dân sinh sống tại các khu dân cư trong khu vực. Theo chân ông Nguyễn Văn Năm Dẫn (ngụ khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), phóng viên ghi nhận cảnh tượng rác thải đủ loại trên kênh Tham Lương, đoạn từ cầu Tân Kỳ - Tân Quý đến khu vực Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa. Tại các khu phố 13, 14 của phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) còn có hàng loạt nhà xưởng, cơ sở sản xuất lấn tận bờ kênh. Nhiều khu đất trống được người dân làm chuồng trại thả bò, nuôi gà vịt. Nước thải, phân gia súc/gia cầm, rác, xà bần, vật liệu hư cũ đổ đầy trên bờ kênh và dưới lòng kênh. Tiếp tục đi dọc kênh từ cầu Tân Kỳ - Tân Quý đến Khu công nghiệp Tân Bình, chúng tôi tiếp tục chứng kiến cảnh rác, chất thải đổ ở khắp nơi.
Những điểm đen về rác - Bài 1: Những dòng kênh ngập ngụa rác ảnh 2 Kênh Hy Vọng đoạn qua khu vực đường Nguyễn Phúc Chu (phường 15 quận Tân Bình) đầy rác. Ảnh: QUANG HUY
Tại đoạn sông Vàm Thuật qua phường Thới An (quận 12) còn khủng khiếp hơn, chỗ nào cũng rác, chất thải nguy hại, xà bần đổ dọc hai bên bờ. Các nhánh rạch đổ ra sông Vàm Thuật đã bị bít chặt dòng chảy vì rác và xà bần, gây nên tình trạng ngập ứ nước thải hôi thối, bốc mùi cả một vùng dân cư. Phía bờ sông Vàm Thuật thuộc các phường 13, 14 (quận Gò Vấp) cũng tràn ngập rác và xà bần, vật dụng hư cũ. Trên đoạn sông này có tuyến đường ven sông đã đổ đất, san ủi. Nhiều đoạn được dựng hàng rào cây xanh hoặc làm vườn cây kiểng nhưng vẫn không ngăn được rác và xà bần đổ trộm. Cuối một con hẻm trên đường Quang Trung, UBND phường 14 dựng “chốt canh bắt đổ rác bừa bãi, không đúng quy định”, có người canh nhưng cách chốt canh khoảng 10m là những đống rác, xà bần cao ngất. Ông Hà, nhà cạnh khu vực, ngao ngán: “Chính quyền cũng bó tay với tình trạng xả rác xuống sông. Kiểm tra, xử phạt, nhắc nhở suốt đấy chứ, nhưng cứ qua một đêm, đến sáng là cả một đoạn sông tràn ngập rác, xà bần”.
Đối mặt với bệnh tật “Cháu đeo khẩu trang vào, vì nhiều người đến đây chừng 10-15 phút, khi quay trở ra đều hoa mắt, chóng mặt”, bà Trần Thị Kim Thành (70 tuổi, ngụ số 33/45/49 đường Nguyễn Sỹ Sách, phường 15, quận Tân Bình) căn dặn trước khi dẫn chúng tôi vào khu vực kênh Tân Trụ, đoạn từ đường Phan Thúc Duyện đến đường Cộng Hòa. Bà Thành cho biết thêm, chỉ riêng tại tổ dân phố 125 nơi bà sinh sống, trong tháng 7-2019 đã có 10 trường hợp nhập viện vì sốt xuất huyết. Tiến vào kênh Tân Trụ, ập vào mắt phóng viên là một dòng kênh với dòng nước đen đặc như mực tàu và mùi hôi thối nồng nặc, đầy rẫy ruồi, muỗi.  Thấy chúng tôi, bà Huỳnh Thị Dung (ngụ 33/45/39 Nguyễn Sỹ Sách) than vãn, dòng kênh bị rác bít nên mỗi khi mưa xuống gây ra cảnh ngập úng cho người dân khu vực. Theo bà Dung, trước đây kênh Tân Trụ rất trong xanh, nhưng nay thì rác đầy kênh. “Nước ô nhiễm khiến chúng tôi bị ngứa, nhiễm đủ bệnh về da. Không biết có phải do môi trường sống ô nhiễm hay không mà đối diện nhà tôi, trong 3 năm trở lại đây đã 4 người chết vì cùng bệnh ung thư phổi”, bà Dung kể. Gần đó, ông Nguyễn Văn Khánh (ngụ 118/90/74E Phan Huy Ích) cũng cho biết, chính quyền, đoàn thể địa phương nhiều lần vận động người dân không xả rác ra kênh, rạch và tổ chức thu dọn rác. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, đủ loại rác thải tái xuất hiện, trong đó có cả xác gia cầm trôi về kênh Hy Vọng (đoạn từ đường Phạm Văn Bạch đến kênh Tham Lương). Không chịu được mùi hôi nên gia đình ông phải gắn thêm lớp cửa kính ngăn mùi. Cũng tại quận Tân Bình, trên kênh A41 thuộc phường 4, chúng tôi quan sát thấy dòng nước kênh đen ngòm, sủi bọt, mùi hôi bốc lên nồng nặc, dù trước đó ít ngày con kênh này đã được nạo vét, thu dọn bùn, rác thải lên tới hàng chục tấn.  Ông Lê Hữu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường 4 quận Tân Bình, cho biết trong năm 2018, phường đã xử phạt gần 100 triệu đồng đối với các trường hợp bỏ rác không đúng nơi quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2019, phường cũng xử phạt 7 trường hợp. Tuy vậy, tình trạng tiện tay quăng rác xuống kênh vẫn còn tồn tại; đồng thời có trường hợp buổi tối chở xà bần, rác thải đến đổ trên bờ, xuống lòng kênh. Do đó dòng kênh A41 vẫn đầy rác.
Bó tay với nạn xả rác?

Tại UBND phường Bình Hưng Hòa, phóng viên tìm gặp lãnh đạo phường thì được nhân viên văn phòng cho hay lãnh đạo đi họp hết rồi và đề nghị thông tin trước nội dung, phường lên lịch rồi tiếp. Chúng tôi điện cho Chủ tịch UBND phường Phạm Thị Ngọc Diệu thì được gợi ý gặp Phó Chủ tịch UBND Lê Minh Hiếu phụ trách lĩnh vực. Qua điện thoại, ông Hiếu nhìn nhận, địa bàn phường có tuyến kênh Nước Đen, Tham Lương và người dân thường đem rác ra đây đổ vào ban đêm nên khó phát hiện, xử lý. Phường đang lên kế hoạch dọn dẹp tuyến kênh để tránh lấn chiếm, xả rác. Phường cũng muốn làm rào chắn 2 bên bờ kênh để ngăn xả rác nhưng chưa có kinh phí làm. Ông Dương Thanh Hậu, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, cho biết 2 bên đoạn kênh dài gần 1km qua địa bàn phường đều được gắn camera giám sát việc xả rác nhưng vẫn không phát hiện, ngăn được người dân từ nơi khác mang rác, chất thải đến xả xuống kênh.

Ở đoạn kênh Tham Lương, nhất là khu vực tại cầu Chợ Cầu thuộc phường Đông Hưng Thuận (quận 12) cũng tràn ngập rác. Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hưng Thuận Nguyễn Đình Bảo Quốc đưa phóng viên xem một xấp quyết định xử phạt trong tháng 7-2019 về hành vi xả rác xuống kênh Tham Lương (nhiều trường hợp bị phạt 4 triệu đồng), đồng thời cho biết phường đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh trên đoạn kênh này nhưng vẫn không dẹp được nạn xả rác.

Dự án hàng trăm tỷ đồng “chết đứng” vì rác

TPHCM đầu tư khoảng 750 tỷ đồng thực hiện dự án cải tạo kênh Ba Bò. Ở công trình này có hệ thống hồ điều tiết và hồ vi sinh sẽ xử lý nguồn nước ô nhiễm của tuyến kênh (chủ yếu từ Bình Dương đổ về) trước khi đưa trở lại kênh, đổ về địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, hiện nay việc vận hành hồ điều tiết thường xuyên tạm dừng hoạt động vì vướng rác. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM (đơn vị đang quản lý, vận hành tạm hồ điều tiết), cho biết vào mùa mưa, lượng rác (từ thượng nguồn, Bình Dương) đổ về càng nhiều hơn. Rác dồn về hố thu, tích tụ dày đặc tại bể hút của trạm bơm, làm nghẹt lưới chắn rác và máy bơm, nên không thể bơm nước lên hồ để xử lý. Trong năm 2019, đơn vị đã thuê thợ lặn, sử dụng thiết bị chuyên dùng vớt khoảng 500 - 700 tấn rác, đủ loại rác hỗn tạp.

Theo ông Nguyễn Văn Đam, rác sinh hoạt nhiễm nước thải công nghiệp ô nhiễm có thể trở thành rác thải nguy hại. Do vậy, việc bảo dưỡng, vớt và xử lý sẽ tốn kém rất nhiều chi phí. Trong khi đó, nếu làm tốt công tác phân loại rác tại nguồn, thu gom và người dân không xả rác bừa bãi sẽ không phát sinh hệ lụy này. Ông Đam kiến nghị chủ đầu tư dự án cải tạo kênh Ba Bò (là Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM) bổ sung hệ thống vớt rác tự động ở đầu vào, để đảm bảo hồ điều tiết hoạt động ổn định và thông suốt.

KIỀU PHONG

Tin cùng chuyên mục