Những đồng lúa nhiệm màu

Bây giờ là thời không chỉ ăn no mà phải ăn ngon, đó là xu thế tất yếu hay quy luật phát triển của con người trong thời buổi “giàu lên của xã hội”. Lúa sạch, lúa hữu cơ, lúa thơm ngày càng xuất hiện nhiều trên những cánh đồng bát ngát của làng quê Việt Nam.

Lúa sạch lên ngôi

Võ Văn Tiếng (Út Tiếng) chỉ “cánh đồng” 8ha lúa đông xuân đang chín rộ, được ôm gọn trong bờ bao chắc chắn, giới thiệu: “Anh xem! Lúa sạch của em có tốt không? Chắc không thua gì lúa bón phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật ở những cánh đồng bên Tân Châu, Châu Đốc chứ?…”. Đúng vậy! Lúa của Út Tiếng nhìn không bóng bẩy, nhưng bông lúa dài, nhiều hạt to, chắc nịch… Ở ĐBSCL, Út Tiếng nổi lên như một hiện tượng đi đầu trong phong trào trồng lúa sạch.

Út Tiếng ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Gia đình anh mỗi năm sản xuất khoảng 200 tấn lúa. Muốn lúa nhanh tốt, năng suất cao, phải sử dụng 20 tấn phân hóa học và trên 1 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Út Tiếng nhẩm tính: Cứ một phần hóa chất, sẽ tạo ra 10 sản phẩm. Vậy đã rõ, lúa này là thành phẩm của thuốc hóa học. Tuy là út trong gia đình nhưng Tiếng cũng tập làm nông từ nhỏ. Nhìn những bao phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật… chất đầy kho của cha mẹ mà Út Tiếng “chạnh lòng”… 

Những đồng lúa nhiệm màu ảnh 1 Nông dân Sóc Trăng thu hoạch giống lúa thơm ST vụ đông xuân. Ảnh: HÀM LUÔNG
Đầu năm 2016, anh hỏi: “Ba má có biết xài phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học có hại thế nào không?”. Ba anh trả lời: “Biết chút chút. Nhưng nông dân nào mà chả xài nó. Không sử dụng, lấy đâu năng suất”. “Vậy con xin mượn ba má 2ha đất để trồng thử lúa sạch cho biết”. “Con đọc sách báo nhiều, cứ lấy đất mà làm thử đi...”. Vậy là Út Tiếng xắn tay áo lên, lao vào công việc. Anh hiểu, mình không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học thì phải chịu khó hơn người ta. 

Ngày nào Út Tiếng cũng ra đồng từ sớm, mang theo cơm trưa, cặm cụi nhổ cỏ bằng tay, thả cá trong ruộng, nuôi vịt chạy đồng để diệt ốc bươu vàng và những thiên địch gây hại lúa cho đến tối mịt mới về. Tảo tần sớm hôm, rồi ruộng đồng cũng trả công cho anh. Với diện tích 2ha, vụ lúa sạch đầu tiên đạt năng suất gần 9 tấn (4,5 tấn/ha). Chà ra gạo, lúa sạch đạt 4,5 tấn. Út Tiếng đặt thương hiệu gạo cho mình là “Tâm Việt” - cái tâm của người Việt. Bác Hai, ba của Út Tiếng đã bị thuyết phục. Ông quyết định “đầu tư” thêm 6ha cho Út Tiếng trồng lúa sạch. Vụ đông xuân năm 2018 là mùa thứ 8 Út Tiếng trồng lúa sạch thắng lợi. Anh khoe: Năng suất lúa sạch bây giờ đạt 6 tấn/ha. Ở nhiều siêu thị, các hội chợ Cần Thơ, TPHCM, gạo của Út Tiếng đều “cháy hàng”, dù giá cao hơn hẳn các loại gạo khác. 

Hỏi Út Tiếng có biết thế nào là nông nghiệp 4.0 không? “Biết chứ. Ban ngày quay quắt với ruộng đồng, đêm xuống, em mở mạng coi, rồi giới thiệu quy trình sản xuất lúa sạch của mình. Nhờ vậy mà em có nhiều đầu mối đặt hàng. Em không chỉ làm lúa sạch trên đồng đất nhà mình mà đang giúp bà con xung quanh cùng làm lúa sạch. Em sẽ đứng ra bao tiêu sản phẩm, rồi cung cấp cho các đầu mối đặt hàng”, Út Tiếng nói. 

Anh Hai Cường, HTX nông nghiệp Tân Tiến, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, chỉ tay về cánh đồng lúa đông xuân vàng rộm, có đông xã viên đang thu hoạch, giới thiệu: “Anh thấy lúa đông xuân của HTX có tốt không? Mùa này là vụ thứ 6, chúng tôi làm lúa hữu cơ. Bà con xã viên giờ đã quen với việc sản xuất lúa sạch theo hướng dẫn của các nhà khoa học và đối tác đầu tư, thu mua lúa”.

Vụ hè thu năm 2016, HTX nông nghiệp Tân Tiến ra đời với 72 hộ nông dân tham gia, trên diện tích 44,3ha. Lần đầu tiên được triển khai cách sản xuất lúa  hữu cơ, từ ban giám đốc tới xã viên đều bỡ ngỡ. Những quy chuẩn về sản xuất rất khắt khe: Phơi đất đủ kỳ hạn để khử độc, dùng nước sạch không ô nhiễm, tránh sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng 100% phân bón hữu cơ chất lượng cao do nhà đầu tư cung cấp. Vụ đầu, các chuyên gia xuống tận ruộng hướng dẫn.

Xã viên Trần Sinh cho biết: “Không chỉ lắng nghe các chuyên gia, nông dân chúng tôi bây giờ cũng rất am hiểu thế nào là nông nghiệp 4.0. Chúng tôi giới thiệu quy trình sản xuất của mình lên mạng. Qua đó, tìm thêm đối tác đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Có như vậy thì những cánh đồng lúa hữu cơ mới được nhân rộng. Gia đình tôi vụ đông xuân trồng 1,4ha lúa sạch, mấy vụ qua đều trúng, năng suất đạt trên 6 tấn/ha/vụ”. Các hộ xã viên của HTX nông nghiệp Tân Tiến mấy vụ qua cũng đều trúng lúa sạch. Nhờ HTX hợp đồng với các siêu thị ở TPHCM, Cần Thơ nên bán gạo được giá cao, xã viên rất phấn khởi. Sản phẩm gạo Hương Xuân của HTX nông nghiệp Tân Tiến đang được khách hàng khắp nơi ưa chuộng vì vừa sạch, vừa ngon…

Tốp 3 gạo ngon nhất thế giới 

Từ đầu tỉnh lộ 8, theo “bờ kênh” trải nhựa vào tới chùa Lao Dên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, chừng 5 cây số, hai bên đường là cả ngàn ha lúa thơm ST24 đang chín rộ. Ông Lâm Nhum, 53 tuổi, kỹ thuật viên, vui mừng khoe: “Lúa thơm ST24 vụ này trúng đậm, năng suất đạt tới 7 tấn/ha. Mấy năm nay, bà con vùng này “đổi đời” từ cây lúa thơm ST”. Ông Lâm Nhum từng là đại đức chùa Lao Dên. Cách nay hơn 20 năm, ông ra tu, trở về với cuộc sống đời thường, cưới vợ, sinh con… Nhờ ưu thế làm đại đức nên ông Lâm Nhum nói ra là được bà con tin theo. Ông tự học và đọc rất nhiều sách, báo về kỹ thuật sản xuất lúa, màu, tôm, cá… Chỗ nào không hiểu, ông nhờ kỹ sư Hồ Quang Cua hướng dẫn. Từ đó, ông ứng dụng cho mình và bà con cô bác quanh vùng. Vì thế, lúa thơm ST của bà con Viên An, Viên Bình, Tài Văn… đều sạch, chuẩn.

 Vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 vừa qua, ĐBSCL xuống giống 1,53 triệu hécta; trong đó khoảng 200.000ha được các doanh nghiệp liên kết, hợp tác đầu tư, bao tiêu sản phẩm theo tinh thần Quyết định 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đó là xu thế tất yếu phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đang ngày càng “khó tính”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, cơ cấu giống chất lượng cao hơn, khoanh vùng sản xuất ổn định gắn với chuỗi sản xuất. Đặc biệt quan tâm tạo ra giá trị gia tăng trong sản xuất lúa. Nếu cần, chấp nhận giảm diện tích trồng lúa, nhưng giá trị phải tăng. Đó là yêu cầu cấp bách cải thiện đời sống, sinh kế cho người trồng lúa”.

Kỹ sư Hồ Quang Cua (cha đẻ của giống lúa thơm ST) vẫn nhớ như in ngày mà ông và những cộng sự lai tạo thành công giống lúa thơm độc đáo này. Đó là mùa thu năm 1993, ông chọn ra được loại giống tốt, lai tạo và ươm từng hạt riêng rẽ trên nền liếp tốt nhất. Khi gieo trên nền liếp rẫy, mỗi hạt lúa nở ra 5-6 nhánh. Đem số lúa ấy đi cấy, khi thu hoạch, mỗi bụi lúa có từ 14 - 15 bông. Từ đó, ông chọn ra những hạt chuẩn (theo tiêu chí Thái Lan), mới “phóng thích” và đặt tên là ST… 

Hơn 20 năm qua, giống lúa ST luôn được đổi mới, đến năm 2017 đã là ST thứ 24 và sắp ra đời ST thứ 25. Đến nay, không chỉ Sóc Trăng, nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL đã có những cánh đồng lúa thơm ST24 đại trà, với diện tích trên 50.000ha. Vừa qua, gạo ST24 của Việt Nam cùng với gạo thơm Thái Lan và Campuchia được vinh danh tốp 3 gạo ngon nhất thế giới tại hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Ma Cao, Trung Quốc. Gạo ST 24 được hội đồng giám khảo quốc tế, gồm những đầu bếp nổi tiếng bình chọn. Ưu thế của gạo ST24 là hạt dài, trắng trong, cơm dẻo, hương thơm mùi lá dứa; thời gian trồng ngắn (100 ngày) so với gạo thơm Thái lan (150 ngày). 

Xã viên HTX Bắc Xà No, Nguyễn Văn Tốt hồ hởi: “HTX chúng tôi vụ này trồng 300ha lúa Tài thơm. Hồi mới xuống giống, doanh nghiệp đã đến đặt cọc mua lúa Tài thơm 8 với giá 5.400 đồng/kg”. Bắc Xà No là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh Hậu Giang sản xuất lúa theo mô hình hữu cơ. Hiện 16 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hậu Giang có phương án bao tiêu 11.000ha/78.000ha lúa đông xuân của Hậu Giang trên những cánh đồng mẫu lớn như: Tập đoàn Lộc Trời, Gentraco, Lương thực Sông Hậu.

Tin cùng chuyên mục