Những lời dặn dò nhân văn của Bác

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là một trong những văn bản đầu tiên ở nước ta đề cập đến phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên - môi trường. Điều này nhắc nhở chúng ta khi hoạch định, xây dựng chính sách phải dựa trên nền tảng nhân văn, nhân đạo xã hội chủ nghĩa mà trung tâm bao trùm là phát huy nhân tố con người.

Chính sách phát triển kinh tế bền vững

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội nêu ra hiện tượng điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của nhà đầu tư, dẫn đến quy hoạch thay đổi lớn so với ban đầu. Điều này gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trong khu vực và đến lợi ích người dân. Đây là một trong những tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đang khắc phục.

Nhìn lại đường lối, chính sách phát triển kinh tế, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nhiều thập kỷ trước đã thể hiện tư duy đi trước thời đại. Lúc ấy, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, đất nước bị tàn phá nặng nề nhưng khi nói về công việc sau chiến tranh, Bác đã dặn dò: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Những lời dặn dò nhân văn của Bác ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi gia đình anh Nguyễn Văn Tới, nông dân sản xuất giỏi ở huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong Di chúc của Bác, khi nói đến phát triển kinh tế - văn hóa, Bác đặt con người làm trung tâm. Những trang viết, dòng chữ yêu thương nhất, Bác đều dành cho nhân dân ta, với tất cả các tầng lớp, giai cấp. Bác còn dành những tình cảm thiêng liêng đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và đề nghị các chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, bệnh binh, gia đình có công. Song Bác không quên những người là nạn nhân của chế độ cũ và căn dặn Đảng, Chính phủ phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ thành người tốt.

Điểm độc đáo trong Di chúc, Bác thể hiện rất rõ tư duy, cách nhìn về môi trường là việc hỏa táng, trồng cây tạo bóng mát và tạo phong cảnh đẹp; đồng thời có gỗ dùng trong cuộc sống và lợi cho nông nghiệp.
Như vậy, Di chúc cũng là một trong những văn bản đầu tiên ở nước ta đề cập đến phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên - môi trường.

Trước các vấn đề tồn tại hiện nay, thì Di chúc của Bác là bài học nhắc nhở Đảng ta, trong quá trình hoạch định phương lược lãnh đạo đất nước phải nhìn toàn diện, đồng bộ. Đặc biệt, các chính sách phải dựa trên nền tảng của nhân văn, nhân đạo xã hội chủ nghĩa, phát huy cao độ những tài nguyên quý báu của đất nước và xã hội để phát triển. Trung tâm bao trùm là phát huy nhân tố con người, đề cao các giá trị nhân bản của con người và không ngừng nâng cao đời sống, chất lượng sống của nhân dân.

Di chúc thiêng liêng của Bác còn chỉ ra cho Đảng ta hôm nay, trong lãnh đạo, chỉ đạo, không chỉ cần bản lĩnh chính trị, tư duy cách mạng và khoa học mà còn phải rất thấu hiểu thực tiễn, thấu hiểu những mong muốn chính đáng, thiết thực của người dân.

Tư duy, nhận thức - gốc rễ của vấn đề

Không phải ngẫu nhiên mà Bác để lại câu thơ: Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

Phải chăng Bác hình dung ra một Việt Nam văn minh, hiện đại, xã hội chủ nghĩa nhưng phải trên cơ sở của việc quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội không để lãng phí tài nguyên đất đai, ngân sách, thời gian, cơ hội phát triển; và đã xây dựng đất nước thì phải làm đâu ra đấy, một cách nề nếp, trật tự, kỷ luật, kỷ cương. Đó là cách tốt nhất chống bệnh quan liêu, giấy tờ, tư duy ngắn hạn dẫn đến “sáng sửa, chiều sai, ngày mai lại sửa” và nạn tham nhũng.

Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến những vấn đề hệ trọng của đất nước nhưng Người trình bày một cách giản dị, hiện đại. Đọc lại Di chúc của Bác và nhìn lại 33 năm đổi mới với những thành tựu to lớn, chúng ta thật sự khâm phục về sự đúng đắn, sáng suốt trong những dòng viết tâm huyết mà Bác để lại.

Hiện nay, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đang đi vào giai đoạn quyết định. Những mục tiêu, nhiệm vụ do đại hội đề ra đã đạt được những kết quả to lớn, toàn diện, đồng bộ trong hơn 3 năm qua. Những thành tựu này đã củng cố, nâng cao thế và lực của đất nước, song thách thức vẫn hết sức gay gắt đối với cách mạng nước ta. Tình hình khu vực và quốc tế vẫn diễn biến nhanh, khó lường; cạnh tranh trong khu vực và quốc tế ngày càng gay gắt.

Đồng thời, những yếu kém, khuyết điểm kéo dài nhiều năm, trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chăm lo đến giáo dục, y tế… đã gây bức xúc trong nhân dân.

Đặc biệt, có những mặt còn ảnh hưởng đến uy tín Nhà nước và chế độ ta. Gốc rễ của vấn đề vẫn là liên quan đến đổi mới tư duy, nhận thức của Đảng ta về chặng đường đi tới chủ nghĩa xã hội Việt Nam, gắn với những biểu hiện mới của thời cuộc và thời đại, trong đó có cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Vì vậy, với tư cách là đảng cầm quyền, Đảng ta phải vượt trước thời đại về tư duy, trên nền tảng những nguyên lý bền vững của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm thực tiễn, nhất là 33 năm đổi mới. Đó cũng là lời dặn dò thiêng liêng của Bác khi nói tới đoàn kết quốc tế trong thời đại mới.

Tin cùng chuyên mục