Những người truyền cảm hứng

Không ngừng tư duy, không ngừng ấp ủ, không ngại khó ngại khổ, để rồi niềm vui trong họ như vỡ òa mỗi khi những sáng kiến của mình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công việc. Đó là cảm xúc chung của các anh, chị: Đỗ Minh Trung, Trần Cường, Trương Minh Phương Ánh, dù họ đang công tác tại nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành cấp nước TPHCM.
Những người truyền cảm hứng

Không ngừng tư duy, không ngừng ấp ủ, không ngại khó ngại khổ, để rồi niềm vui trong họ như vỡ òa mỗi khi những sáng kiến của mình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công việc. Đó là cảm xúc chung của các anh, chị: Đỗ Minh Trung, Trần Cường, Trương Minh Phương Ánh, dù họ đang công tác tại nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành cấp nước TPHCM.

Những người truyền cảm hứng ảnh 1

Những cá nhân điển hình phong trào thi đua yêu nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn giao lưu.  

Trắng đêm dò bể

Hàng đêm, khi nhà nhà tắt đèn đi ngủ cũng là lúc công việc của anh Đỗ Minh Trung, Tổ trường Tổ dò bể đêm Phòng Giảm nước không doanh thu thuộc Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè bắt đầu. Anh Trung cùng nhân viên trong tổ mang thiết bị xuống từng tuyến đường lớn, đến những ngõ ngách có khi sâu đến cả cây số để lắng nghe âm thanh, áp lực nước từ đường ống lớn đến các ống nhánh tận nhà dân dò tìm điểm bể.

Anh Trung chia sẻ: “Những ngày đầu đến với công việc này cũng ngại lắm, vì trong đêm khuya thanh vắng, tổ công tác đi đến đâu, chó nhà dân sủa đến đó, nhiều người hiểu lầm cứ nghĩ mình là… kẻ gian”. Trong khi đó, theo anh Trung, công tác dò bể ngầm này chỉ đạt hiệu quả khi thực hiện từ 23 giờ khuya đến 4 giờ sáng. Do lúc này, đường phố yên lặng, người dân không sử dụng nước, áp lực nước trong đường ống lên cao nên dễ nghe được âm thanh nếu như đường ống bị rỉ, bể. Với sự kiên trì, mỗi tuần hết 5 ngày trắng đêm dò bể ngầm, từ năm 2010 đến 2014, công tác dò bể ngầm đã chủ động phát hiện, sửa chữa hơn 2.100 điểm bể (chiếm tỷ lệ gần 22%) trong tổng số gần 10.000 điểm bể các loại tại Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè đã khắc phục.

Không chỉ âm thầm với công tác thực địa, chủ động dò tìm, phát hiện điểm bể ngầm, anh Đỗ Minh Trung thường xuyên lên kế hoạch dò bể định kỳ tại những khu vực đường ống đã cũ, mục chưa thể cải tạo để kịp thời khắc phục sự cố. Cùng với đó, anh cũng xử lý nhanh các địa chỉ khách hàng báo bể, theo dõi công tác sửa bể, qua đó có những đề xuất cải thiện hệ thống mạng lưới cấp nước được tốt hơn. Sau nhiều năm gắn với công tác dò bể ngầm, những ngại ngùng ban đầu với anh Trung đã không còn nữa vì hiệu quả trong công việc mà anh cùng nhân viên trong tổ mình mang lại đã góp phần đáng kể vào công tác chống thất thoát nước của đơn vị.  

Xây dựng “bộ não” khoa học công nghệ

Thuộc thế hệ 8X nhưng sự am hiểu sâu rộng, tư duy mạch lạc, chững chạc khi nói về ngành cấp nước của anh Trần Cường, Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật sản xuất Phòng Kỹ thuật - Công nghệ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn khiến người đối diện không khỏi bất ngờ. Là kỹ sư được đào tạo tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM, về công tác tại Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn mới 6 năm nhưng Trần Cường đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng có giá trị trong ngành cấp nước.

Trong tất cả công trình nghiên cứu ứng dụng thì Dự án “Chương trình ứng dụng khoa học công nghệ và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn giai đoạn 2014 - 2025” do anh biên soạn được ví như “bộ não” khoa học công nghệ cho ngành cấp nước. Chương trình nghiên cứu này đã nhìn nhận thực trạng của mạng lưới cấp nước TPHCM, thực trạng các hệ thống xử lý nước, thực trạng hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, nguồn nhân lực… Từ đó, đề ra giải pháp, lộ trình thực hiện. Đặc biệt, đây cũng là cơ sở để triển khai phương án đổi mới công nghệ theo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của tổng công ty.

Chinh phục khách hàng khó tính
   
Còn nhớ, khoảng thời gian năm 2000, một trong những nỗ lực của ngành cấp nước TP là xây dựng hình ảnh đẹp của ngành trong mắt nhân dân. Đơn vị đi đầu trong công cuộc cải cách thái độ phục vụ dân lúc đó là Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn. Nhân viên tại đây đã phải trải qua những khóa học cười với khách hàng và nhân viên nào không làm đẹp được hình ảnh trong mắt người dân thì luân chuyển công việc hoặc sa thải. Sự kiên quyết này đã đưa Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn trở thành một trong những đơn vị thực hiện tốt khâu dịch vụ khách hàng.

Làm nên thành quả chung ấy có chị Trương Minh Phương Ánh, Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng. Với thâm niên, kinh nghiệm, tuổi đời và tuổi nghề, chị luôn tiếp những vụ khiếu nại của các khách hàng khó tính.

Đến Phòng Giao dịch khách hàng Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức vào một ngày đầu năm 2015, chúng tôi chứng kiến một khách hàng lớn tuổi tỏ thái độ đầy bực dọc với thủ tục đổi tên lắp đặt đồng hồ nước. Thế nhưng chị Ánh vẫn tươi cười và từ tốn giải thích chậm rãi, cặn kẽ cách thực hiện thủ tục sang tên để vị khách hàng lớn tuổi hiểu. Giải quyết xong công việc, chị tươi cười chia sẻ: “Những thủ tục này nếu mình không giải thích rõ cách làm, người dân phải tốn công sức đi lại nhiều lần”.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục