Những quy định không khả thi

Ngày 15-5 là thời hạn các sản phẩm gia dụng sử dụng điện phải thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng biết đến và doanh nghiệp sản xuất nào cũng thực thi quy định này.

Ngày 15-5 là thời hạn các sản phẩm gia dụng sử dụng điện phải thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng biết đến và doanh nghiệp sản xuất nào cũng thực thi quy định này.

Khảo sát vòng quanh thị trường điện máy trên địa bàn TPHCM mới thấy hết sự “làm ngơ” của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gia dụng. Phần lớn mặt hàng thông dụng như tủ lạnh, ti vi, máy giặt, âm thanh, máy điều hòa không khí… của các hãng tầm tầm bậc trung đến những hãng nổi tiếng đều không dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Có chăng là nhãn do doanh nghiệp tự dán.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Sở Công thương TPHCM cho rằng, sở dĩ quy định triển khai dán nhãn tiết kiệm năng lượng không thể khả thi vì cách thức thực hiện. Thay vì phân cấp quyền chứng nhận xuống cho các định phương thực hiện thì chỉ có Bộ Công thương mới có thẩm quyền chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, nhân sự của bộ dành để thực hiện cho lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kết quả là thời gian chứng nhận luôn bị kéo dài. Doanh nghiệp ngán ngẩm khi nghĩ đến việc chờ đợi đăng ký để được chứng nhận. Nguyên nhân khác là do quy định ban hành chưa thật sự đầy đủ, không quy định biện pháp chế tài với những trường hợp không đăng ký chứng nhận nên nhiều doanh nghiệp dù biết đến quy định vẫn “ngoảnh mặt làm ngơ”.

Không dừng lại đó, Chương trình Nhãn xanh Việt Nam được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ tháng 3 năm 2009 nhằm đánh giá khả năng kiểm soát, hạn chế tác động đối với môi trường của các loại sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng theo quan điểm “xem xét toàn bộ vòng đời sản phẩm”. Theo đó, sản phẩm được bộ chứng nhận nhãn xanh khi giảm thiểu phát thải các loại chất gây ô nhiễm, chất độc hại ra môi trường từ các khâu khai thác nguyên vật liệu, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho đến khi thải bỏ. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức soạn thảo quy định về cấp chứng nhận bao bì tự hủy, thân thiện môi trường. Điều này xuất phát từ thực tế cần phải đánh thuế túi nylon gây hại cho môi trường. Thay vì ban hành tiêu chí rồi phổ biến xuống các địa phương rà soát, chứng nhận, đồng thời kiểm tra giá sát việc doanh nghiệp thực thi, bộ này cũng rập khuôn độc quyền chứng nhận giống như Bộ Công thương. Điều đáng nói là cách quy định thẩm quyền chứng nhận các sản phẩm thân thiện với môi trường nói chung hiện nay vô hình trung đã vô hiệu hóa vai trò của các địa phương – đơn vị nắm rõ địa bàn, loại hình và lĩnh vực hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, gia tăng cơ chế xin cho tại các bộ ngành trung ương. Không chỉ vậy, cách làm trên đã không phát huy được hiệu quả triển khai quy định trên. Thực tế đã chứng minh dù những quy định là cần thiết cho xã hội, góp phần vào công cuộc phát triển nhanh và bền vững của cả nước nhưng cho đến nay có quá ít doanh nghiệp đăng ký. Số lượng sản phẩm được chứng nhận cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều chuyên gia môi trường khẳng định, không chỉ bất cập trong thẩm quyền chứng nhận sản phẩm thân thiện môi trường mà hiện nước ta đang bị loạn chứng nhận sản phẩm thân thiện với môi trường. Loạn là ở chỗ ngành ngành, nghề nghề đề ra tiêu chí cho sản phẩm thân thiện môi trường. Cụ thể như Bộ Công thương thì chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng trong khi đó, cũng sản phẩm này có thể hoàn toàn đăng ký dán Nhãn xanh tại Bộ Tài nguyên và Môi trường… Đã đến lúc cần có một trọng tài đứng ra thu gom, tổng hợp danh sách sản phẩm được gọi là sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó, xây dựng bộ tiêu chí chung cho sản phẩm này và giao chung các cấp địa phương kiểm tra chứng nhận. Có như vậy mới tránh được tình trạng nhiễu nhương, nhiêu khê, vừa tràn lan lại vừa không hiệu quả của các chứng nhận sản phẩm thân thiện môi trường như hiện nay.

Minh Xuân

Tin cùng chuyên mục