Những trang sách đầy ắp “phù sa” châu thổ

Tôi có duyên được đọc Trần Bảo Định từ tập truyện đầu tay Kiếp Ba Khía (2014), rồi Đời Bọ Hung (2015), Phận lìm kìm (2016), Chim Phương Nam (2017), nên xin phép được “phong tặng” ông danh hiệu “Người kể chuyện dân gian hiện đại”, “Tác giả đặc sắc trong dòng văn học sinh thái”.
Nghĩ là ông già trên 70 tuổi, lại đang mang trọng bệnh, chắc đã hết “vốn” và hết… hơi, ai dè cuối năm 2017, Trần Bảo Định tung ra liền một lúc 3 cuốn sách, dày tổng cộng trên 700 trang…
Những trang sách đầy ắp “phù sa” châu thổ ảnh 1
Như một “lão nông tri điền”, Trần Bảo Định tiếp tục “cày xới” trên vùng đất mở phương Nam phì nhiêu. Không ít truyện trong 3 cuốn sách vẫn có cái duyên của người “kể chuyện dân gian” và lời cảnh tỉnh con người đang hủy hoại môi trường sinh thái của chính mình.
Như cuối truyện Hoa gòn quê nhà, tác giả viết: “Quê tôi bây giờ, cây bông gòn đã tuyệt giống… Và, có bao chuyện đời, người mang ơn cây bông gòn xứ sở đã lãng quên…”.
Tuy vậy, bộ 3 tác phẩm của Trần Bảo Định vừa ra mắt hẳn phải có “cái chi đó” mới, thú vị, chứ với một tác giả chưa nổi tiếng như… Trần Bảo Định, dễ gì Phuongnambook bỏ tiền mua bản quyền, xuất bản một lúc 3 cuốn sách.
“Cái chi đó” có thể hình dung một phần qua tên sách Ông già Nam bộ nhiều chuyện - nói đúng hơn, là Trần Bảo Định đã kể nhiều chuyện Nam bộ một cách độc đáo. Phải, đất Nam bộ với đặc điểm lịch sử của nó vốn có “nhiều chuyện” hấp dẫn, nên đã được nhiều cây bút lão luyện khai thác, như các nhà văn Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Phan Quang… Nhưng Trần Bảo Định đã chọn một cách viết riêng, có thể thỏa mãn nhiều nhu cầu một lúc của độc giả. Nói vậy, vì các tác giả đi trước, người thì nặng về khảo cứu, người lại viết thoải mái như du ký. Trong lời bạt bộ sách, PGS.TS Nguyễn Thành Thi có nhận xét, tác phẩm của Trần Bảo Định “hầu như được viết theo cùng một lối: truyện trong ký và ký trong truyện”. Ông còn chỉ ra tùy chủ đề mà “tác giả chọn cách viết nghiêng về truyện ký - tư liệu hay truyện ký - sử liệu”.   
Theo tôi, nhận xét đó là đúng; tuy nhiên, trong chiều hướng phát triển văn học nói chung hiện nay, việc phân biệt thể loại không còn nghiêm ngặt như trước. Thực tại cuộc sống và tính đa dạng nghệ thuật đòi hỏi như vậy. Chính vì thế, từ năm 1957, nhà văn Nguyễn Khải viết 2 tập Xung đột và gọi là “ghi chép” - tác phẩm này còn hay hơn một số tiểu thuyết về sau của ông. Mấy chục năm gần đây, nhiều tác giả gọi tác phẩm của mình là “truyện ký” hay “tản văn”, “tạp bút”… biểu hiện sự co giãn hay linh động về thể loại.  
Tôi hình dung Trần Bảo Định khi viết 3 cuốn sách đã không bận tâm gì về thể loại. Chính cuộc sống đa dạng, cùng vốn kiến thức phong phú và sự trải đời của ông đã tạo nên cách viết của Trần Bảo Định. Nói cho công bằng, không ít truyện của ông - nhất là trong tập Đất phương Nam ngày cũ - do lấy cảm hứng từ một đề tài, nên cấu trúc, cách “giải đề” khá giống nhau. Truyện thường mở đầu là để cậu Tư (hay chị Sáu nào đó…) nêu “bài toán” về địa danh, một “tích cũ” hay một món đặc sản mà ngày nay nhiều người chưa tỏ tường. Rồi tác giả dựng câu chuyện cho cậu Tư nghe mẹ hoặc ai đó diễn giải, kết thúc là đôi điều suy ngẫm về nhân tình thế thái ở đời…
Kể cũng khó tìm được lối viết khác và mỗi tác giả thì phải có giọng điệu riêng, nên tôi gọi đó là “cách viết Trần Bảo Định”. Điều thú vị là tuy cấu trúc truyện có phần giống nhau, nhưng người đọc được “đi dạo” khắp những kênh rạch Bắc Chang, Bến Chùa, Bà Lý…, những miền đất ôm chứa bao nhiêu sự tích “ngày cũ” đậm ân tình, với vô số món ăn đặc sản, nhiều ca dao tình tứ, dân dã. Tôi tin là không chỉ người miền Bắc, miền Trung mà phần lớn người Nam bộ hôm nay, đọc những trang sách của Trần Bảo Định cũng cảm thấy tri thức mình giàu có hơn và thêm yêu vùng đất phương Nam. 
Đặc biệt, trong rất nhiều truyện - ngay cả những truyện viết về đặc sản đất phương Nam như Nồi canh chua lá giang, tác giả đã tái hiện những câu chuyện lịch sử mở đất và giữ nước qua nhiều giai đoạn, từ khi Nam bộ còn mang tên là Phù Nam, rồi Thủy Chân Lạp xa xưa cho đến thời đánh Tây với các nghĩa sĩ Thủ Khoa Huân, Trương Định, Phan Xích Long… Tác giả cũng không tránh né những tên tuổi còn nhiều cách đánh giá khác nhau như Nguyễn Ánh - Gia Long, Phan Thanh Giản…
Ông không “kết luận” mà góp một góc nhìn, phần nhiều là từ các sự việc cụ thể và những câu chuyện  gần như là “huyền thoại” lan truyền trong dân chúng; từ đây, bạn đọc cũng như các nhà nghiên cứu sẽ có cách nhìn khách quan và đúng đắn hơn.
Quả là quá nhiều chuyện, nhiều điều không thể diễn tả hết trong 3 tác phẩm mới của Trần Bảo Định, nên có thể hình dung những trang sách của ông giàu có, bất tận như “phù sa” châu thổ sông Cửu Long…

Tin cùng chuyên mục