Niềm hy vọng từ bán đảo Iberia

Mặc dù nền kinh tế Tây Ban Nha vẫn chưa thực sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng xảy ra cách đây 10 năm nhưng chính phủ mới của nước này đang hướng về các giá trị công bằng và nhân văn.
Niềm hy vọng từ bán đảo Iberia

 Khủng hoảng tài chính đã để lại một thế hệ người dân thiếu việc làm và tình hình bất ổn với việc đòi ly khai của xứ Catalonia. Bên cạnh đó là tình trạng tham nhũng tràn lan dẫn đến việc chính phủ cánh hữu bị phế truất. Thay vào đó là người của đảng Dân chủ xã hội (PSOE) cánh tả, ông Pedro Sanchez, lên làm thủ tướng. Theo tờ Christian Science Monitor, động thái đầu tiên của ông Sanchez là thành lập một chính phủ có đa số phụ nữ nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác ở châu Âu. Vài ngày sau khi Italia từ chối cho phép tàu di dân Aquarius cập cảng, ông Sanchez đã chào đón họ đến Valencia.

Pablo Simon, giáo sư về khoa học chính trị Đại học Carlos III của Madrid, cho rằng, khi Thủ tướng Sanchez chấp nhận người tị nạn từ tàu Aquarius, hay tạo ra một nội các nhiều nữ, ông ấy đang gửi một thông điệp của chính phủ về một xã hội cởi mở hơn. Phong trào #MeToo ở Tây Ban Nha đã biến thành nhu cầu rộng rãi về bình đẳng giới, nổi bật nhất vào ngày 8-3 vừa qua để đánh dấu Ngày Quốc tế Phụ nữ. Hàng triệu công nhân Tây Ban Nha được ủng hộ bởi các công đoàn và nữ chính trị gia hàng đầu, đã xuống đường. Paloma Román Marugán, nhà khoa học chính trị Đại học Complutense ở Madrid, nói rằng nội các mới của Tây Ban Nha phản ánh sự hiểu biết của nhà lãnh đạo về nữ quyền ở nước này. Mặc dù việc cho phép nhập cư 600 người trên tàu Aquarius không đáng là bao so với chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào năm 2015 khi nhận hàng trăm ngàn người nhập cư vào Đức, nhưng điều đó có thể thay đổi. Hiện chính phủ mới Tây Ban Nha vẫn còn nhiều việc phải làm trong bối cảnh tình hình biến động. Hơn nữa, PSOE chỉ nắm giữ 84/350 ghế nghị viện, có thể là khó khăn lớn.

Nước láng giềng của Tây Ban Nha trên bán đảo Iberia là Bồ Đào Nha cũng đã có chính phủ trung tả. Đảng Xã hội của ông Atonio Costa đứng thứ hai trong cuộc bầu cử năm 2015 và ông đã giành quyền lập liên minh cánh tả cầm quyền. Từ đó tới nay, chính phủ của Thủ tướng Costa tiếp tục duy trì được sự ủng hộ cao của công chúng thông qua cách kết hợp tài tình giữa kỷ luật tài chính với chính sách tăng trưởng. Antonio Costa Pinto, một chuyên gia chính trị tại Viện Khoa học Xã hội của Đại học Lisbon, nói rằng các nhà xã hội Bồ Đào Nha có điều kiện thuận lợi hơn ở Tây Ban Nha.

Chính phủ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cùng có thể giúp mang lại niềm hy vọng cho châu Âu vốn đang bị chủ nghĩa quốc gia, dân tộc và cực hữu trỗi dậy. Chuyên gia Pinto nói rằng vừa tăng cường chính sách xã hội, vừa đảm bảo tăng trưởng là rất quan trọng. Nếu 2 đảng Dân chủ xã hội của bán đảo Iberia tiếp tục thu hút nhiều cử tri thành công, họ sẽ sớm “xây dựng lại một hiệp ước dân chủ xã hội ở châu Âu”. Bà Román Marugán nhận định: “Châu Âu đã không thể tự tái tạo trong thời gian này, đặc biệt là với cuộc khủng hoảng kinh tế. Bây giờ Bồ Đào Nha đã chứng tỏ  như một tấm gương sáng minh chứng rằng chính trị cánh tả là có thể”.

Tin cùng chuyên mục