Niềm vui của công nhân vệ sinh

Giờ đây, nghề công nhân vệ sinh tại TPHCM đang nhận được sự đồng cảm và quan tâm chia sẻ, bởi người dân đã có ý thức hơn về việc giữ cho TP một môi trường sạch sẽ, khang trang. 
Không quản nhọc nhằn, mưa nắng, các công nhân vệ sinh cần mẫn quét đường phố, dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng. Công việc của họ rất bấp bênh, thời gian làm việc, lương và phụ cấp đều không ổn định. Vậy mà nhiều khi họ còn phải buồn bực vì tình trạng thiếu ý thức của một số người dân xả rác bừa bãi ra đường…
Niềm vui của công nhân vệ sinh ảnh 1 Công nhân vệ sinh cần mẫn quét đường
Nhưng đó là chuyện cũ, giờ đây, khi kể với chúng tôi về công việc và những vui buồn trong nghề, nhiều công nhân vệ sinh có chung nhận xét: Ngày nay, ý thức của người dân về việc giữ vệ sinh công cộng đã được cải thiện. Chú Trần Chí (công nhân vệ sinh ở quận 1) vui vẻ nói: “Bây giờ mọi người rất ý thức, ít ai xả rác bừa bãi. Nhờ vậy, công việc của công nhân vệ sinh đã phần nào nhẹ nhàng hơn”. Anh Lê Thế Bảo (công nhân vệ sinh ở quận Tân Bình) chia sẻ: “Có nhiều người còn nhắc nhở khi thấy ai đó xả rác, phụ gom rác hoặc mua nước giải khát mời chúng tôi uống. Cách cư xử thân thiện như vậy làm mình thấy vui. Bây giờ quét đường chủ yếu chỉ là quét lá rụng, còn rác do người qua đường xả thì ít thôi. Nhiều nơi công cộng đã có lắp đặt thùng rác nên người dân không vứt rác bừa bãi xuống đường. Chỉ ở gần giao lộ, khi có người phát tờ rơi quảng cáo thì có nhiều tờ rơi xả trên đường”. 
Nhiều công nhân vệ sinh cũng cho biết các công ty dịch vụ môi trường đô thị có quan tâm chăm lo tốt hơn cho người lao động. Công nhân vệ sinh làm việc theo tổ và được phân chia công việc đồng đều theo từng khu vực. Cô Lê Trinh (công nhân vệ sinh ở quận Tân Bình) cho biết: “Khu vực làm việc thay đổi luân phiên, ví dụ hôm nay mình làm khu vực nhiều rác, quét dọn rất cực, thì ngày mai công nhân vệ sinh khác sẽ đổi chỗ mình. Không phân công chuyên trách riêng một khu vực nào để đảm bảo công bằng”. Ngoài tiền lương còn có các khoản tiền thưởng, phụ cấp, nên thu nhập của công nhân vệ sinh cũng đỡ hơn trước. Chú Phạm Thanh Hùng (công nhân vệ sinh ở quận 3) cho biết: “Giờ không phải chật vật chạy đầu này đầu nọ vay mượn tiền nữa, lương hai vợ chồng đủ sống”. Cô Lê Trinh cho hay: “Nay công nhân vệ sinh được trang bị đồ bảo hộ an toàn hơn trước. Những trường hợp bị tai nạn trong lúc làm việc được hưởng trợ cấp theo đúng quy định. Có khi công ty tổ chức cho đi chơi xa, vui lắm! Nhờ vậy áp lực công việc giảm đi”.
Những niềm vui nho nhỏ của công nhân vệ sinh là tín hiệu bước đầu đáng ghi nhận trong công cuộc xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tin cùng chuyên mục