Niềm vui đến trường ở xóm Việt kiều

Hơn hai tháng nay, 183 gia đình di dân tự do từ Campuchia đã có cuộc sống ổn định ở khu tái định cư (KTĐC) ấp Đồng Kèn II, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Mùa tựu trường năm nay, lần đầu tiên trong đời, nhiều con em xóm Việt kiều (di dân từ lòng Biển Hồ, Campuchia về) được đến trường trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Cha con anh Lê Văn Năm, cư dân khu tái định cư ấp Đồng Kèn II vui mừng trước thềm năm học mới

Niềm vui khôn tả

Cách đây 4 năm, gia đình chị Dương Thị Nhãn từ Biển Hồ (Campuchia) đưa nhau về trú ngụ ở ven hồ Dầu Tiếng, thuộc xã Tân Thành. Tháng 6-2018, gia đình chị cũng như gần 200 hộ di dân khác được chính quyền địa phương tặng nhà trong KTĐC ấp Đồng Kèn II. Lần đầu tiên trong đời, chị đưa con đến trường để học văn hóa. 

Sinh ra và lớn lên trên Biển Hồ mênh mông sóng nước, chị Nhãn cũng như những di dân khác không được học văn hóa. Chị không biết con số, không biết tính ngày tháng năm theo dương lịch. Vì vậy, những người làm cha mẹ như chị chỉ biết con sinh ra vào tháng nước lớn hay nước ròng, vào năm con chuột, con chó, con mèo, chứ hoàn toàn không biết ngày tháng năm sinh theo dương lịch. Lớn lên, cũng chẳng ai có giấy chứng minh. Thành vợ thành chồng với nhau cũng không có giấy hôn thú. Vợ chồng chị có ba con gái. Con gái lớn tên Dương Thị Nhung, tuổi con khỉ, đứa kế tên Dương Thị Gấm, sinh năm con cọp và cô gái nhỏ tên Dương Thị Lụa, tuổi con dê. Vì con gái lớn năm nay đã quá tuổi vào lớp một, nên chị cho ở nhà trông em. Dương Thị Gấm, năm nay 8 tuổi, nhờ về KTĐC, được chính quyền địa phương và nhà trường quan tâm cho vào lớp một. “Tôi đã nộp hồ sơ vào trường xong hết rồi. Mừng quá. Bây giờ chỉ lo mua quần áo sách vở nữa thôi”, chị Nhãn vui vẻ nói. 

Không chỉ những gia đình di dân tự do ở trong KTĐC mà những di dân ở ngoài KTĐC cũng được hưởng chế độ ưu tiên đặc biệt như thế. Điển hình như gia đình anh Lê Văn Năm, 41 tuổi, cũng di dân từ Biển Hồ về Tân Thành được “hai cái tết”. Từ Campuchia, gia đình anh dọn về ở đậu bên mái hiên nhà người chị ruột, thuộc ấp Đồng Kèn II. Vợ chồng anh có 4 người con. Đứa đầu năm nay 17 tuổi, đi làm thuê kiếm sống. Đứa kế, 12 tuổi, bị bệnh tật, không đi học được. 2 đứa còn lại 8 tuổi và 6 tuổi, vừa được trường cho nhập học. Anh Năm cho hay, ở Biển Hồ muốn được đi học, mỗi ngày, chúng tôi phải bơi xuồng chở con đến nhà thầy để học. Mỗi buổi phải trả tiền công cho thầy 500 ria (hơn 2.500 đồng). Ngày nào bận việc, không đưa con đi học được, thầy cô lấy ghe máy đi rước thì phải trả thêm 500 ria nữa”.

Thầy Trần Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Kèn, cho biết năm học mới này, trường đã đón nhận 130 học sinh là con em ở địa phương và có tới 215 em là con em của những gia đình di dân từ Campuchia về đây sinh sống. Các em học sinh Việt kiều khá thông minh, chịu khó học hành. Về đây, được tạo điều kiện thuận lợi để đến trường nên phụ huynh rất ý thức nhắc nhở con em cố gắng học tập. 

Gỡ rối về thủ tục

Thực tế, để các em học sinh di dân tự do được vào lớp học là cả một “kho” rắc rối về thủ tục. Đích thân Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, Trưởng Ban quản lý ấp Đồng Kèn II và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đồng Kèn phải có mặt tại trường để trực tiếp giải quyết những trường hợp chênh lệch tên, tuổi của học sinh. Hàng chục phụ huynh xoay quanh lãnh đạo xã, ấp, thầy hiệu trưởng để khai báo lại tên tuổi của con cháu mình. Có nhiều trường hợp không “khớp” với với hồ sơ đã khai báo trước đây. Mới sáng nay, có phụ huynh khai báo ở công an xã rằng, con họ sinh năm 2002, nhưng khi đến trường họ khai báo là con họ sinh năm 2012, chênh lệnh nhau đến 10 tuổi. Trường hợp khác, phụ huynh khai báo là con của họ tên Nguyễn Văn Khải, khi đến trường họ khai báo tên là Nguyễn Văn Thông… 

Chúng tôi được chứng kiến một trường hợp khác, có một bé gái, nhìn hình dáng bên ngoài ước tính chỉ khoảng 7 - 8 tuổi, nhưng trong hồ sơ đăng ký với công an xã, cha mẹ khai báo em đã 10 tuổi.Vì vậy, khi phụ huynh dẫn em tới trường đăng ký vào học lớp một thì đã bị từ chối vì đã quá tuổi quy định. Thầy Nghĩa giải thích: “Theo quy định của ngành giáo dục, trường chỉ nhận vào lớp một đối với những em học sinh từ 6- 9 tuổi. Nếu em gái này không điều chỉnh được năm sinh, nhiều khả năng, em phải trở về nhà, chờ học chương trình xóa mù chữ do trường tổ chức”.

Những ngày này, các giáo viên dạy lớp một của trường đang phải vất vả tập cho học sinh làm quen với tên của các em và phải tập cho các em biết được tên của mình. Vì lúc ở nhà, cha mẹ đặt tên theo kiểu dân gian Cóc, Xoài, Ổi…, đến khi đi học mới đặt lại họ tên đầy đủ khiến các em còn bỡ ngỡ với tên mới. Trước mắt, trường cứ nhận vào rồi khó khăn đến đâu mình tìm cách tháo gỡ đến đó. Hiện tại, Trường Tiểu học Đồng Kèn còn gặp khó khăn về sách giáo khoa. Trường đang làm kiến nghị Phòng GD-ĐT huyện Tân Châu chỉ đạo các trường khác luân chuyển sách giáo khoa trong thư viện của các trường về đây giúp cho các em học sinh

Tin cùng chuyên mục