Nỗ lực duy trì khách đi xe buýt

Số lượng hành khách đi xe buýt TPHCM tiếp tục sụt giảm. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, ước số lượng hành khách chuyên chở được của hệ thống xe buýt thành phố trong quý 1-2015 đã giảm khoảng 5% so với cùng kỳ. Hiện tượng này không chỉ đáng lo về mặt giao thông mà còn trong lĩnh vực môi trường, đây cũng là điều đáng báo động. Xe công cộng sụt giảm có nghĩa xe cá nhân phát triển và lượng khói xe thải ra môi trường sẽ tăng lên.
Nỗ lực duy trì khách đi xe buýt

Số lượng hành khách đi xe buýt TPHCM tiếp tục sụt giảm. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, ước số lượng hành khách chuyên chở được của hệ thống xe buýt thành phố trong quý 1-2015 đã giảm khoảng 5% so với cùng kỳ. Hiện tượng này không chỉ đáng lo về mặt giao thông mà còn trong lĩnh vực môi trường, đây cũng là điều đáng báo động. Xe công cộng sụt giảm có nghĩa xe cá nhân phát triển và lượng khói xe thải ra môi trường sẽ tăng lên.

Xe buýt không còn hấp dẫn

Cơn mưa chiều 14-4 tuy không lớn, nhưng theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Xe buýt TPHCM, đã làm cho hành trình của nhiều chuyến xe buýt từ trung tâm thành phố lên làng đại học Thủ Đức và ngược lại chậm hàng giờ so với lịch trình. Mưa không gây ngập nhưng đã làm chậm bước đi của các phương tiện giao thông… Thế nhưng, cơn mưa cũng chỉ làm trầm trọng thêm mức độ ùn ứ giao thông ở cửa ngõ phía Đông thành phố.

Ông Phùng Đăng Hải cho biết, hầu như giờ cao điểm nào tại khu vực này, việc đi lại cũng rất khó khăn. Rất ít xe buýt hoạt động trong giờ cao điểm đảm bảo đúng lộ trình, trong khi đây cũng là lúc hành khách của xe buýt, đặc biệt là các sinh viên có nhu cầu đi lại cao nhất. Bên cạnh lý do quan trọng nêu trên, một vấn đề quan trọng không kém: nhiều yếu tố làm nên sự hấp dẫn của các tuyến xe buýt từ trung tâm thành phố tới làng đại học Thủ Đức… đang dần mất đi.

Trước đây, sinh viên thích sử dụng xe buýt vì lưu thông trên xa lộ Hà Nội bằng xe gắn máy 2 bánh rất nguy hiểm và tốn kém. Hiện nay mọi thứ đã khác. Giá xăng giảm sâu. Chi phí mua xăng để chạy xe gắn máy 2 bánh đi học tương đương với giá vé xe buýt trên cả hai chuyến đi và về. Xa lộ Hà Nội cơ bản hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp. Trên gần hết tuyến đường, làn xe gắn máy 2 bánh đã được tách biệt với làn ô tô. Cải tạo xa lộ Hà Nội và tách bạch làn ô tô với làn xe gắn máy 2 bánh là việc đúng đắn và phải làm. Chỉ có điều đáng nói, trong bối cảnh ấy, xe buýt đã không được tạo điều kiện tương ứng để cạnh tranh với các loại phương tiện giao thông khác. Tuyến xe buýt từ trung tâm TPHCM lên làng đại học Thủ Đức từng một thời trong giờ cao điểm cứ 2-3 phút phải xuất bến một chuyến xe mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách nay không còn hấp dẫn như xưa. Giống như tình hình chung, số lượng hành khách đi xe buýt trên các tuyến này cũng đã giảm gần 5% so với cùng kỳ năm 2014.

Một số tuyến xe buýt tại TPHCM đang vắng hành khách. Ảnh: CAO THĂNG

Thế nhưng, không chỉ có các tuyến xe buýt nêu trên mới gặp khó. Nhiều tuyến xe buýt trong nội thành, đặc biệt là các tuyến xe buýt chạy vòng quanh khu vực trung tâm thành phố cũng đang mất dần hành khách. Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, thời gian đầu mới mở các tuyến xe buýt chạy vòng quanh khu vực trung tâm, lượng hành khách tăng lên rất nhanh. Nay thì ngược lại bởi khu trung tâm ngày càng quá tải. Trong giờ cao điểm, ở nhiều nút giao thông, ô tô gần như phải nhích từng bước. Lẫn trong dòng xe ấy, xe buýt không đảm bảo được lộ trình nên đã không giữ được hành khách.

Năm 2015: không để mất thêm khách

“Đây thực sự là vấn đề nan giải” - ông Lê Hoàng Minh đã nhận xét như vậy về thực trạng nêu trên của hệ thống xe buýt TPHCM. Theo ông Lê Hoàng Minh, Sở Giao thông Vận tải TPHCM và nhiều đơn vị xe buýt đã cố xoay trở để tìm hướng tháo gỡ khó khăn. HTX Xe buýt 19-5 chủ động gắn camera trên xe để giám sát hành trình, thái độ phục vụ hành khách của tài xế và tiếp viên nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Công ty Xe khách Sài Gòn tính đến việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc thông báo lịch trình đi lại của xe buýt cho hành khách… Sở Giao thông Vận tải TPHCM nghiên cứu điều chỉnh thời gian đấu thầu luồng tuyến xe buýt cho hợp lý hơn. Sở dự tính sẽ đề xuất UBND TPHCM nâng chu kỳ đấu thầu lên 7-8 năm/lần cho phù hợp với tuổi đời của xe buýt thay vì chỉ 3 năm như hiện nay… “Khớp” được chu kỳ đấu thầu với tuổi đời xe buýt, sẽ khuyến khích các đơn vị vận tải đầu tư xe buýt mới để tham gia đấu thầu thay vì đưa xe buýt cũ vào, ông Lê Hoàng Minh nói.

Thế nhưng, những giải pháp trên sẽ giúp thay đổi tình thế? Theo ông Lê Hoàng Minh, trong năm 2015 Sở Giao thông Vận tải chỉ dám đặt mục tiêu: không để mất thêm hành khách. Phải chăng vì nỗ lực của các đơn vị vận tải, thậm chí của Sở Giao thông Vận tải TPHCM chưa “chạm” được đến vấn đề cốt tử nhất: đảm bảo lộ trình về thời gian đi xe buýt cho người dân nên Sở Giao thông Vận tải chưa dám đặt mục tiêu lớn hơn?

Thực ra, không phải đến thời điểm hiện nay, hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM mới chững lại. Từ năm 2009, khối lượng hành khách chuyên chở được đã bắt đầu giảm, chỉ chở được 342,10 triệu lượt trong khi năm 2008 là 342,49 triệu lượt hành khách. Năm 2010 tăng trở lại với 364,76 triệu lượt nhưng năm 2011 lại giảm với 358,05 triệu lượt. Năm 2012 tăng so với năm 2011 với sản lượng đạt 413,14 triệu lượt hành khách, song qua năm 2013 con số lại tụt xuống còn 411,20 triệu lượt hành khách…

Tính chung cho cả giai đoạn 2011-2015, nhiều chuyên gia vận tải đã dự đoán rằng năm 2015 số lượng hành khách chuyên chở được của cả hệ thống vận tải hành khách công cộng bao gồm cả xe buýt và taxi đạt khoảng 707 triệu lượt hành khách, chỉ đáp ứng được khoảng 11,5% nhu cầu đi lại của người dân thay vì 15% như mục tiêu được xác định trong Chương trình Giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 của UBND TPHCM. Nguyên nhân của thực trạng này lại không chỉ xuất phát từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM hay các đơn vị vận tải. Nhiều chuyên gia vận tải đã chứng minh: để xe buýt phát triển rất cần các giải pháp đồng bộ từ quy hoạch phát triển đô thị đến quản lý hệ thống vận tải…

Trong nhiều văn bản chỉ đạo, TPHCM cũng đã nhiều lần đề cập đến các giải pháp đồng bộ trong xây dựng đô thị hướng tới phát triển vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, hiện nay cơ bản mới chỉ có những giải pháp mang tính đơn lẻ của từng ngành được triển khai mạnh mẽ. Hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM vẫn đang chờ các giải pháp đồng bộ để thoát ra khỏi khó khăn này.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục